16/12/2020 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trên Facebook của mình, nhà văn Trần Đức Tiến đặt câu hỏi “Viết cho trẻ con có vui không?”. Rồi ông trả lời ngay, bằng một chữ thôi: “Vui”. Viết cho thiếu nhi được như ông thì vui thật.
Mới năm ngoái - 2019, Trần Đức Tiến nhận giải B Giải thưởng Sách quốc gia trị giá 50 triệu đồng cho tập truyện thiếu nhi Xóm bờ giậu mà ông là tác giả. Tháng 12/2020, một nhà xuất bản lại ký hợp đồng, xin được dịch Vương quốc lụi tàn của ông qua Anh ngữ, để thiếu nhi thế giới, biết chuyện thiếu nhi Việt Nam. Ngay truyện ngắn được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt 4 (tập 2) Vương quốc vắng nụ cười cũng là một truyện vui!
Dám viết về mảng tối của các nguy cơ
Truyện bắt đầu như một cổ tích “ngày xửa ngày xưa” nhưng chẳng có tiên bụt nào trong ấy, chỉ có chuyện khác thường ở cái xứ “…buồn chán kinh khủng chỉ vì cư dân ở đó không ai biết cười. Nói chính xác là chỉ có rất ít trẻ con cười được, còn người lớn thì hoàn toàn không”.
Không biết cười, cho nên “Buổi sáng, mặt trời không muốn dậy, chim không muốn hót, hoa trong vườn chưa nở đã tàn. Ra đường gặp toàn những gương mặt rầu rĩ, héo hon”.
Vua xứ ấy vọng ngoại, cử “một viên đại thần đi du học, chuyên về môn cười”. Nhưng người học trở về thú thật: “Thần đã cố gắng hết sức nhưng học không vào”. Đúng lúc truyện thắt nút căng thẳng như thế thì, từ dòng phục bút ở đoạn vào truyện, người hùng “trẻ con” xuất hiện với tiếng cười “sằng sặc”. Chính em bằng những thị phạm tại chỗ, những ứng xử tức thì đã cùng với những người lớn biết cầu thị, đem lại nụ cười cho đất nước.
Mọi người cùng cười và hiểu ra, sống hồn nhiên như con nít thì cười được. Hồn nhiên cười nhạo hột cơm vãi, cơm thừa từ long nhan rớt xuống long bào, hồn nhiên cười nhạo cái u táo cắn trộm, nổi cục trên “túi áo của quan coi vườn ngự uyển”, hồn nhiên cười nhạo chính mình, đang ở tình trạng quần không “dải rút” (như tranh minh họa trên trang giáo khoa) đang lỏng và sẽ tuột, khoe ra thứ cần khiêm nhường giấu cho phải phép!
Truyện bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa” như một cổ tích, nhưng thầy cô giáo khi dạy bài này nên coi đây là một truyện cười, giúp học sinh cười được là thành công. Và, muốn biết mười để dạy một, nên đồng cảm với hứng khởi, khoa trương, phóng đại của tác giả, nên chú lên giọng hài hước khi đọc diễn cảm làm mẫu, và nhờ dành thời gian cho học sinh làm theo hướng dẫn của sách giáo khoa, phân vai để nhiều học sinh được diễn lại truyện này như diễn một hài kịch.
Truyện kết khi “… những tia nắng mặt trời thì nhảy múa và sỏi đá cũng biết reo vang dưới những bánh xe. Vương quốc u buồn đã thoát khỏi nguy cơ tàn lụi”.
Truyện được lấy vào sách giáo khoa từ tập truyện ngắn Vương quốc vắng nụ cười (NXB Kim Đồng 1993). Ngay từ 1993, chữ “vương quốc”, chữ “tàn lụi” đã được đưa ra, nhưng mãi tới năm 2009 truyện Vương quốc lụi tàn (truyện đang được dịch ra tiếng Anh như nói trên kia) mới được viết ra.
Đó là khi dự án “Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch”, cùng NXB Kim Đồng mở cuộc thi viết truyện cho thiếu nhi theo chủ để Bước qua hai thế giới, Trần Đức Tiến gửi Vương quốc lụi tàn dự thi và chiếm giải Nhất. Với giải Nhất văn chương này, Trần Đức Tiến tiếp tục cùng độc giả thiếu nhi của mình, theo cốt truyện, tìm ra và tránh xa nhưng nguy cơ dẫn đến tàn lụi. Nếu ở truyện Vương quốc vắng nụ cười, nguy cơ là sự tắc nghẽn trong đời sống tinh thần dẫn đến mất quyền vui sống cởi mở với nhau, cười giỡn bên nhau, thì ở truyện Vương quốc lụi tàn, nguy cơ là ô nhiễm môi trường sống!
Ở thế giới thực mà các nhân vật đang sống, Tú “phẹt” có thói xấu nhổ bậy “chốc chốc là cậu lại nhổ phẹt một cái, ở bất kỳ chỗ nào. Trong nhà cũng như ngoài đường. Lớp học cũng như công viên…”. “Đường phố đông người, đôi khi nước bọt văng cả vào những người kém may mắn”. “Bạn bè cùng cạ với Tú có mấy đứa. Đấy là những đứa nhổ nước bọt chưa thành tật, nhưng khoái trò này. Thậm chí còn coi đó là một thứ tài năng!”.
Và thế là tác giả đưa nhân vật Tú "phẹt" vào một thế giời ảo, vào một nơi như “địa ngục” kể trong các Phật tích, với “một loài gì đó tương đối giống người”, “… cái đầu to đùng, giống như quả bóng bơm căng khiến mắt mũi lồi hết cả ra. Trên mình họ mọc đầy những bướu, to thì bằng quả cam sành, bé thì như quả ổi. Bướu ở chân tay, bướu cả trên đầu trên cổ. Nói tóm lại, mỗi người hao hao một chùm sung khổng lồ, có quả đã chín đỏ, có quả còn ương ương”.
Để thoát khỏi vương quốc tàn lụi này, Tú phải tham gia một cuộc sát hạch. Nó phải 100 lần nuốt lại những bãi nước bọt nó đã thải ra, “Cứ thế, dường như tất cả nước bọt đã vương vãi khắp nơi, giờ được thu hồi. Miệng Tú khô rang. Cổ họng nóng giãy”. Rất may, Tú vượt qua được kỳ sát hạnh ở chốn địa ngục nơi thế giới ảo kia, được về với thế giới thực. “Việc đầu tiên nó nghĩ đến là đi tìm lũ bạn. Nó sẽ kể lại cho chúng nghe những giờ phút kinh hoàng vừa trải qua. Để cho đứa nào cũng thấy, chỉ cần nhổ một bãi nước bọt, vứt một con chuột chết ra đường… đã phải trả một cái giá đắt như thế nào”.
Lạ thế, dám mở ra trong sách viết cho thiếu nhi, mảng tối của các nguy cơ và dám “trừng phạt” nhân vật của mình! Nhưng đấy lại là đóng góp độc đáo của Trần Đức Tiến với văn học thiếu nhi, bên những tác phẩm rất sáng, rất thơ mộng, như cuốn sách đẹp được giải quốc gia 2019 - Xóm bờ giậu.
Nhà văn Trân Đức Tiến kể: “Sau khi Xóm bờ giậu ra mắt bạn đọc, tôi nhận được những câu hỏi hết sức bất ngờ từ một số đứa trẻ: Hoa cúc áo là hoa gì? Bọ dừa có phải là bọ hung không? Thậm chí còn có em không biết thế nào là bờ giậu. Hóa ra từ cuốn sách và ngoài cuốn sách của tôi, còn không ít thứ phải “tranh cãi”, và đó là những cuộc tranh cãi hết sức lý thú: Mối, rắn mối, thạch sùng, ốc sên, sên… Tại sao con vạc sành trong Nam, khi sống ngoài Bắc, trong “thẻ căn cước” của nó lại có tên là chàn chạt, cành cạch, sặt sành?” (trích bài trả lời phỏng vấn báo Zing.vn). Để có thể “tranh cãi” theo ông, nhà văn “cần biết cách nghe được tiếng hát của con thằn lằn, tiếng thở dài của con ốc sên, và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít.
Đã viết hay, lại đọc giỏi
Trần Đức Tiến là người viết hay, không chỉ cho thiếu nhi! Truyện viết cho người lớn của ông - Lỏng và tuột (giải thưởng Hội Nhà văn 2011) được nhà văn đàn anh Bùi Ngọc Tấn khen ngợi: “Nhiều truyện ngắn của Trần Đức Tiến là truyện không có chuyện. Những truyện không thể kể lại được. Hấp dẫn ở cách viết, cách dẫn dắt, nhất là ở những chi tiết, những chi tiết không có gì đặc biệt, đầy rẫy quanh ta được tác giả để mắt tới và sử dụng như một phản ứng hóa học, bùng nổ dây chuyền, làm hiện lên căn cốt sâu xa của con người, của cuộc sống… Trong truyện của Trần Đức Tiến, sự thật cứ dần dần hiển lộ đến gai cả người, đó là những trang cắt lớp về sự tha hóa và phân rã. Truyện ngắn hay là của trời cho và xuất hiện theo từng mùa. Những năm gần đây, thật may mắn có Lỏng và tuột.
Trần Đức Tiến viết hay và nhìn đâu cũng thấy truyện hay. Ông viết về một cữ cà phê sáng, ở quán gần trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, trên Facebook của mình:
“Lần nào đến quán mình cũng chọn cái ghế sát trong cùng, nhìn ra cửa. Cô chủ đem cho mình phin cà phê vừa nhỏ xuống ly giọt đầu tiên. Mình quen uống nâu nóng, ít sữa.
Một mình nhấm nháp hương vị cà phê, tận hưởng cái thanh tĩnh vô cùng dễ chịu của buổi sáng Hà Nội trong phố nhỏ quán vắng. Lẳng lặng đến, lẳng lặng về. Cũng có lần tình cờ gặp mấy bác nhà thơ ghé qua. Quen biết nhau nên ngồi chung bàn. Người kêu cà phê, người kêu trà Lipton. Hỏi thăm mấy câu, chuyện tào lao mấy câu, cuối cùng thể nào cũng quay sang đọc thơ.
Mình dốt thơ, lại sợ khói thuốc, biết thân biết phận ngồi ngậm miệng. Đến khi thơ ào ào tuôn chảy bên cạnh như thủy điện xả lũ thì bắt gặp, từ sau quầy, một nụ cười thoáng qua rất nhanh trên môi cô chủ.
Có dạo bẵng đi thật lâu không ra Hà Nội. Khi ra, đến quán, ngỡ như cái chỗ ngồi quen thuộc của mình trong suốt năm qua không có ai ngồi vào! Là sến sẩm nổi cơn nghĩ thế, chứ tỉnh lại mấy hồi. Nhưng món quà dành cho mình thì có thật. Món quà nho nhỏ ấm áp. Ấy là lúc mình lặng lẽ ngồi vào bàn, cô chủ xinh đẹp không cần hỏi, lặng lẽ mang tới cho mình phin cà phê vừa pha. Nâu nóng, ít sữa”.
Trần Đức Tiến viết hay và đọc giỏi nữa. Ông đọc sớm rồi đề cử Paris 11 tháng 8 của Thuận, rồi Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí, với ban giám khảo, cả 2 đều được giải của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trần Đức Tiến đọc giỏi, cho nên, dù ông không làm thơ, nhà thơ Cao Xuân Sơn vẫn nhờ ông viết giới thiệu tập thơ của mình - Bấm chân qua tuổi dại khờ và theo tôi bài của ông hay nhất trong các bài giới thiệu tập thơ này vì có một nhận định thật độc đáo: “Hai mươi năm, từ Chuông lá đến Bấm chân qua tuổi dại khờ, Sơn không in tập thơ nào… hóa ra, suốt hai mươi năm qua Sơn không làm thơ. Mà chính thơ đã làm ra Sơn”.
(Còn tiếp)
Các tác phẩm của Trần Đức Tiến Trần Đức tiến đã phát hành các tác phẩm: Linh hồn bị đánh cắp (tiểu thuyết, 1990 - in lại 2006), Bụi trần (tiểu thuyết, 1992 - in lại 2004, 2006), Bão đêm (tập truyện ngắn, 1993), Mười lăm năm mưa xói (tập truyện ngắn, 1997), Tuyệt đối yên tĩnh (tập truyện ngắn, 2004), Lỏng và tuột (tập truyện ngắn, 2010), Truyện ngắn chọn lọc Trần Đức Tiến (2015), Thả hy vọng (tản văn, 2015), Chờ bay (tản văn, 2018)... Tác phẩm cho thiếu nhi: Vương quốc vắng nụ cười (tập truyện thiếu nhi, 1993), Dế mùa thu (tập truyện thiếu nhi, 1997), Thằng Cúp (tập truyện thiếu nhi, 2001), Làm mèo (truyện vừa thiếu nhi, 2003), Trăng vùi trong cỏ (tập truyện thiếu nhi, 2006), Trần Đức Tiến - Những truyện hay viết cho thiếu nhi (2013), Trên đôi cánh chuồn chuồn (tập truyện thiếu nhi, 2015), Xóm bờ giậu (tập truyện thiếu nhi 2018 - tái bản năm 2020). Các giải thưởng của Trần Đức Tiến Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990), giải Nhất truyện ngắn báo Người Hà Nội (1986), giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội (1993), giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004), giải Nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục - Đào tạo (2005) . Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 cho tập truyện Lỏng và tuột. |
Lê Ngọc Lý Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất