24/12/2021 08:19 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong bài valse vào loại hay nhất nhạc Việt thời kháng chiến có tiếng chuông yêu nước “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung” (Văn Cao).
Nhà thơ Xuân Diệu từng học làm thơ từ những giáo đường ngân nga tiếng chuông ấy, ông viết: “Một cái nhà thờ gothique không giáo dục được gì về tư tưởng cho chúng ta, những người vô thần, tuy nhiên bài thơ bằng đá vút lên trời ấy nói nhiều cái phong phú lắm, ta có thể ngồi một ngày Chủ nhật mà ngắm nó và rút ra được nhiều bài học”.
1. Nhớ Xuân Diệu, ngồi ngắm Nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM, tôi học được bài học kiến trúc từ một công trình không sơn phết, cứ để nguyên màu đỏ gạch mộc mà hòa hợp với màu xanh lá cây của rừng cây Quảng trường Công xã Paris, với màu xanh lam đồng phục học trò Trường Tiểu học Hòa Bình bên kia đường, với màu trắng áo dài nữ sinh trung học tan trường vào những trưa nắng vàng. Và khối kiến trúc gạch mộc vừa nền nã vừa mỹ lệ ấy, 24 giờ trong một ngày không rào dậu, 4 mặt tiền lúc nào cũng là của chung. Nhiều khi không đừng được, tôi bước hẳn vào giáo đường, học lấy kinh nghiệm thực hiện một bài giảng, những bài giảng ở đây được hỗ trợ bằng mái vòm hòa âm và dàn thánh ca.
Mê mải, tôi tìm đọc thêm về chính nhà thờ này và biết một chuyện rất giật gân, vào năm 1963, khi không, cây thập giá nặng 6 tạ trên đỉnh tháp chuông bên phải bỗng gãy gập và rơi xuống! Ơn Chúa, không trúng ai, chỉ tạo lỗ sâu 1 mét trên mặt đường nhựa trước nhà Bưu điện trung tâm, để rồi nhà thờ lại vẹn nguyên cho tới ngày 30/4/1975; và, trong bài tường thuật tại chỗ này, về ngày Việt Nam thống nhất, một nhà báo nước ngoài đã xác định thời khắc, bằng cách nhìn lên đồng hồ Nhà thờ Đức Bà - bài thơ đạo ''bằng đá'' đứng đó đã cả trăm năm để trong giây phút lịch sử ấy, cũng làm việc đời theo cách của mình.
Lại thêm một mùa Giáng sinh để người thành phố này, lắng nghe đồng hồ kia đổ nhạc chuông, nhắc tiệc sinh nhật mừng Người 2021 tuổi!
2. Người ta thường dùng chữ “ngon”, để khen một bữa ăn. Những chất lượng bữa ăn đêm Giáng sinh mà người Pháp gọi là reveillon (rê-vây-dông: Bữa ăn nửa đêm của đêm Noel) cứ phải đẹp trước đã. Cái đẹp của những trái châu màu đỏ nổi bật trên tán thông xanh lấp lánh ánh bạc dây leo nguyệt quế. Đẹp của ánh nến lung linh nhắc nhở thực khách nhớ rằng mình đang dự tiệc sinh nhật của một người thân đã hơn 2.000 năm tuổi. Đẹp của bộ đồ ăn Tây phương nghiêng về hành “kim” trong ngũ hành “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” với dao, nĩa chia đều cho 2 tay phải- trái, tạo dáng mã thượng! Cái đẹp nhìn thấy của những lá thiếp trang kim chờ người nhận mở ra để thoắt biến thành cái đẹp nghe được, của những giai điệu thánh ca.
Bữa tiệc đêm Giáng sinh là cách nhân loại kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời, một mình chịu nạn cho chúng sinh, tạo một hình mẫu tuyệt đẹp về đức hy sinh, để rồi hơn 2.000 năm lịch sử văn minh nối nhau như một xâu chuỗi những hy sinh cao thượng, những cách ứng xử đẹp với nhau theo nguyên tắc “trời đánh còn tránh miếng ăn''.
Đọc sách của bậc thầy ẩm thực Nguyễn Tuân thấy ghi, thời đất nước còn chia cắt, năm 1965 “Dưới cái nóng 37 độ nhiệt đới, Sài Gòn chuẩn bị nô-en không kém bất cứ thành phố miền Bắc xứ lạnh nào. Những cây thông xanh rờn ở đâu mà đưa ra ùn ùn như vậy? Đó là thông đưa từ Tây Nguyên về, từ Đà Lạt cách Sài Gòn 300 cây số. Quân giải phóng và du kích miền Nam đã nhận được lệnh là để cho những cam-nhông chở thông xanh về cho Sài Gòn đón Chúa ra đời“!
Vẫn Nguyễn Tuân kể: “Ở một vài trại giam phi công Mỹ trên miền Bắc, đêm nô-en có các cha và mục sư tới làm lễ. Phi công Mỹ ăn “rê-vây-dông'' lại được quay cả thịt gà Tây chính cống''
3. Món gà Tây quay quen thuộc với người phương Tây tới mức, hồi còn cuộc chiến Iraq vào ngày 27/11/2003 còn cả tháng mới Noel, tổng thống Bush đã đích thân bưng gà từ Mỹ sang tận đất Baghdad đãi binh lính nước mình đang đồn trú bên ấy. Một cuộc thăm viếng viễn chinh bất ngờ làm cho chính những người lính, nhân dân Hoa Kỳ và thậm chí cả nhân viên tình báo Mỹ cũng bỡ ngỡ.
Từ chuyện gà quay no mắt của tổng thống Mỹ, xin kể xưa hơn, chuyện gà quay ''mì ăn liền'' của hoàng đế Pháp Napoleon. Khi còn mở nhà hàng Dzoãn chuyên các món Việt trên đường Lê Quý Đôn TP.HCM, vào mỗi dịp Giáng sinh, đầu bếp nghệ nhân Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân vẫn phải có món Tây chiều thực khách. Nhưng tay bếp nghệ sĩ vốn là một cô giáo dạy văn (có thể đọc thuộc lòng truyện Chí Phèo) không gà quay khoái khẩu như ai mà tái hiện món Marengo của Napoleon cho ngon chuyện.
Bà kể, Marengo là ngôi làng nằm về phía Nam thị trấn Turin, trong tỉnh Piedmont của Italy. Tại đây ngày 14/6/1800 Napoleon đại thắng quân Áo. Cũng như Quan Vân Trường, chém giặc rồi mới uống rượu, Napoleon có thói quen không chịu ăn uống bất cứ chút gì trước mỗi lần xung trận, và ngài đói lả khi chiến thắng đã về tay.
Người đầu bếp trung thành tên là Dunand tuy vẫn theo kịp tướng quân của mình, nhưng đoàn xe quân lương hậu cần đã bị bỏ rơi tít mù phía sau. Dunand hoảng sợ vì biết hoàng đế tướng quân nóng như Trương Phi đã đòi ăn là phải có ngay. Ông vội sai mấy hỏa đầu quân truy kích thực phẩm và mang về 1 con gà ốm, 4 trái cà chua, 3 quả trứng, vài tép tỏi, mấy con tôm đồng và một cái chảo.
Dunand vung kiếm sắc phanh thịt gà già rồi nấu chớp nhoáng trong rượu cognac. Món dã chiến ấy được Napoleon chén sạch, hết lời khen, lại đòi từ đó về sau, cứ sau mỗi trận đánh nhau là... đánh chén gà Marengo. Thì ra, ngay trong nhà bếp cung đình, trong những lễ trọng như tiệc Giáng sinh, cái đói vẫn luôn luôn là một đầu bếp giỏi.
4. Bạn đã nghe Nguyễn Tuân kể "rê-vây-dông" gà Tây quay, ta đãi tù Mỹ. Món "rê-vây-dông" mà Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Phạm Tường Hạnh dùng là món gì, vào đúng Giáng sinh 1972, cái lễ đã tạo cảm hứng để nhà thơ Phan Vũ viết Em ơi Hà Nội phố và sau này nhạc sĩ Phú Quang, đưa Giáng sinh ấy vào cao trào tình khúc: Mùa Đông năm ấy/ Tiếng dương cầm/ Trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều/ Sao còn vọng tiếng chuông ngân?”.
Xin chép câu trả lời từ Tuyển tập Phạm Tường Hạnh: Đêm Noel 1972, Nguyễn Tuân buồn vì vừa đi cắm mấy nén nhang tại khu vực bị B52 bữa trước, tại phố Khâm Thiên. Đó là khu vực những nhà hát cô đầu [ả đào] trước cách mạng. Nguyễn Tuân trầm ngâm trước căn nhà xưa bà Ph. từng tom chát cùng ông, nay gạch ngói ngổn ngang. Mười một giờ đêm, Nguyên Tuân, Phạm Tường Hạnh theo Tô Hoài dẫn lối tới chợ Hôm để "rê-vây-dông"...bắp nướng. Ba người ngồi quanh bếp than hồng lề đường ăn món tay cầm nóng bỏng, rưới hành mỡ, thơm, béo. Bà hàng quạt thêm cho mỗi nhà văn một bắp nữa, 3 người hướng tới Nhà thờ Lớn, vừa đi vừa nhấm nháp. Nguyên Tuân thích thú ''Ba chàng ngự lâm pháo thủ bảo vệ thủ đô đêm Giáng sinh...''. Trời mưa phùn, se lạnh...
5. Nhớ Giáng sinh năm ấy, một người bạn thân rủ bằng được về nhà thờ đá Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình làm một "rê-vây-dông". Nhà thờ Chính Tòa đất này là công trình kiến trúc độc đáo phải mất 24 năm mới xây cất xong, chưa kể 10 năm trước đó chỉ dành để chở đá vật liệu về tập kết.
Dù là nhà thờ Công giáo nhưng ''bài thơ đá'' này mang những nét đẹp của đình chùa Việt Nam. Những mái cong hình mũi thuyền, những cuốn thư và đài sen thánh ngự, những song cửa hình cây tre... tất cả đều bằng đá. Tại đây có hang bằng đá thật, tái hiện nơi Chúa ra đời mà cha Sáu Trần Lục cho dựng vào năm 1875. Hôm tôi đến còn 14 hang sinh nhật khác mà các giáo họ thiết kế theo “khẩu vị'' kiến trúc của giáo họ nhà mình. Thú vị nhất là một hang sinh nhật có túp lều tranh, khóm trúc, bụi chuối, chum nước, rổ bát, và leo lét ngọn đèn dầu.
Giáng sinh năm nay, để viết bài báo này, tôi thả bộ ra đường sách Nguyễn Văn Bình TP.HCM (nối đường Hai Bà Trưng với nhà thờ Đức Bà), để kiếm thêm tài liệu. Thật thú vị tên đường sách chính là tên Tổng giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình (1910 - 1995). Ngài được phong Tổng giám mục Giáo phận Sài Gòn từ năm 1960 và được Nhà nước ta truy tặng huân chương Đại đoàn kết dân tộc vì những cố gắng trong việc đưa Công giáo vào khối đại đoàn kết toàn dân. Trên Thư viện xe bus đậu ở đường sách này, tôi đọc được câu chuyện ông Tổng giám mục, Bí thư Võ Văn Kiệt -Sáu Dân - cùng đông đảo linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân cùng trồng cây tại Nông trường lô 6 của Công giáo ở Củ Chi. Trong giờ nghỉ trưa, Bí thư Võ Văn Kiệt hỏi bà Sáu Sanh (tức nữ tu Nguyễn Thị Sanh, Tổng phụ trách Dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, em ruột Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình) rằng: “Sau này lên thiên đàng có cho tôi lên với không?”. Bà Sáu Sanh chỉ cười mà không dám trả lời, Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình trả lời thay: “Mời anh Sáu...”!
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất