26/01/2016 07:24 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Không phải lần đầu những cuộc tranh cãi về cách ứng xử của “dân phượt” lại rộ lên khi tuyết bắt đầu phủ kín các vùng cao phía Bắc. Và lần này, cuộc tranh luận ấy lại có thêm “phụ gia” đặc biệt từ những bức ảnh trái ngược nhau: một bên là các bạn trẻ hớn hở, tươi cười tạo dáng để chụp ảnh trong tuyết trắng- một bên là những trẻ em vùng cao co ro, xám ngắt trong cái lạnh cắt da.
Bởi vậy, tuyết rơi, những người “có điều kiện” vội đổ xô lên Sapa, Mẫu Sơn hay Mèo Vạc để chiêm ngưỡng cảnh tượng “không hẹn mà gặp” này. Và cũng bởi vậy, người dân nghèo vùng cao lao đao - vì trong cuộc sống bình thường, họ vốn dĩ không hề được chuẩn bị để ứng phó với những hệ lụy mà “đặc sản” này mang đến.
Có nghĩa, tùy theo vị trí địa lý và điều kiện sống, niềm vui của một cộng đồng ở đô thị sẽ gắn liền với sự lo lắng, thậm chí là với thảm cảnh của một cộng đồng khác ở vùng cao. Và khi cảnh “kẻ khóc - người cười” cùng diễn ra song song, sự thông cảm và sẻ chia tất nhiên sẽ được cộng đồng dồn cho những người không may mắn.
Hẳn, hầu hết độc giả sẽ cảm thấy có đôi chút khó chịu, thậm chí là bất bình, khi nghe những ao ước khá… vô tâm của một số “phượt thủ” theo kiểu “ước gì tuyết rơi thật lâu, thật dày” - hoặc tệ hơn là “trâu bò chết nhiều, tha hồ mua thịt gác bếp mang về Hà Nội ăn”.
Nhưng, một cách sòng phẳng, cũng là thiếu công bằng khi một số người lớn tiếng yêu cầu các bạn trẻ chấm dứt “phượt” ngắm tuyết và dành khoản tiền ấy để giúp đỡ đồng bào vùng cao. Bởi đơn giản, nhu cầu hưởng thụ và sự nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo vẫn là hai khái niệm độc lập. Thay vì ép buộc, chúng ta chỉ có quyền hi vọng mỗi người tự tìm được sự cân bằng giữa hai câu chuyện ấy.
Và do vậy, giữa những ngày tuyết rơi ở miền Bắc, người ta lại cảm thấy ấm lòng khi có những cá nhân đang đứng ra kêu gọi đóng góp giúp đỡ vùng cao. Điển hình, ở thời điểm hiện tại, trên nhiều diễn đàn mạng đang “nóng lên” trước lời khẩn thiết đề nghị hỗ trợ quần áo ấm của các cô giáo trườngtiểu học Cao Bắc (Bảo Lạc, Cao Bằng) cùng hình ảnh những đôi chân trần, tím tái vì rét của trẻ em miền núi.
Hàng ngàn và hàng ngàn những lượt chia sẻ đã cùng lan tỏa từ lời kêu gọi này. Để rồi, chỉ trong vài ngày rất ngắn, đợt quyên góp đầu tiên đã nhận về 154 đôi ủng, 60 tấm áo khoác mới cùng rất nhiều quần áo còn tốt để khẩn trương chuyển tới “địa chỉ đỏ” ấy. Và, những đợt quyên góp tiếp theo vẫn đang diễn ra kế tiếp, với một cái đích dài hơi hơn: không chỉ cung cấp áo ấm, thực phẩm mà còn hướng tới việc giúp đỡ các em, cũng như đồng bào vùng cao tại Bảo Lạc, đón một cái tết Bính Thân vui vẻ và nhiều ý nghĩa.
Rồi, nếu quay ngược lại thời gian, người ta cũng có thể liệt kê hàng chục đợt kêu gọi quyên góp quần áo ấm, lương thực hay tiền mặt để hỗ trợ người dân vùng cao ở chính các diễn đàn dành cho dân phượt.
Chẳng hạn, nhóm cộng đồng mang tên “Phượt từ thiện” hiện đã có tới 7000 thành viên và thường xuyên hoạt động theo tôn chỉ: tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vùng cao ngay tại các điểm đến của mình. Bởi, như chia sẻ từ chính họ, đây là sự bù đắp lại những áy náy trong lòng, để bản thân có thể thấy thanh thản và vững tin hơn trên hành trình đi phượt.
Không có dân phượt ích kỷ, mà chỉ có những cá nhân ích kỷ, trong cuộc sống hàng ngày. Và, khi niềm vui được ngắm tuyết rơi diễn ra song song với nỗi âu lo, xót xa của người dân vùng cao, chúng ta ít nhất cũng hãy dành thiện cảm cho những hoạt động thiện nguyện, trước khi nói tới những đóng góp xa hơn. Sự ủng hộ ấy ít nhiều sẽ giúp mỗi cá nhân xóa đi chút mặc cảm ích kỷ trong lòng…
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất