17/01/2014 01:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - 2013 là một năm xuất sắc với điện ảnh Hollywood, với hàng loạt bộ phim được đánh giá cao về nội dung đã xuất hiện. Nhưng chính vì thế, các hãng phim lại phải vận động căng hơn và thậm chí còn giở đủ chiêu trò để thu về các giải thưởng điện ảnh lớn.
Trong nhiều năm, một "thực đơn" gồm hàng loạt phim bom tấn và các tập phim "phần tiếp theo" khiến Hollywood bị buộc tội làm suy giảm nền văn minh phương Tây, hoặc ít nhất làm nó trở nên ngu ngốc hơn.
Rất nhiều ứng viên nặng ký
Cũng dễ hiểu bởi sau khi xem xong những phim như Battlefield Earth, Showgirls và Basic Instinct 2, người ta không thể không băn khoăn về sự thô bỉ đang tồn tại ở Hollywood. Làm sao một ngành công nghiệp với ngần ấy tiền bạc và tài năng lại có thể cho ra đời quá nhiều rác rưởi như thế?
Song những ngày này bạn sẽ không phải nghe về các câu hỏi như vậy. Hàng loạt bộ phim nghiêm túc với chất lượng cao đã giúp vãn hồi thành tích văn hóa của Hollywood và qua đó đã tạo ra một chiến dịch vận động tranh giải gay cấn nhất từ trước tới nay.
"Đột nhiên tới cuối năm, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện tràn ngập của các kiệt tác. Cảm giác giống như một sự phục hưng, một sự tôn vinh điện ảnh Mỹ mà lâu lắm rồi ta không thấy" - Husam Sam Asi, một thành viên Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood cho biết.
Gravity, 12 Years a Slave và American Hustle hiện được xem là các ứng cử viên hàng đầu cho mùa giải năm nay. Nhưng trong một cuộc đua cởi mở, không ai dám loại bỏ các phim tiềm năng khác như Captain Phillips, Saving Mr. Banks, Philomena, The Wolf of Wall Street hay Inside Llewyn Davis, vốn đều có thể mang về giải Oscar.
"Đây là năm rất mạnh của điện ảnh" - Mike Gebert, tác giả Bách khoa các giải thưởng Điện ảnh cho biết - "Giờ đây không rõ phim nào xuất sắc nhất trong phim nặng ký. Đơn cử như hồi mùa Thu, người ta gọi Gravity là phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhưng 2 tuần sau đó, nó đã xếp sau 12 Years a Slave".
Đã có các màn chơi bẩn
Sau lễ trao giải Quả cầu Vàng vừa diễn ra, giải BAFTA, vốn tiết lộ đề cử vào tuần trước, sẽ công bố giải thưởng chính thức vào tháng 2. Mỗi giải có thể phát đi các tín hiệu dự báo nhất định, nhưng không đảm bảo mang lại chiến thắng chắc chắn tại giải Oscar, nơi có ban giám khảo với kích cỡ khổng lồ.
Với các nhà làm phim và hãng phim, phần thưởng có được từ việc đoạt giải là rất cao. Một giải thưởng có thể giúp tăng doanh thu phòng vé của phim, mang tới ảnh hưởng cho những người có liên quan. Nhà sản xuất trứ danh Harvey Weinstein từng nói hồi tháng 9 rằng đây là mùa giải Oscar cạnh tranh nhất từ trước tới nay mà ông từng chứng kiến. Vài phim thậm chí đã phải dời lịch chiếu sang năm sau để có cơ hội thắng giải cao hơn.
Để được xướng tên tại các lễ trao giải không phải là điều dễ dàng. Vì thế hoạt động vận động ở Hollywood đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn và thậm chí là bẩn thỉu hơn. "Hollywood đang ở giữa một cuộc chiến mùa giải Oscar hèn hạ nhất trong thời gian gần đây" - tờ New York Post tuyên bố. Các hãng phim được cho là bí mật "dìm" đối thủ thông qua các chiến dịch bôi xấu sau lưng. Ví dụ phim 12 Years a Slave của Steve McQueen bị nghi ngờ có thông tin không đúng với lịch sử. Hay như phim The Wolf of Wall Street của Martin Scorsese bị "ném đá" là tôn vinh tội phạm, chứa quá nhiều ngôn ngữ tục tĩu.
Từ trái qua Jennifer Lawrence trong American Hustle, Chiwetel Ejiofor trong 12 Years a Slave và Cate Blanchett của phim Blue Jasmine đều đã được xướng tên trong các đề cử nhận giải Oscar
Peter Bart, một nhân vật kỳ cựu trong làng điện ảnh Mỹ và là thành viên có quyền bỏ phiếu giải Oscar, cho biết sự vận động hành lang của các hãng phim đã tăng mạnh so với trước đây. Nhiều ngôi sao đang bị ép phải vận động thu hút phiếu bầu cho phim của họ, mà nguyên nhân chỉ bởi các hãng phim đã thu hẹp ngân sách quảng cáo. Theo ông, việc vội vã tổ chức vận động trong tuần cuối trước lễ công bố đề cử Oscar, thời điểm thường tĩnh lặng vào các năm trước, đã cho thấy sự sốt ruột của các hãng phim.
Không dám đoán chắc phim giật giải
Hiện chưa ai có thể lý giải vì sao 2013 lại nhiều phim có nội dung tốt đến thế. Asi cho rằng nguyên nhân do tài năng của các đạo diễn như McQueen và Alexander Payne. "Họ có thể làm phim mình thích và không bị các hãng phim lớn chỉ đạo can thiệp" - Asi nói.
Giả thuyết của Gebert lại hướng vào việc truyền hình có nhiều bộ phim xuất sắc, ăn khách như Mad Men và Breaking Bad khiến các nhà làm phim nhựa không thể tiếp tục cho ra đời những tác phẩm "lìu tìu". "Truyền hình đã đánh thức các hãng phim" - Gebert đánh giá.
Có một điều các chuyên gia giống nhau là ít người dám dự đoán về việc phim nào sẽ thắng trong mùa giải năm nay. Cá nhân Gebert tin rằng khi không phim nào tạo nên được ảnh hưởng vượt trội, thành viên ban giám khảo các giải như Oscar sẽ bỏ phiếu dựa trên việc đánh giá yếu tố cơ bản nhất của điện ảnh: hoạt động làm phim. Đây là lý do phim Crash từng giành giải hồi năm 2006 và năm ngoái là Argo.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất