Tôi đi đám cưới người Thái đen

16/01/2021 07:30 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Đang cùng một anh bạn tản bộ ngắm cảnh trên con đường bản Dọi (xã Tân Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La), thấy một nhóm phụ nữ Thái đen túm tụm trước cổng nhà soi gương trang điểm, cười nói rất vui.

Hoa mơ khoe sắc, nở trắng trên cao nguyên Mộc Châu

Hoa mơ khoe sắc, nở trắng trên cao nguyên Mộc Châu

Những ngày đầu năm mới 2020, con đường đến cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La), dường như ngắn lại với du khách bởi không khí trong lành, mát mẻ và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ.

Tôi cất tiếng: “Xin chào. Đi đâu mà đẹp thế?”. Tiếng mấy chị lanh lảnh cất lên: “Đi đám cưới. Có đi không?”. Tôi nghĩ họ trêu mình, nên trêu lại: “Thật không?”. “Thật”. “Vậy đi nhé? Có sao không?”. “Không sao. Đi vui thôi mà. Đi nhé!”… Cứ đối đáp như vậy, đến lúc tôi cảm nhận rằng họ mời rất thật lòng. Thế là 2 chúng tôi rủ nhau theo xe máy các chị đi ăn cưới cùng.

1. Xin giới thiệu một chút, bản Dọi thuộc xã Tân Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La, cách trung tâm huyện chừng gần 30 cây số, có đường trải nhựa đi vào tận bản. Sở dĩ có tên bản “Dọi” là do bản tựa lưng vào một quả núi đá màu trắng, người Thái gọi là “đàn dói” (đá trắng); lâu dần bị đọc biến âm thành “đàn dọi”, rút gọn thành “dọi”, và lấy tên bản là “bản Dọi” như hiện giờ.

Đây là không gian cộng cư của người Thái trắng đã có lịch sử khoảng hơn 200 năm. Bản Dọi hiện giờ vừa được hợp nhất từ bản Dọi 1 của người Thái trắng đã có sẵn và bản Dọi 2 của người Thái đen từ Mường La di cư về năm 2003 theo chương trình di dân tái định cư của thủy điện Sơn La.

Trên những nét lớn, cả nhóm Thái đen và nhóm Thái trắng đều chung nhau về ngôn ngữ, chế độ canh tác nông nghiệp, một số quan niệm về tín ngưỡng, phong tục… Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, giữa 2 nhóm này vẫn có những nét khác nhau. Điều này làm nên sự đa dạng thú vị trong bức tranh văn hóa nhiều hương sắc của dân tộc Thái nói chung.

Hiện nay, bản Dọi đang bước đầu được quy hoạch thành bản du lịch. Mô hình homestay đã có tổng cộng 6 căn hộ, nằm hoàn toàn bên không gian bản Dọi 1 cũ của người Thái trắng. Không gian cộng cư của người Thái đen được quy hoạch biệt lập, phân định với khu vực của người Thái trắng bằng một con đường liên xã ngăn đôi.

2. Như đã kể ở trên, chúng tôi theo xe máy các chị đi ăn cưới cùng. Đám cưới diễn ra ở bản Hoa, cách bản Dọi chừng 2 cây số đường dốc. Trên đường đi, một chị cho biết, nơi đang đến cũng là bản của người Thái đen di cư từ Mường La xuống, trước đây 2 bản Dọi và Hoa này thuộc cùng 1 bản, khi về dưới Mộc Châu thì được bố trí tách ra như bây giờ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh đám cưới

Không gian và kiến trúc nhà ở của các bản di cư đều được quy hoạch, thiết kế giống nhau, theo kiểu sắp hàng y như dãy phố, 2 bên đường là các ngôi nhà sàn liền kề bằng nhau chằn chặn, chất liệu bê tông cốt thép, tầng dưới để trống, tầng sàn để ở.

Bây giờ phần lớn các hộ dân cư đã cho cải tạo tầng dưới (xây tường, lát nền, trổ cửa) để mở rộng diện tích sử dụng. Mỗi khu dân cư mới đó khoảng chừng 60 căn hộ, chia làm 2 hoặc 3 dãy, tùy theo địa hình cho phép.

Lối quy hoạch này gây không ít khó khăn cho thói quen canh tác và sinh hoạt thường nhật của bà con người Thái. Tuy nhiên, do các hộ liền kề, cùng trên một trục đường nên bà con dễ dàng đi lại từ nhà này sang nhà khác; nhất là các phụ nữ vào lúc cuối chiều thường hay túm năm tụm ba trước cổng nhà để thêu thùa, hoặc chỉ để đốt đống lửa ngồi sửa ấm, tán chuyện, ăn vặt với nhau cho vui.

Trở lại với đám cưới. Hầu như cách thức tiến hành đám cưới cũng đã bị lai theo lối người Kinh ở đô thị. Họ cũng thuê một đội dịch vụ chuyên lo đám cưới gồm có đủ phông bạt, loa đài, MC, nhóm chơi nhạc và người hát. Cô dâu chú rể cũng ăn mặc theo lối Tây, váy tầng, áo com-lê, cũng rót rượu hồng, cũng mời bố mẹ dâu rể lên, cũng hô “Hôn đi, hôn đi!”…

Nhìn bề ngoài là vậy. Nhưng nếu chịu khó quan sát kỹ, vẫn còn giữ được một số tập tục riêng. Trong tiệc cưới, thỉnh thoảng thấy từng tốp các phụ nữ Thái, hầu hết đã có chồng (căn cứ vào việc họ đã “tằng cẩu” - búi tóc trên đầu - một dấu chỉ của những phụ nữ đã có gia đình) cầm chén đi các mâm mời rượu. Họ cũng lấy đủ mọi lý do nài ép người được mời uống trăm phần trăm (“au hảnh”, tiếng Thái).

Hầu như rất hiếm khi thấy cánh đàn ông đi chúc rượu. Riêng cánh đàn ông trong họ hàng, trong bản hôm ấy tất cả phải vào bếp làm cỗ, bê mâm phục vụ khách. Trái lại, người phụ nữ Thái rất thong dong đón khách, uống rượu mời khách; khi tiệc đã gần tàn, tất cả phụ nữ kéo nhau lên gần phía sàn lễ để nhảy, xòe, lăm vông tưng bừng. Bên dưới, các ông chồng và trai bản tiếp tục dọn mâm bát vào trong…

Cuộc vui trong đám cưới kéo dài từ khoảng 9h sáng cho đến 2-3 giờ chiều. Tôi có cảm giác, các đám cưới người Thái đen sinh ra để dành cho những người phụ nữ thì phải. Quanh năm ngày tháng, những người phụ nữ ban ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, tối về nấu nướng, chăm con, chăm gà chăm lợn. Chỉ đến khi bản có đám cưới, hoặc lễ hội, người phụ nữ mới được chơi. Khi đó, cái khát vọng dân chủ, niềm yêu sống giấu kín bấy nay bỗng được giải phóng, được thăng hoa. Các vẻ đẹp dân vũ, dân ca được cất cánh từ những nguồn sống dồi dào và mãnh liệt đó.

Khi được các phụ nữ Thái mời rượu nhiều quá, tôi từ chối. Các chị bảo: “Say thì lên hát, lên nhảy đi, sẽ hết say thôi”…

3. Việc sắm lễ cưới của 2 bên nhà trai nhà gái khá nhiêu khê. Liên quan trực tiếp đến hôm tiến hành đám cưới ở nhà gái, toàn bộ số mâm cỗ và rượu đi kèm là nhà trai phải lo chi phí và cử người đến làm cỗ. Đám cưới thường là mổ hẳn một con bò làm ra các món thịt luộc, nấu canh, xào lòng, nướng. Riêng món “nậm pịa” thì không thể thiếu, được làm từ lòng dê. Ngoài ra, mâm cỗ còn có một đĩa giò lụa xắt ra làm 6 miếng như mâm cỗ người Kinh.

Tổng cộng một đám cưới hôm chính lễ phải khoảng trên 100 mâm. Ấy là chưa kể hôm trước của ngày đám cưới, đã có đông người đến dựng rạp, mổ bò, chuẩn bị nguyên liệu làm cỗ… cũng đã đánh chén vài ba chục mâm. Ngày hôm sau của đám cưới vẫn đánh chén tiếp; thực khách gồm người nhà, bà con láng giềng gần…

Chú thích ảnh
Chị em mời rượu trong đám cưới

Mâm cỗ cưới nhìn đơn giản, không cầu kỳ. Ngày trước, cỗ được bày trên những tấm lá chuối to theo mâm xếp ngay hàng thẳng lối đặt trên chiếu; đàn ông ngồi một bên, đàn bà ngồi bên đối diện, khi đã chơm chớm hơi men, 2 bên “khắp” với nhau theo kiểu hát đối đáp.

"Khắp" là hình thức hát kể của người Thái, điệu thì đã có sẵn, người hát tức cảnh sinh tình, ứng tác trực tiếp phần lời. Ngày nay, trong đám cưới người Thái ở đây, tuyệt nhiên không còn cảnh "khắp" sống động như thế nữa. Thay vì "khắp" tại mâm rượu, bây giờ họ lên sân khấu hát những ca khúc thời thượng, theo kiểu thị trường.

Các đám cưới người Thái tốn khá nhiều rượu, hết khoảng chừng 30-40 xách (theo cách gọi của dân bản, xách tức là can nhựa), mỗi xách 30 lít. Nhiều đám có đông khách, gia chủ còn phải chạy đôn chạy đáo đi mua thêm mươi xách nữa. Phụ nữ Thái uống nhiều, không kém đàn ông.

Việc mời rượu vẫn bị nài ép với đủ lý do. Tuy nhiên, nếu lấy lý do đau ốm hoặc phải đi xe máy, cũng vẫn được châm chước ít nhiều. Cách uống rượu cũng đã khác xưa. Trước đây, khi mời rượu, nếu ai không uống có khi bị đổ vào quần áo, thậm chí bị đổ lên đầu. Bây giờ tục này đã bỏ hẳn.

4. Khi làm đám cưới cho con gái, bố mẹ phải lo cho con gái về nhà chồng những gì? Tại gia đình nhà anh Khánh, tôi tận mắt nhìn thấy đầy một gian nhà chồng chất các món quà chuẩn bị cho cô em gái sắp cưới.

Chủ nhà cho biết, gia đình đã lo đủ một khối lượng khá lớn các vật dụng làm đồ sính lễ để cô gái mang về nhà chồng bao gồm: 55 chiếc khăn piêu, 55 cái gối đầu, 3 chiếc đệm truyền thống có khăn ga trải, 3 chiếc chăn đắp; ngoài ra có thêm 1 xe máy, 1 máy giặt, 1 tivi, 1 tủ gỗ đựng quần áo, 1 bộ bàn ghế đẹp (bàn, ghế dài, ghế tựa, đôn).

Tất cả các đồ dùng đó để cho vợ chồng mới cưới về sử dụng, riêng khăn phiêu và gối thì để biếu tặng bố mẹ chồng, những người ruột thịt của bố mẹ chồng, anh chị của chồng. Ngày trước, gối phải tự làm. Bây giờ, gối là đồ may sẵn, đồng loạt được mua về. Chủ nhà cho biết, toàn bộ số tiền trang trải cho việc mua sắm này hết chừng 40-50 triệu đồng.

Còn nhà trai không phải sắm sửa gì cho cô dâu chú rể, mà chỉ phải lo cho đủ trên 100 mâm cỗ và rượu chừng 150 lít cho cỗ nhà gái. Ấy là chưa kể nhà trai cũng phải lo cỗ cưới riêng tại nhà mình với một khoản chi phí tương tự. Chỉ tính sơ sơ cỗ cưới mỗi bên phải chi ít nhất một con bò, hơn 100 lít rượu, thuê dịch vụ cưới (phông bạt, bàn ghế, văn nghệ, MC, áo váy…), hết chừng 50 triệu. Có những gia đình có con lớn, có người yêu rồi, mà chưa xoay đâu đủ tiền để mua sắm và lo cưới.

Gánh nặng cưới xin không chỉ đổ lên đầu các bậc bố mẹ mà còn cả cuộc đời những người trẻ tuổi. Sau khi lấy nhau về, cứ thế oằn lưng làm lụng, chắt bóp để trả nợ cùng bố mẹ…

Tìm hiểu kỹ được biết, việc nhà gái mua sắm cho con gái về nhà chồng hiện nay có khuynh hướng gia tăng. Có gia đình sắm cho con đi lấy chồng hết gần hoặc hơn 100 triệu đồng. Cũng đua nhau làm, cũng theo kiểu người Kinh “con gà tức nhau tiếng gáy”, nên phần lớn các gia đình có con gái đi lấy chồng đều mang nợ nần chồng chất, không biết khi nào mới có thể trả xong nợ.

Tôi tò mò hỏi xem các thực khách đi đám cưới thường làm quà mừng bao nhiêu, được bà con cho biết, cũng chỉ 100 nghìn đồng là cùng, cốt lấy vui; tất cả góp vào đỡ đần cho gia chủ để chi tiêu đám cưới, chứ cũng chẳng dư dả đồng nào…

5. Có một thực trạng đáng báo động hiện nay là thanh niên bản Dọi, cả 2 nhóm Thái đen và Thái trắng đều cưới nhau khi còn quá trẻ. Đám cưới được nhắc đến trên kia chú rể 18 tuổi, còn cô dâu mới sang tuổi 17. Chú rể vừa học xong lớp 12, còn cô dâu đang học lớp 11. Nếu cô dâu đi lấy chồng, mặc nhiên là bỏ học giữa chừng.

Vào thăm các gia đình trong bản, thường thấy cảnh các ông bố bà mẹ đang còn rất trẻ, nhưng đều có 2, thậm chí 3 đứa con. Còn các bậc ông/bà nội ngoại mới chừng tuổi 40, thậm chí chưa tới.

Tôi hỏi một cựu trưởng bản, được biết các thanh niên ở đây đang học cấp 3, thậm chí mới hết cấp 2 đã tính chuyện lấy vợ lấy chồng; chính quyền không khuyến khích nhưng cũng không cấm; có nhiều đôi cưới xong chờ đến khi đủ tuổi mới đi đăng ký, có đôi đã có con vài ba tuổi rồi mới đi đăng ký; việc cưới là việc của gia đình, của bản; còn việc đăng ký là của nhà nước, tính sau cũng chẳng sao…

Khi tình trạng hôn nhân trước tuổi diễn ra chắc chắn để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, nòi giống, văn hóa, kinh tế và nhiều mặt khác. Đây là lỗ hổng về quản trị xã hội và văn hóa của bản Dọi nói chung.

Gia đình homestay mà tôi lưu trú mấy ngày có đứa cháu gái đang học lớp 9, xinh xắn, phổng phao. Khi chia tay, tôi bảo anh chị chủ nhà: “Trông con bé này sáng dạ. Anh chị cố cho nó ăn học tử tế, sau lên học đại học nhé. Chứ ở nhà thì chẳng mấy đã lại lấy chồng”… Anh chủ vâng vâng, tủm tỉm cười, không nói gì.

***

Mộc Châu mùa này đang quá đẹp. Bạt ngàn những cánh rừng hoa mận đang trổ bông miên man trắng, khắc khoải trắng… Đây đó, trên các con đường vào bản điểm xuyết nhưng cây đào hoa đã hàm tiếu phớt hồng; hoặc vài vạt rừng hoa dã quỳ mập mạp, vàng tươi. Những người dân nơi đây vừa nhẫn nại lên nương chăm cây mận cây chè, vừa tỉ mẩn thêu thùa tấm khăn manh áo, vừa dành dụm, mua sắm chút măng khô, đỗ lạc chuẩn bị đón Tết sắp đến.

Bản Dọi của người Thái đen không giấu nổi những thương buồn nhưng vẫn ấm sáng những hy vọng vào cuộc sống ngày một ngăn nắp và đủ đầy hơn.

Bản Dọi - Hà Nội, cuối năm Canh Tý

PGS-TS VĂN GIÁ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm