28/08/2012 16:30 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(TT&VH) - Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đời, chuyện người, rồi cả chuyện đồ vật nữa... Dù gây nên một “cơn sốt” nhè nhẹ trên thị trường sách vào giữa năm 2012 này, nội dung của cuốn Đi ngang Hà Nội vẫn khó có thể tóm lược chỉ trong lời. Bởi, từ một khái niệm vô hình, cái sự “yêu Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến lại được cụ thể hóa qua hàng chục câu chuyện, với giọng văn nhẩn nha về những sự kiện và con người...
Hơn 6 năm ở quân ngũ rồi học trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh, Nguyễn Ngọc Tiến về báo Hà Nội mới vào đầu thập niên 1990. Anh bảo mình vào nghề muộn nên chỉ còn cách dành trọn thời gian cho những gì quan tâm nhất. Sự lựa chọn ấy là Hà Nội, được giới hạn riêng trong góc nhìn của Tiến về lịch sử đời sống của nó.
Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến và cuốn sách "Đi ngang Hà Nội"
Nếu từng biết tác giả, sẽ chẳng ai buồn hỏi anh cái câu “vì sao?” khi Tiến ra mắt tập sách này. Quê ở vùng ven Hà Nội, làm báo Hà Nội mới, là “con nghiện” của những tập tư liệu về Hà Nội tại Thư viện Quốc gia vài chục năm nay - chừng ấy vẫn chưa đủ. Tiến, cách đây vài năm, mở quán cà phê “Báo” để chuyển một… bãi chiến trường từ nhà mình qua đó - với ngổn ngang hàng trăm hiện vật mà anh lọ mọ sưu tầm về một Hà Nội trong thời bao cấp.
2 năm trước lúc phát hành cuốn sách này, Tiến có 5678 bước chân quanh Hồ Gươm. Rồi bây giờ, anh lại chuẩn bị “đi” một lần nữa - lần này là đi... dọc. (Đi dọc Hà Nội dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 9 tới). Vậy nhưng, buột miệng nói cụm từ “nhà Hà Nội học”, tác giả của 350 trang sách này xua quầy quậy. “Sinh ra thì Hà Nội đã có rồi. Và tới hết cuộc đời, những gì mình hiểu cũng chỉ vỏn vẹn như một lần... đi ngang qua nó”. Đấy, đi ngang Hà Nội - theo cách của anh!
* Chính xác, anh coi cuốn sách của mình thuộc thể loại gì?
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 sẽ được trao vào ngày 31/8/2012 tại Hà Nội. Chi tiết các đề cử của năm nay, TT&VH sẽ tiếp tục giới thiệu trên các số báo tới.
- Ký sự - khảo cứu, với ngôn ngữ pha trộn một chút văn, một chút báo chí, một chút nghiên cứu lịch sử và địa dư (cười). Nói nôm na, bạn có thể hiểu thế này: cuộc sống tại Hà Nội có hàng trăm câu chuyện chúng ta gặp hàng ngày: chuyện ăn kem, chuyện xích lô - ô tô - xe máy, chuyện hiếu hỷ... Những thứ ấy đến với Hà Nội từ bao giờ và thay đổi thế nào thì lại là từng câu chuyện rất dài.
* Nhưng rõ ràng, từ hàng ngàn câu chuyện của đời sống, anh cũng phải có sự lựa chọn để “nhặt” ra 32 câu chuyện trong Đi ngang Hà Nội?
- Thích đọc về Hà Nội, tôi thấy những chuyện về lịch sử, ẩm thực, chùa chiền… được viết rất kỹ rồi. Nhưng vẫn còn đó một khoảng trống cho hàng loạt câu chuyện tưởng như nhỏ bé khác: những thứ về bia hơi, thú chơi đĩa, mốt “nhảy đầm”. Những thứ ấy vốn chỉ được sách vở nói tới đôi ba dòng và thường mang tính văn chương khá nhiều. Thậm chí, có cả những góc tối của Hà Nội nhưng cũng là một phần của lịch sử, như nạn mãi dâm hay phóng uế nơi công cộng…
Bởi vậy, tôi lọ mọ tìm hiểu để lấp đầy sự tò mò của mình. Và khi biết được ít nhiều, tôi viết ra, trước là thỏa mãn bản thân, sau là hi vọng có thêm người chia sẻ.
* Công việc của một nhà báo hẳn giúp anh khá nhiều trong việc tìm tư liệu?
- Cũng có phần nào. Nhưng trước đó, xuất phát từ sở thích, tôi đã có một thời gian dài đọc tư liệu tại Thư viện Quốc gia. Rồi những gì còn thiếu, tôi lại tìm thêm ở những bản dịch của Viện Viễn Đông Bác Cổ, hoặc ở những tờ báo cũ của Hà Nội giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Nói chung, mỗi phần trong 32 câu chuyện của Đi ngang Hà Nội chỉ là bề nổi để “cõng” theo nó hàng loạt vấn đề của lịch sử và đời sống đô thị khi ấy. Có rất nhiều đề tài dở dang mà tôi phải tạm dừng cho đến khi tìm đủ tư liệu.
* Rất nhiều người đang tranh cãi về mức độ thay đổi của Hà Nội trong lối sống, trong văn hóa ứng xử. Còn lời giải của anh là gì?
- Nếu chọn những cái mốc về sự thay đổi, tôi nghĩ Hà Nội chuyển mình lần đầu vào năm 1988. Khi đó, để thực hiện Đổi mới, nhiều doanh nghiệp bao cấp làm ăn thua lỗ phải giải thể. Hàng loạt người lao động phải lao ra đường kiếm sống. Lúc đó rất nhiều người nghĩ đến cái dạ dày của chính họ và người thân trong gia đình hơn là những thứ khác, vì thế văn hóa vốn đã có sự thay đổi sau 1954, giờ lại bị một “cú đánh” nữa. Và chỉ một năm sau, năm 1989 các phố Chùa Bộc, Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến đã tắc đường vì… xe đạp.
Cái mốc thứ hai là năm 2000, khi mà số người nhập cư vào Hà Nội tăng lên đáng kể khi thị trường bất động sản ở Hà Nội nóng lên và bất cứ ai có tiền đều có thể sở hữu nhà và đất ở Hà Nội mà không phải lo lắng về pháp lý. Văn hóa Hà Nội đã xuống cấp, quản lý đô thị, quản lý văn hóa yếu kém nên Hà Nội không thể “Hà Nội hóa” người đến sống ở Hà Nội và kết quả như mọi người đã thấy…
* Vậy, cảm giác của anh khi nhìn về một Hà Nội cũ cách đây vài chục năm?
- Nói chung, như nhiều người khác, tôi nhớ những cái đã mất và cũng không vui khi chứng kiến những thứ đã biến dạng quá nhiều!
* Giữa nhịp độ của cuộc sống hiện đại, anh có bất ngờ không khi cuốn sách ít nhiều “hoài cổ” này lại rất đắt hàng?
- Có chuyện thế này: Một cô bạn tôi mang Đi ngang Hà Nội về nhà, bị đức ông chồng vốn là dân kinh doanh và ít đọc sách, giành lấy và “ngốn” hết ngay trong đêm. Chuyện rất nhỏ, nhưng lại khiến tôi vui. Còn vì sao ngấu nghiến trong một đêm có lẽ phải hỏi anh ấy.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Chiêu Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất