30/08/2018 06:58 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(giaidauscholar.com) - Báo giới, bè bạn, và những gương mặt được đề cử đã có mặt từ rất sớm tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trong lễ trao giải sáng qua 29/8. Đây là lần thứ 11, giải thưởng mang tên người họa sĩ lớn của Hà Nội được tổ chức.
Và, trong lời phát biểu chào mừng lễ trao giải, ông Nguyễn Đức Lợi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã biểu dương những nỗ lực của báo Thể thao và Văn hóa, trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn ngày nay, nhưng vẫn tiếp tục duy trì và phát triển được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, một giải thưởng có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ông gửi lời cảm ơn UBND TP Hà Nội luôn có sự quan tâm, ủng hộ giải thưởng này. Đặc biệt, ông cũng gửi lời cảm ơn gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã luôn tin tưởng, "chọn mặt gửi vàng" để cùng báo Thể thao & văn hóa đứng ra vinh danh những "tình yêu Hà Nội".
"Kỷ lục" của tình yêu
Và ở lần tổ chức thứ 11, giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội lại chứng kiến một mùa vụ "bội thu", khi có tới 6 cái tên cùng được vinh danh (tăng 2 giải so với thông lệ). Đây là lần thứ 2 liên tiếp, giải thưởng mang tên người họa sĩ lớn của Hà Nội chạm tới con số này.
Như lời chia sẻ của Tổng biên tập báo TT&VH Lê Xuân Thành (Trưởng BTC giải) trong lời khai mạc, khi mới thành lập giải cách đây 11 năm, báo TT&VH từng có thoáng lo ngại: Liệu hàng năm có liên tục xuất hiện những con người “vì tình yêu Hà Nội” hay không để BTC lập hồ sơ, đề cử và trao giải? Liệu việc trao mãi có đến ngày sẽ “hết vốn” đề cử?”
Để rồi, với thực tế đang diễn ra – khi không chỉ danh sách các giải thưởng mà số lượng các đề cử cũng "nhảy vọt" theo thời gian – chúng ta mới nhận ra: dưới lớp vỏ của cuộc sống đời thường vất vả xô bồ ngày hôm nay, những tình yêu Hà Nội vẫn còn nguyên đó, như một mạch chảy ngầm, bền bỉ cùng thời gian.
Vô cùng đa dạng, tình yêu ấy có thể đến từ mọi lứa tuổi, từ mọi thành viên trong cộng đồng những người đang sống ở Hà Nội hoặc đang hướng về Hà Nội dẫu ở rất xa... Đó có thể là những chuyên gia, văn nghệ sĩ, nhưng cũng có thể là những gương mặt tưởng như rất đỗi bình thường.
Quả vậy, trong những gương mặt xuất hiện tại lễ trao giải, người ta thấy có PGS Nguyễn Văn Huy – người được biết tới như một chuyên gia lớn về bảo tàng - và có cả ông Quách Văn Địch – một công dân Hà Nội bình thường, nhưng lại làm cái việc tưởng như "bất thường": từ chối những khoản tiền rất lớn để kiên tâm "theo đuổi" việc hiến tặng 2 chiếc mỏ neo cổ cho những người dân Hà Nội thưởng lãm.
Hoặc, bên cạnh nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm với sự minh mẫn ở tuổi ngót nghét 100, là Trưởng đại diện quỹ Korea Foundation, ông Woo Hyoung Min, - người đóng vai trò quan trọng trong việc cùng các họa sĩ trẻ Hàn Quốc phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Chương trình UN-Habitat tạo nên một "phố bích họa Phùng Hưng"...
Họ chính là minh chứng về "mạch ngầm" tình yêu với Thủ đô.
Trách nhiệm với Hà Nội
Một chút tiếc nuối xuất hiện trong lễ trao giải: vì lý do sức khỏe (vừa nhập viện vài hôm trước), nhà thơ Phan Vũ không thể có mặt tại đây. Tương tự, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier cũng vắng mặt, do khoảng cách quá lớn về địa lý.
Thế nhưng, khi bài hát Em ơi! Hà Nội phố được phát tại lễ trao giải, khoảng trống từ Phan Vũ đã bị khỏa lấp phần nào. Cùng im lặng lắng nghe 21 câu thơ của ông (được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc) trong tổng số 443 câu của bài thơ "Em ơi, Hà Nội phố", những người có mặt trong khán phòng đều bồi hồi trước sự trân trọng và xúc cảm mà nhà thơ dành cho Hà Nội của mình. Những câu thơ ấy, ông viết từ cách đây 46 năm, trong những ngày khốc liệt nhất của Hà Nội dưới làn bom Mỹ...
Và cùng với Phan Vũ, chủ nhân của giải thưởng khác cũng khiến cử tọa xúc động- khi "tình yêu Hà Nội" của mình được tôn vinh.
"Tôi luôn cố gắng làm cho Hà Nội mỗi ngày một đẹp hơn" – đó là lời phát biểu giản dị và rất chân thành từ đáy lòng nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm. Bước chân run run lên bục vinh danh, cụ bảo rằng mình đang cố gắng – và sẽ cố gắng - để tháng nào cũng có những bài viết mới về Hà Nội, từ khối kiến thức mà cụ tích lũy trong gần một thể kỷ sống của mình.
"Tôi tặng 2 mỏ neo cổ cho Hà Nội, bởi tôi là người dân của thành phố này" – ông Quách Văn Địch cũng có lời chia sẻ giản dị như vậy. "20 năm qua, kể từ khi có được chúng, tôi vẫn luôn mong tặng 2 mỏ neo cho các bảo tàng, để mọi người dân Hà Nội có thể chiêm ngưỡng và hiểu rằng từ xa xưa, thành Thăng Long cổ đã có một lịch sử đặc biệt thế nào. Xem chúng, nghĩ về quá khứ, tôi mong mỗi người đều thấy trân trọng hơn với vùng đất Hà Nội mà mình đang sống."
Còn với PGS Nguyễn Văn Huy, ông khá khiêm tốn khi khẳng định rằng, mình chỉ là người đại diện của cả một cộng đồng những nhà khoa học và những công dân quan tâm tới số phận của khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. "Tôi nghĩ, giải thưởng này chính là sự khuyến khích với tất cả chúng ta, để chúng ta cùng chung tay cố sức hơn nữa trong việc giữ gìn những vốn di sản gắn với lịch sử Hà Nội" – PGS Huy nói – "Bởi lịch sử Hà Nội chính là yếu tố làm nên nét đẹp, làm nên chiều sâu văn hóa của thành phố này".
Nghĩa là, một cách tự nhiên, trong lời phát biểu của mình, chủ nhân các giải thưởng đều dành thời gian để chia sẻ về một khái niệm luôn đi cùng tình yêu: trách nhiệm – mà ở đây là trách nhiệm tự thân với Hà Nội.
Và, cũng như những tình yêu ấy, trách nhiệm với Hà Nội cũng là một thông điệp mà chúng ta hi vọng có thể lan tỏa từ giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái năm nay. Như lời Tổng biên tập Lê Xuân Thành, những đề cử ở giải thưởng này đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của những người tổ chức giải về trách nhiệm xã hội của mình. Và, đó là lý do để TT&VH luôn quyết tâm phát triển Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lớn mạnh hơn trong tương lai, như một người bạn đồng hành với những tình yêu ấy...
Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2018 - Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội - 2 giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: + Tập thơ Ta còn em của nhà thơ Phan Vũ + Phim Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier - 1 giải Ý tưởng được trao cho Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học - 2 giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: + Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên "Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn" + Việc hiến tặng cho Hà Nội hai mỏ neo cổ nhiều giá trị của ông Quách Văn Địch |
Thành phố Hà Nội luôn đồng hành cùng giải thưởng Bùi Xuân Phái "Trong hơn một thập kỷ qua, thành phố Hà Nội luôn theo sát những bước đi của Giải thưởng; Những cá nhân, tập thể được ghi nhận trong Danh sách Đề cử hay được vinh danh trong "bảng vàng" của giải thưởng suốt từ năm 2008 đến nay luôn là những tấm gương sáng, có sức lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Đó là nguồn lực con người - nguồn lực tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển Thủ đô. Danh sách đề cử của giải thưởng năm nay được giới thiệu lần lượt trên Thể thao & Văn hóa, tôi thực sự vui mừng và xúc động khi nhận thấy những người con của Hà Nội hay những người dân đến từ mọi miền tổ quốc và cả những công dân nước ngoài, như ông Martin Rama, ngài cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier... đã nhiệt tình cống hiến cho TP Hà Nội, và trên hết đã dành cho Thủ đô của chúng ta những tình cảm trân quý vô bờ. Với những ý nghĩa cao đẹp đó, UBND TP Hà Nội luôn sẵn sàng đồng hành với giải thưởng để những tác phẩm văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu, những hành động đẹp "Vì tình yêu Hà Nội" sẽ ngày càng được lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. (Phát biểu của ông Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) |
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất