25/12/2012 11:16 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hình ảnh Đất nước của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép đã được tái hiện trong triển lãm 40 tranh cổ động thời kỳ chống Mỹ cứu nước được trưng bày từ ngày 23 đến ngày 31/12 tại số 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đều của họa sỹ Trường Sinh, nguyên là họa sĩ vẽ tranh cổ động của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL) Hà Nội từ năm 1964 đến năm 1990.
Toàn bộ 40 bức vẽ được ông lấy tư liệu trong những ngày ông lăn lộn giữa phố phường đổ nát khi tiếng bom thù vẫn rền rĩ trên đầu. Đặc biệt trong triển lãm có 10 bức hình được ông vẽ ngay trong 12 ngày đêm "Chiến dịch Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không". Ông vẽ trực tiếp từ những cảm xúc sục sôi từ hiện trường ở An Dương, bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên…
"Đặt cược" cả tính mạng
Nhớ về vụ thảm sát đồng bào phố Khâm Thiên 40 năm trước, họa sỹ Trường Sinh nghẹn ngào: "Lúc tôi đến nơi, tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Ngay khi bom thù vừa trút, con số nạn nhân tử vong ước định đã hàng trăm người. Tiếng động cơ máy bay văng vẳng trên đầu hòa cùng tiếng than khóc tức tưởi dưới đất khiến không khí Khâm Thiên trở nên thê lương. Tôi cố nén cảm xúc, vẽ ngay bức tranh cổ động Nixon phải trả nợ máu!. Một phần để tố cáo tội ác giặc, phần lớn hơn là để đồng bào lấy lại bình tĩnh, biến đau thương thành hành động diệt thù.
Ngay hôm sau, ngày 27/12 bức tranh cổ động được phóng khổ lớn treo giữa đống đổ nát Khâm Thiên. Phóng viên Chu Chí Thành (TTXVN) chụp lại được khung cảnh ấy và truyền tải đi khắp thế giới để nêu cao ý chí Hà Nội và tố cáo tội ác giặc Mỹ.
Đa phần những bức tranh được ông vẽ trong suốt “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” nói chung và 12 ngày đêm cuối năm 1972 nói riêng và đều được thực hiện theo diễn biến của cuộc chiến như vậy.
"Mỗi khi có sự kiện, tôi tới ngay hiện trường, cảm tác vẽ ngay hoặc chụp lại ảnh, rồi về văn phòng của cơ quan ở số 8 Lò Sũ vẽ. Sau đó, từ bức tranh khổ nhỏ sẽ được anh em kỹ thuật phóng lên pano lớn, đặt ở nhiều nơi, đặc biệt là nơi xảy ra sự kiện. Những bức tranh trưng bày tại triển lãm không phải do tự nhiên tôi "lên gân" để vẽ được, chất liệu để tôi có thể phác họa ra những bức tranh cổ động ấy là "tinh thần thép" của người Hà Nội"- họa sỹ Trường Sinh kể.
Trong 12 ngày đêm, khi tác nghiệp, họa sỹ cũng hai lần "chết hụt" bởi bom B-52. Lần đầu, cũng trong đêm 26/12 khi Mỹ ném bom Khâm Thiên. Hôm đó, họa sỹ Trường Sinh trực chiến tại cơ quan. Tranh thủ phút ngơi bom, ông nằm nghỉ dưới chân cột tòa nhà Thông tin triển lãm (45 Tràng Tiền). Bỗng bom nổ rền. Theo phản xạ, ông chạy vội ra ngoài quan sát xem bom dội vào đâu để tới sáng tác. Lúc quay lại, một khối đá cẩm thạch to đã rơi đúng chỗ ông vừa nằm.
Lần thứ 2 là khi ông cùng đồng đội trú ẩn ở sân Sở Văn hóa Thông tin (47 Hàng Dầu). Vẫn theo thói quen, ông không vào hầm mà đứng cửa hầm với ý định xem bom thù trút xống nơi nào. Đang mải "ngắm" B-52, ông Trường Sinh được Trưởng phòng Sáng tác Ngô Minh đẩy ngay vào hầm. Trong lúc ông Ngô Minh còn chưa kịp vào, một viên bom bi lao xém qua mũ, cháy cả tóc ông Minh.
"Lúc đó mà tôi vẫn đứng ngoài, có lẽ, tôi không còn ngồi đây"- ông họa sỹ già cười.
"Đẹp như hoa hồng"
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, ông Sinh vẽ 28 bức tranh cổ động cỡ lớn, dựng khắp Thành phố để truyền lửa cho quân dân Thủ đô. Những bức tranh vẽ trong điều kiện thiếu giấy, thiếu màu song hình ảnh đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép của người Hà Nội trong cuộc quyết đấu với B-52 được tác giả phác họa dung dị mà thắm nồng.
Đó là những em thiếu niên tươi cười đi giữa những họng pháo chĩa thẳng lên trời với khẩu hiệu: "Không có gì quý hơn độc lập tự do!" Hay hình ảnh cô giao liên một tay cầm đèn bão, một tay chỉ đường cho những đoàn quân điệp trùng trên cầu Long Biên kèm lời nhắn gửi: "Địch phá, ta cứ đi!".
Bức tranh Trực chiến đêm đã ghi lại những khoảng lặng diệu kỳ của cuộc chiến. Bức tranh nền đen, tất cả những khối hình được phác theo nét vàng mượt của ánh trăng. Trong khung cảnh nên thơ, cô cứu thương và anh lính phòng không đang rủ rỉ tâm tình. Hình tượng “đầu súng, trăng treo” của một lớp trẻ mộng mơ mà sẵn sàng xông pha vì Tổ quốc trong thời kháng chiến chống Pháp được lặp lại như một biểu tượng xuyên suốt. Chộp được phút mộng mơ trên cũng là lúc tác giả hoàn toàn thả hồn mình theo khung cảnh. Bởi ngày 28/12 năm đó đúng ngày rằm. Dù kẻ thù có dùng siêu pháo đài bay hòng gieo đau thương, chết chóc song chúng cũng không cản được ánh trăng thuần khiết của tình yêu và hòa bình trên đất trời Hà Nội. Hay nói theo cách của nhà thơ Lê Anh Xuân, “đó là nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”.
Ngay hôm sau, ngày 27/12/1972, bức tranh cổ động Nixon phải trả nợ máu! được phóng khổ lớn treo giữa đống đổ nát Khâm Thiên. Phóng viên Chu Chí Thành đã chụp lại được khung cảnh ấy và truyền tải đi khắp thế giới |
Bên cạnh việc ghi lại những khoảnh khắc tinh thần, khích lệ động viên đồng bào chiến sỹ, tranh cổ động ngày đó còn như một kênh cung cấp thông tin cho những người ở lại Hà Nội. Trong những ngày không lực Mỹ leo thang ra miền Bắc, việc Hà Nội diệt được 300, 1.300, 1.500, 1.900, 3.000, 3.500 chiếc máy bay đều được nghệ sỹ "cập nhật" trên những bức tranh cổ động cỡ lớn.
Trong ngày cuối cùng của cuộc chiến 12 ngày đêm, ông Trường Sinh có vẽ bức tranh Khải hoàn môn của học thuyết Níchxơn như chiếc đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài chôn vùi thứ học thuyết chết chóc của tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ.
Họa sỹ Trường Sinh nhớ lại: "Bức tranh vẽ về những người lính Mỹ kẻ tàn phế, kẻ nằm trong quan tài, đi qua chiếc cổng làm bằng xác B-52 cháy. Mong muốn trở về với cổng khải hoàn của quân xâm lược đã gặp sự đáp trả vũ bão của quân dân Hà Nội. Và chính Nixon đã dẫn dắt quân mình tới ngưỡng cửa của chết chóc và thương vong".
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất