(giaidauscholar.com) - Sáng 15/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Chương
trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua
khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung
tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 –
2020 với mục tiêu đặt ra là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình
quân từ 1 đến 1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu nhắn tin ủng hộ người nghèo
* Gần 47.340 tỷ đồng phục vụ công tác giảm nghèoTheo chuẩn nghèo cũ, tính đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,25%, thấp hơn nhiều so với mức 14,2% vào thời điểm năm 2010. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 6%. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thu nhập tăng 2,5 lần. Nguồn lực bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 là gần 47.340 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm trên 82%. Đây là nỗ lực lớn của Nhà nước khi điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Đánh giá chung thì tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Quốc hội đề ra, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình cũng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
* Phấn đấu giảm bình quân từ 1 đến 1,5%/nămTrong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1 đến 1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm. Đến cuối năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,5% so với cuối năm 2015; đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng các xã, huyện nghèo. Nguồn lực thực hiện chương trình là gần 48.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm chủ yếu với gần 41.150 tỷ đồng.
Các ý kiến tại hội nghị đề xuất đẩy mạnh việc phân quyền cho cộng đồng, lấy hộ nghèo, thôn nghèo làm trung tâm. Sau khi có kế hoạch, chương trình, quá trình triển khai phân cấp triệt để, hướng về người nghèo, để họ định đoạt sản xuất, quá trình thoát nghèo hiệu quả. Ý tưởng này cũng được Giám đốc quốc gia Chương trình UNDP tại Việt Nam, Bà Louise Chamberlain hoan nghênh và cho rằng, đây là những điểm mới và sáng tạo. Chỉ ra bốn thách thức cần được giải quyết trong quá trình thực hiện chương trình, đại diện UNDP cho rằng, cần bố trí nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động nâng cao năng lực nhằm đầu tư vào con người như: Trang bị thêm kỹ năng và công cụ giúp người nghèo và các cộng đồng phát huy sáng tạo. UNDP cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để huy động nguồn lực tài chính, xây dựng những giải pháp sáng tạo, toàn diện và kết nối các bên để hỗ trợ Việt Nam đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp Quốc.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến ở các điểm cầu đã cùng hưởng ứng, nhắn những tin nhắn đầu tiên để gửi một khoản tiền nhỏ ủng hộ hoạt động vì người nghèo; đồng thời kêu gọi toàn xã hội nhắn tin ủng hộ người nghèo theo Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và công tác này đã không ngừng đạt được nhiều tiến bộ trong các năm qua, được quốc tế ghi nhận. Thủ tướng cho biết, theo tiêu chí cũ, từ 1993, Việt Nam còn 58% hộ nghèo thì đến 2015, giảm còn 4,45%, nếu theo chuẩn nghèo đa chiều tỷ lệ này tương đương với 9,92%, đây là thành tích lớn trong chỉ đạo, điều hành. Việt Nam đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc trong bối cảnh toàn thế giới hiện vẫn còn trên 1 tỷ người nghèo, chủ yếu là ở vùng nông thôn 78%.
Theo Thủ tướng, bài học kinh nghiệm trong vấn đề này rất nhiều nhưng tựu chung lại là sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; sự tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế nhất là UNDP và Worldbank. Bên cạnh đó là sự chủ động, ý chí vươn lên thoát nghèo của chính những người nghèo.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, đồng bào chiến sỹ cả nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp; các tổ chức quốc tế đã bảo trợ, dành công sức cho công tác giảm nghèo ở Việt Nam.
* Vẫn còn tình trạng “kê khai nhầm chỗ”Phân tích những hạn chế, tồn tại của vấn đề này, Thủ tướng đánh giá, giảm nghèo còn chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Cả nước hiện vẫn còn 41 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước. Bên cạnh đó, một số địa phương vận dụng chưa sáng tạo, hiệu quả các chương trình của trung ương liên quan đến giảm nghèo; một số vùng vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, gây trở ngại cho công tác giảm nghèo. Ngoài ra, chính sách, sự chỉ đạo, phối hợp giữa các nguồn lực còn phân tán. Đáng chú ý, Thủ tướng cũng phê phán tình trạng “kê khai nhầm chỗ” trong việc xác nhận hộ nghèo, vẫn còn việc xác nhận hộ nghèo luân phiên, thậm chí cán bộ có thu nhập lại được kê khai hộ nghèo để hưởng lợi.
Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã xác định mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 đến 1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều; tập trung vào vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đi đôi với các giải pháp khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc liên quan đến công tác giảm nghèo đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải có sự đoàn kết nhất trí cao; đồng lòng nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt các mục tiêu đề ra, Thủ tướng nêu rõ.
Đặc biệt lưu ý đến công tác tuyên truyền, giáo dục, Thủ tướng yêu cầu các tiếp tục gây dựng sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này. Trong tuyên truyền cần chú ý khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường, ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân. “Một dân tộc, một địa phương phải có tinh thần tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo; lao động sáng tạo, cần cù để vươn lên thoát nghèo”, Thủ tướng nói.
Yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền coi việc thực hiện chương trình này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện và thường xuyên giám sát, đôn đốc triển khai trong giai đoạn 5 năm tới. Thủ tướng chỉ đạo phát động cuộc thi viết về cá nhân hộ gia đình có thành tích cao trong giảm nghèo bền vững, trong đó, ưu tiên biểu dương, tôn vinh những nhân tố mới, điển hình mới có thành tích tốt trong lĩnh vực này để nhân rộng trong cả nước.
Nhấn mạnh cái gốc của vấn đề chính là nâng cao dân trí, năng lực của người dân hướng đến thoát nghèo bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật giảm nghèo theo hướng phân cấp mạnh mẽ đến tận huyện, xã để phối hợp, lồng ghép trong việc thực hiện các chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương như: Phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, du lịch, sinh thái, thương mại điện tử…áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao sinh kế cho người dân.
“Không để tình trạng thảm hoạ môi trường xảy ra, gây khó khăn cho xã hội, ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Cần tính toán làm sao để môi trường sống của người dân an toàn, giảm bệnh tật, gánh nặng cho mỗi gia đình vì nếu không chỉ một sự cố là cả hộ dân lại tái nghèo” – Thủ tướng nêu yêu cầu.
Thủ tướng cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan dân cử, Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ, đoàn thể và người dân tích cực tham gia, giám sát công tác này được triển khai hiệu quả, tránh tình trạng hình thức.
Huy động mọi nguồn lực tham gia giảm nghèo bền vững
Về vấn đề nguồn lực của chương trình, Thủ tướng yêu cầu bố trí đủ ngân sách đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ người nghèo giảm nghèo bền vững.
Thủ tướng kêu gọi các hộ gia đình, doanh nghiệp, nhân dân, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức quốc tế tiếp tục phát huy trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc để ngày càng gây dựng được nhiều hơn các quỹ hỗ trợ người nghèo; tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, cưu mang, đỡ đầu các bản, làng, xã, hộ nghèo, gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bắt đầu từ 0h ngày 15/10 đến hết 24h ngày 30/11, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: VNN gửi 1409, không hạn chế số lượng tin nhắn. Với mỗi tin nhắn, người ủng hộ sẽ đóng góp 15.000đ vì người nghèo./.
TTXVN