Tranh cãi giới tính trong thể thao: Rồi một ngày phụ nữ sẽ vượt đàn ông?

08/03/2014 13:56 GMT+7 | Thế giới Sao

(giaidauscholar.com) - Tại Thế vận hội mùa Đông Sochi, HLV đội trượt tuyết nhảy cầu Nga, Alexander Arefyev, tỏ vẻ lạnh nhạt khi nhắc tới việc phụ nữ sẽ cạnh tranh ở môn thi này.

“Tôi không phải là fan của môn trượt tuyết nhảy cầu nữ. Đó là môn thể thao mạo hiểm với nguy cơ bị thương rất lớn. Nếu một người đàn ông bị chấn thương nghiêm trọng, họ vẫn có thể sống sót nhưng với phụ nữ tình hình sẽ nguy hại hơn. Phụ nữ nên có những mục đích khác: Sinh con, làm việc nhà, đốt lò sưởi và chăm sóc gia đình”- Alexander Arefyev nói với tờ báo Izvestia.

Định kiến về nữ giới

Những suy nghĩ đầy định kiến về giới tính trong thể thao như của Alexander Arefyev chính là nguyên do khiến trượt tuyết nhảy cầu nữ phải chờ đến năm 2014 mới có mặt trong danh sách các môn thi đấu ở Thế vận hội mùa Đông dù nó có bắt đầu từ những năm 1920.

Với mục đích bảo vệ VĐV nữ khỏi những hậu quả như vô sinh và lão hóa sớm, những nội dung thi đấu điền kinh dài hơn 200m dành cho nữ đã bị bãi bỏ tại Thế vận hội mùa Hè Amsterdam năm 1928. Tất cả xuất phát từ việc một tờ báo miêu tả lại cảnh tượng khủng khiếp ở vạch đích chặng đua 800m dành cho nữ năm đó. “11 phụ nữ rơi vào tình trạng tồi tệ, 5 người trong số họ đã bỏ cuộc, còn 5 người bị đổ gục. Đây là minh chứng cho khoảng cách quá lớn giữa thực tế và khái niệm sức mạnh nữ giới”- một phóng viên của tờ New York Evening Post nhận định.

Những ngôn từ đanh sắc trong bài báo đó đã dẫn tới hệ lụy dai dẳng. Trong vòng 32 năm, điền kinh cự ly trung bình và dài của nữ giới đã bị cấm hoàn toàn khỏi Thế vận hội mùa Hè. Phải tới năm 1960, mới có dấu hiệu của sự biến đổi và chờ đợi đến năm 2008, Ban tổ chức Thế vận hội mới để VĐV nữ cạnh tranh ở các nội dung tương đồng với đồng nghiệp nam.

Trong quãng thời gian đó, rất nhiều chuyên gia và phóng viên đã đưa ra những lập luận với hy vọng tìm lại tiếng nói của nữ giới trong thể thao. Năm 1992, tạp chí Nature xuất bản một bài báo của hai nhà sinh lý học với tiêu đề: “Phụ nữ sẽ sớm vượt đàn ông ?”. Các tác giả của bài viết đã xem xét kỷ lục điền kinh của VĐV nam và nữ trong lịch sử để chứng minh rằng sự cải thiện về thành tích của phụ nữ là tốt hơn. Bằng cách ngoại suy thống kê, họ xác định rằng trong nửa đầu của thế kỷ 21, phụ nữ sẽ đánh bại nam giới ở lĩnh vực điền kinh. Năm 2004, tạp chí Nature đăng tải một bài báo có tiêu đề: “Thành tựu chạy nước rút tại Thế vận hội 2156?” với nội dung dự báo về ngày phụ nữ sẽ đánh bại nam giới ở cự ly 100m. Vài năm sau, tạp chí British Journal of Sports Medicine đã bỏ đi dấu hỏi và thừa nhận: “Phụ nữ sẽ phải làm điều đó trong thời gian dài”.

Khác biệt đến từ đâu?

Với những thống kê cụ thể, British Journal of Sports Medicine đưa ra những nhận định thực tế hơn với những gì mà Nature đã làm trước đó. Theo họ, ở điền kinh cự ly 100m đến 10.000m, thành tích của VĐV nam thường hơn VĐV nữ 11%. Ở hầu hết các cự ly, VĐV nữ đều chậm hơn VĐV nam. Trong nhảy xa, thành tích của nữ giới kém phái mạnh 19%. Ở môn bơi lội nội dung 800m, khoảng cách nhỏ hơn, khoảng 6%. Xét ở cấp độ chuyên nghiệp thì khác biệt thực sự là vực thẳm.

Điều này có thể dễ dàng lý giải. Do khác biệt về testosterone, nam giới thường nặng hơn và cao hơn so với phụ nữ. Chân tay họ dài hơn, rắn chắc hơn, tim và phổi lớn hơn, xương dày hơn, nhiều tế bào hồng cầu vận chuyển máu hơn, cơ thể nhiều cơ bắp và ít mỡ hơn, hông hẹp hơn nên giảm được nguy cơ chấn thương. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia ngay từ thời buổi sơ khai của thể thao đã tách biệt thể thao cho nam giới và nữ giới.

Không thể phủ nhận phân biệt giới tính đã cản trở sự phát triển của phụ nữ trong thể thao. Tuy nhiên, cố ý bỏ qua sự khác biệt giới tính lại là điều không tốt cho phụ nữ.

Trước khi Kathrine Switzer đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đăng quang tại cuộc thi Marathon Boston vào năm 1967, cô đã nói rằng tử cung của mình như bị vỡ ra. Tâm sự đó đã thay đổi lịch sử Thế vận hội. Hướng dẫn tập luyện dành cho các nữ VĐV trong thời gian mang thai, điều mà cả thiên niên kỷ trước người ta trốn tránh, kể từ thời điểm đó đã được khuyến khích để bảo đảm sự an toàn và sức khỏe cho họ.

Thế nên giải pháp là hãy thỏa thuận và đưa ra những quy định có nghĩa. Cần phải đảm bảo rằng những VĐV nữ muốn cạnh tranh có cơ hội thực hiện khát khao của mình. Cần phải bác bỏ ý kiến cho rằng phụ nữ làm giảm sự nam tính của thể thao. Phụ nữ luôn muốn chứng minh rằng họ không phải là những sinh vật bé nhỏ mỏng manh. Và nếu thiếu họ, thể thao sẽ mất đi sự hấp dẫn.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm