11/08/2020 13:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com)- Trong chưa đầy một tuần, Thanh Hoá và CLB TP.HCM đã tạo tiếng vang với những sự cố kiểu “tiền hậu bất nhất”. Những cái tên bầu Đệ và HLV Chung Hae Seong tiếp tục khiến sự chuyên nghiệp của V-League bị đặt câu hỏi lớn.
Sau 20 năm tồn tại, ở tuổi đời không còn trẻ, CĐV bóng đá Việt Nam vẫn gặp những cảnh tượng nghiệp dư tồn tại đầy rẫy sàn diễn đỉnh cao bậc nhất đất nước.
Giải đấu được gắn mác chuyên nghiệp tuổi 20 năm nào cũng xảy ra những chuyện “chết dở” đối với những nhà điều hành, khiến CĐV không khỏi ngao ngán.
Thanh Hoá của Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ năm nay thực tế là CLB rối ren nhất khiến không ít người phải đau đầu. CLB này chưa biết đã giải quyết chuyện HLV Fabio Lopez “tố” bị đối xử tệ bạc lên tận FIFA hay chưa, nhưng có lẽ đội bóng xứ Thanh sẽ mất không ít công của khi chia tay sớm với một chiến lược gia ngoại quốc.
Trong quá khứ, hàng loạt vụ kiện tụng của CLB Việt Nam với cầu thủ, HLV nước ngoài đã chứng kiến phần thua thiệt cho những người làm bóng đá Việt Nam. Đơn cử như năm 2005, VFF đã bị FIFA phạt phải trả cho HLV Letard khoảng 3 tỷ đồng. Mới đây, tiền đạo Stevens cũng đã đòi được Hải Phòng trả gần 5 tỷ đồng tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
Trở lại chuyện của Thanh Hoá, bầu Đệ hiện vẫn chưa yên với lá đơn “nửa nạc, nửa mỡ” gửi đến VFF, VPF và các cơ quan có thẩm quyền tại xứ Thanh.
Lãnh đạo Tỉnh Thanh Hoá đã xem xét văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo giao cho Giám đốc Sở Văn hóa–Thể thao–Du lịch Thanh Hóa làm việc với Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa và Công ty TNHH MTV CLB bóng đá Thanh Hóa để làm rõ nội dung đề nghị không tiếp tục tham gia V-League 2020 của CLB Thanh Hóa do bầu Đệ ký.
Người dân xứ Thanh có lý do để phiền lòng với bầu Đệ khi nhiều câu chuyện đằng sau đã được tiết lộ. Chẳng hạn như để hỗ trợ CLB Thanh Hoá dự V-League, mỗi năm tỉnh Thanh Hóa đã cấp kinh phí cho đội bóng tới 35 tỉ đồng.
Số tiền này theo quy chế VPF đặt ra, đủ sức cho CLB tồn tại cả mùa giải. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng luôn quan tâm vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để đội bóng phát triển, có chế độ thưởng nóng để động viên cả đội. Chuyện này trớ trêu hẳn với công văn bầu Đệ ký khiến dư luận cả nước xôn xao tuần qua.
Bầu Đệ trước mắt sẽ phải giải trình với lãnh đạo Tỉnh Thanh Hoá về công văn nổi tiếng mới đây, chắc chắn đó sẽ là câu chuyện được không ít người quan tâm. Tuy nhiên, trong lúc chờ tin tức từ bầu Đệ, người yêu bóng đá nước nhà tiếp tục chứng kiến câu chuyện bất ngờ khác từ CLB được xem là lắm tiền bậc nhất V-League 4 năm qua: TP.HCM.
Đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV tạm quyền Nguyễn Hữu Thắng chiều 10/8 đã bất ngờ xác nhận thông tin sẽ mời lại HLV Chung Hae Seong chứ không phải một ông thầy người Brazil nào khác tới làm việc. Thông tin này khiến nhiều người “sốc” bởi chỉ sau trận thua Hà Nội 0-3 vòng 11 V-League 2020 trước khi giải tạm hoãn lần thứ 2, lãnh đạo TP.HCM rất quyết tâm thay đổi vị trí thuyền trưởng.
HLV Chung Hae Seong phải chịu trách nhiệm cho thất bại, và việc được “đôn” lên ghế GĐKT ngồi thực chất với ông Chung không khác nào hành động cắt đứt vai trò của chiến lược gia người Hàn Quốc với CLB.
Ông Chung như đã biết, không cần suy nghĩ lâu, chấp nhận từ chức sớm để ra đi khỏi CLB để về Hàn Quốc. HLV 62 tuổi bị tổn thương lòng tự trọng với đội bóng ông đã dẫn dắt rất thành công năm ngoái khi bất ngờ có chức Á quân, và vị trí thứ 5 của TP.HCM hiện tại cũng phản ánh đúng năng lực của CLB vốn đã thất bại trong kế hoạch chiêu mộ ngoại binh.
HLV Chung Hae Seong trên lý thuyết vẫn có thể chạy đua đến chức vô địch V-League 2020 khi giải còn tận 9 vòng đấu. Ông cũng nhận được sự nể phục, tin yêu hết mực từ phía học trò.
TP.HCM chấp nhận đơn từ chức của ông Chung và nhiều người Hàn Quốc đã sẵn sàng trở về xứ kim chi thì bất ngờ, HLV này được mời lại. TP.HCM sau nhiều bài toán về chuyên môn, đặc biệt là kinh tế đã phải nhận thế “cửa dưới” với quyết định vào chiều 10/8.
Với việc không là người đề xuất chấm dứt hợp đồng do không còn là HLV trưởng của TP.HCM, ông Chung không thể nhận bồi thường 3 tháng lương (có tin hơn 1 tỷ đồng) mà ông thầy người Hàn Quốc từng trả lời báo Hàn Quốc rằng với việc còn 17 tháng hợp đồng với đội bóng, ông yêu cầu phải nhận 50% (khoảng 3-4 tỷ đồng) tổng số tiền lương trong thời gian đó mới trở về Hàn Quốc.
TP.HCM từng có bài học thua thiệt trong việc chia tay HLV Toshiya Miura trước 12 tháng hợp đồng trước khi mời HLV Chung Hae Seong về làm việc. Thêm việc CLB mới tậu 2 ngoại binh người Costa Rica được định giá hơn 1 triệu USD, ngân sách hoạt động của TP.HCM thực sự “khủng” nhất V-League 2020, giống nhiều năm trước đó.
Nhưng “núi tiền” đã không tô điểm được sự chuyên nghiệp cho TP.HCM. CLB chấp nhận cách làm không giống ai để đổi lại, tiết kiệm đáng kể chi phí thuê HLV ngoại. Nếu thực sự HLV người Brazil đến V-League để thay cho ông Chung, TP.HCM đương nhiên sẽ tốn thêm khoản rất lớn trả lương cho ông Silva.
Họ sẽ đánh cược luôn thành tích CLB dưới tay ông thầy chưa biết gì về bóng đá Việt Nam. Thế nên, chỉ có cách tận dụng tài năng của ông Chung, kèm theo điều kiện hợp đồng về thành tích giúp TP.HCM đạt được chí ít như năm ngoái (Á quân V-League và HCĐ Cúp QG), đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng mới mong khởi sắc.
Vấn đề là lúc này hay trước đó, HLV Chung Hae Seong đều duy trì được tâm thế của người định đoạt. Ông Chung yêu mến đội bóng TP.HCM nhưng chắc chắn mối quan hệ đã bị sứt mẻ ít nhiều sau thái độ thiếu chuyên nghiệp mà ông phải nhận sau trận thua Hà Nội vòng 11 V-League 2020.
Tuy nhiên, điều ông Chung cũng cần thông cảm khi nhắc đến chữ chuyên với V-League, thực sự nó như “chuyện muôn năm cũ”.
Từ bầu Đệ đến HLV Chung Hae Seong, có thể thấy dù trái bóng V-League không lăn nhưng môn thể thao vua ở Việt Nam không hề thiếu những câu chuyện bi hài.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất