Thế giới súng đạn ở Bangkok

09/04/2012 11:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Phần lớn người Thái Lan không sở hữu súng, bởi đây là món đồ chơi đắt tiền, nguy hiểm và việc được cấp phép sử dụng trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn. Nhưng điều đó không ngăn cản việc hàng loạt các tiệm bán súng vẫn mọc lên và hoạt động hợp pháp ở thủ đô Bangkok. Điều đó cũng gây ra không ít lo ngại.

Nằm dọc theo đường Burapha, ngay phía Đông Nhà hát Sala Chalerm Krung ở thủ đô Bangkok có một trung tâm bán súng đạn, nơi tồn tại khoảng 80 cửa hàng bán vũ khí khác nhau. Phần lớn các cửa hàng này đã kinh doanh trong hơn 40 năm qua và đều chào đón mọi loại khách hàng, song không thích vũ khí của họ bị người ta chụp hình.

Nói không với du khách vãng lai

Những cửa hàng này bán cho cả người Thái Lan và người nước ngoài. Nhưng để mua được súng ở đây không phải là điều dễ dàng, nhất là với nhóm người nước ngoài. Cư dân nước ngoài muốn mua súng ở Thái Lan phải có giấy phép làm việc và địa chỉ cư trú ở đây.

“Với người nước ngoài, nếu anh muốn có vũ khí, anh phải có giấy phép làm việc ở Thái Lan. Anh cũng phải qua kiểm tra lý lịch, tiền án, tiền sự” - ông  Polpatr Tanomsup giám đốc phụ trách quan hệ đối ngoại của Hiệp hội súng Thái Lan, cho biết - “Nếu anh không sống ở Thái Lan và anh chỉ là du khách ghé qua, anh sẽ có thể mua bao đựng súng, hộp đựng súng làm bằng da và các sản phẩm lau chùi. Những thứ đó không phải là một phần của khẩu súng. Anh không thể mua băng đạn, từng viên đạn hay bất cứ thứ gì liên quan tới  khẩu súng”.

Một bao da đựng súng theo yêu cầu của khách mất khoảng 1 tuần chế tác và nó có giá 1.000 baht (khoảng 35 USD). Ngoài ra, du khách nước ngoài cũng thích mua báng súng làm từ gỗ ở đây, bởi Thái Lan nổi tiếng vì có những loại gỗ độc nhất vô nhị. Với những người nước ngoài làm việc lâu năm ở Thái Lan, họ hoàn toàn có thể mua súng. Nhưng việc thuế nhập khẩu lên tới 30%, cộng với việc giá bán lẻ tại đây chênh hơn rất nhiều so với giá gốc, đã khiến phần lớn họ không muốn ghé chân vào cửa hàng súng.

“Không có nhiều người nước ngoài mua súng ở Thái Lan vì giá ở đây cao hơn rất nhiều so với Mỹ và một số nước khác, xuất phát từ chính sách thuế và hạn ngạch nhập khẩu của chúng tôi” - ông Polpatr giải thích. 

Súng đạn bán rất nhiều tại một góc của Bangkok, nhưng không phải ai cũng có thể mua chúng

Đồ trang sức cho người giàu

"Súng ở đây rất đắt. Vì thế nó được xem như môn thể thao cho giới nhà giàu. Nó cũng là món trang sức được họ ưa chuộng, giống như túi xách Louis Vuitton hay Hermes cho đàn ông vậy” - Polpatr nói - "Đơn cử thế này, một khẩu Glock ở Mỹ có giá 500 USD. Trên đất Thái này, giá có nó có thể lên tới 75.000 baht (2.500 USD). Giá rất đắt vì đất nước có người Phật giáo chiếm đa số này không có ngành công nghiệp vũ khí lớn và thay vì thế, người ta nhập khẩu vũ khí”.

Ông cũng cho biết súng ở Thái Lan chủ yếu là sản phẩm của Mỹ. “Người Thái ưa chuộng súng Mỹ, bởi phần lớn các nước châu Âu không xuất khẩu vũ khí tới đây nữa do các vấn đề liên quan tới 3 tỉnh miền Nam Thái Lan còn bạo loạn. Người châu Âu nói rằng họ không muốn súng của mình được sử dụng cho việc sát hại phi nhân tính người khác” - Polpatr nói.

Ông chỉ ra rằng người mua súng ở Thái Lan phần lớn là dân trung lưu và thượng lưu. Họ muốn vũ khí chất lượng, bởi nếu nhập khẩu từ Trung Quốc, súng đạn cũng chẳng rẻ hơn súng Mỹ bao nhiêu, trong khi chất lượng của hàng Mỹ thì cao hơn rất nhiều. Súng Mỹ có thể trở thành hàng sưu tầm, rất dễ mua, dễ bán, dễ kiếm phụ kiện.

Nhưng phần lớn người Thái không sở hữu súng. Những người mua súng thường chỉ dùng cho mục đích tự vệ và mục đích phụ của họ là sưu tầm” - Polpatr  cho biết. “Cho mục đích bảo vệ bản thân, người Thái thường thích mua một khẩu súng ngắn dùng đạn 9mm hoặc súng săn. Nếu họ thích súng côn xoay, họ sẽ sắm một khẩu Smith & Wesson" - ông giải thích - “Những người mua súng ở đây cho mục đích tự vệ thường tới từ các tỉnh ở xa, nơi họ sống tại vùng nông thôn nguy hiểm hơn”.

Các nhà sưu tầm ở Thái Lan thì khác. Họ thích việc tập bắn bia và chuộng các khẩu súng ngắn như Colt 45mm, hay một khẩu Ed Brown, hay khẩu Nighthawk. Họ có thể bỏ ra tới 200.000 baht để trả cho những khẩu súng ưa thích của mình, đặc biệt là khi súng được chế tác riêng theo yêu cầu cá nhân. Súng bán tự động cũng có trong các hiệu súng. Nhưng việc bán các loại súng tự động hoàn toàn là trái phép, trừ khi người ta mua để cho lực lượng an ninh Thái Lan sử dụng.

"Anh có thể mua một phiên bản súng giống như khẩu AK-47" - Polpatr nói tới khẩu tiểu liên nổi tiếng. Tuy nhiên khẩu AK-47 phiên bản Thái Lan có những điểm rất khác như nó chỉ bắn đạn cỡ nhỏ hơn đạn 7,6mm nguyên bản. Lý do vì Thái Lan có các quy định giới hạn cỡ đạn của súng bán tự động.

Giấy phép và tranh cãi

Gần đây, bạo lực ở miền Nam khiến nhà chức trách chú ý nhiều hơn tới các khẩu súng bắn tỉa. "Seh Daeng là một ví dụ, ông ấy đã bị bắn” - Polpatr nói tới Tướng Khattiya "Seh Daeng" Sawatdiphol, người đã bị ám sát bởi một tay súng bắn tỉa.

Một tay súng đã bắn trúng đầu Daeng vào tháng 5/2010, khi các cuộc biểu tình của phe áo Đỏ đang diễn ra mạnh. Cái chết của Seh Daeng là một trong những nguyên nhân gây xung đột lớn giữa phe áo Đỏ và quân đội, vốn làm 91 người thiệt mạng.

Sự kiện cũng khiến nhà chức trách cấm bán súng bắn tỉa. Nhưng vào tháng 7/2011, Hiệp hội súng của Polpatr đã vận động, khiến cho lệnh cấm súng bắn tỉa được dỡ bỏ. “Ai cũng ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm, nên từ tháng 7 này chúng tôi sẽ nhập súng trở lại” - ông nói.

Để được sử dụng súng, người ta phải có giấy phép. Về cơ bản, việc cấp phép dùng súng ở Thái Lan diễn ra theo một số quy trình được kiểm soát rất chặt. Đầu tiên, người ta phải lăn dấu vân tay và được kiểm tra hồ sơ lý lịch. Nếu hồ sơ của anh sạch sẽ, anh có thể điền đơn xin sở hữu súng, trong đó có các thông tin cá nhân như sống ở đâu, có bao nhiêu tiền, làm gì để kiếm sống. Anh cũng sẽ cần bản kê thu nhập tháng do ngân hàng cấp, giấy phép làm việc, giấy đăng ký thường trú và giấy chứng minh.

Một số quy định có vẻ như được dùng để ngăn chặn người nghèo, hoặc người có ý định trả thù, được phép mua súng. “Luật pháp nói rằng anh được sở hữu súng nếu có nhu cầu bảo vệ bản thân và tài sản. Vì thế nếu anh không có của cải, tại sao anh lại phải cần tới một khẩu súng để bảo vệ mình. Cơ bản thì tất cả những gì họ muốn biết nhất về anh sẽ nằm trong mấy chữ là, “anh có việc làm không và thu nhập bao nhiêu’”? - Polpatr nói.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm