Truyền hình thực tế, tin hay không tin?

21/01/2015 08:01 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Nếu cứ bàn mãi chuyện scandal của game show e chừng cũ quá. Truyền hình thực tế đang trong giai đoạn “thăng hoa, phát tiết”. Vài năm trước, các chương trình theo kịch bản ngoại đã đánh bật gần hết những chương trình nội, nhưng gần đây các nhà đài cũng bắt đầu “trỗi dậy” làm kịch bản để khẳng định thương hiệu.

Bộ mặt game show cũng không đơn thuần giải trí nữa, từ chương trình truyền hình thực tế “chuyện tử tế dành cho người tử tế”, đến những chương trình “mua vui cũng được một vài trống canh” thuần túy. Và cả những cuộc thi làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời một người theo cách hiểu đơn thuần “một bước thành sao”.

Vì thế, thời buổi bây giờ đừng nghĩ tài giỏi, mặt xinh, mặc đẹp là thắng. Bạn xấu cũng được, dị dạng cũng được nhưng phải khác biệt và có cá tính nổi trội. Bạn càng “độc” thì sẽ giúp chương trình ăn khách. Mọi thứ từ uống a-xít, nuốt cá tươi, bắn đinh, chọc giáo vào người, tiếu lâm, hài nhảm… “thượng vàng hạ cám” đều có ở truyền hình thực tế.

Sự tăng số lượng các chương trình theo cấp số nhân. Cùng với sự thỏa mãn khán giả đến mức cao nhất, cuộc đua ngấm ngầm về rating, quảng cáo đã làm nảy sinh không ít thị phi. Và có thể điều đó đã đẩy truyền hình thực tế vào nhiều scandal hơn nữa.

***

Có một điều lạ, không chỉ những chương trình “nghiêm túc”, ngay những chương trình giải trí cũng có công thức khá hiệu quả với kịch bản tìm kiếm lòng thương hại. Rất nhiều chương trình tưởng chừng không liên quan gì cũng cố phải tìm ra cho được một vài thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt để “gây sốt”.

Khán giả sẽ thấy những thí sinh rất… thực tế ở điểm: không che giấu xuất thân, hoàn cảnh éo le, không ngại khóc lóc ngon lành trên sân khấu, không ngại cầu xin lòng thương hại… Đó là một trong những yếu tố làm nên tính “thực tế” của chương trình hay chính yếu tố “thực tế” đã được “lập lờ” lồng ghép trở thành một công thức để hút khách?  

Vì thế, việc một thí sinh giọng hát được mô tả là “như mèo kêu” đã vào được đến top 4 một chương trình ca nhạc đình đám chỉ vì là người chuyển giới không có gì lạ. Tài năng không phải là tất cả, sự dị biệt từ ngoại hình, xuất thân… cũng quan trọng. Càng dị càng tốt.

Một “thực tế” quan trọng nữa của truyền hình thực tế chính là ban giám khảo và khán giả bình chọn. Hai yếu tố tưởng chừng cần trung thực, khách quan nhất thì hỡi ôi: người hâm mộ bị cảm tính chi phối, còn giám khảo bị ai chi phối có lẽ chỉ họ mới biết. Khán giả cứ gọi là tin vào… niềm tin.

Vì thế, không ít người tỉnh táo xem truyền hình thực tế có cảm giác nó tạo ra những điều giống như sự thật chứ không hẳn là sự thật. Nhưng dù sao thì vẫn cứ phải tin bởi “Bạn có thể bị lừa dối nếu bạn tin tưởng quá nhiều, nhưng bạn không thể tồn tại nếu bạn không có lòng tin” như câu nói nổi tiếng của nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới Frank Crane. Vậy cứ nên tin vào truyền hình thực tế…

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm