15/08/2018 07:35 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Vài ngày qua, clip trích từ camera tự động về cảnh một thanh niên "thó" tiền công đức tại chùa Cói (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang liên tục được chia sẻ trên không gian mạng.
Trước đó, tại đình Hoàng Châu (Cát Hải, Hải Phòng) vào đêm 8/8, kẻ trộm đột nhập và lấy đi một kiệu thờ Mẫu có niên đại trên 100 năm, một bức tượng cổ thờ mẫu Liễu Hạnh và sắc phong từ thời nhà Nguyễn. Đáng nói, chính kiệu thờ này hàng năm vẫn được người dân sử dụng trong lễ rước kiệu Xa Mã – vốn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ 2017.
2 vụ việc liên tiếp ấy khiến chúng ta lại phải nói về nạn trộm cắp trong đình, chùa – nơi mà trong tâm thức dân gian vốn gắn với thành ngữ "Của Bụt mất một đền mười".
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "trộm cổ vật" trên mạng Internet, chúng ta sẽ thấy vô vàn vụ trộm cổ vật diễn ra trong nhiều năm qua. Ở những vụ việc ấy, hàng loạt "kỷ lục" bi hài đang tồn tại.
Chẳng hạn, năm 2016, vụ trộm tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên nhãn 300 năm tuổi tại chùa Mễ Sở (Hưng Yên) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, 28 năm trước đó, chính pho tượng này cũng từng bị đánh cắp một lần (và được tìm lại). Và, ở cả 2 vụ trộm, đám đạo chích đều rất chuyên nghiệp: Nếu trong vụ trộm năm 1998, kẻ gian cắt đứt dây điện thoại trong làng để người dân không thể báo cho các cơ quan chức năng thì ở vụ trộm sau, các "hậu duệ" của bọn chúng lại biết dùng sào và áo để che kín camera trước khi mang tượng ra ngoài.
Rồi, trong năm 2015, chùa Kim Long tại Nha Trang (Khánh Hòa) lập kỷ lục buồn khi trong một đêm mất tới 39 pho tượng - trong đó có những pho 300 năm tuổi. Gần hơn một chút, vào giữa tháng 4 vừa qua, chùa Quang Khánh (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng bị trộm khuân đi một lúc 19 tượng phật bằng đồng có niên đại từ thế kỷ XIX.
Hoặc, lập kỷ lục về số lần mất trộm có lẽ là trường hợp chùa Nễ Châu (Hưng Yên) với 4 lần bị đạo chích "hỏi thăm" - tới mức nhà chùa sau đó phải thửa riêng khuôn sắt, úp ra ngoài các đồ thờ và khóa lại.
Rồi, ngoài những món đồ phổ biến như tượng Phật, sắc phong, bài vị cổ..., ở nhiều trường hợp, kẻ gian còn tiếc rẻ vơ vét cả những món đồ khác - chẳng hạn như 6 thanh kiếm sơn son trên bệ thờ ở đền Hai Bà Trưng (Phúc Thọ, Hà Nội) hay chiếc sập gụ lâu năm tại chùa Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội).
***
Sẽ rất dễ để nói về trách nhiệm quản lý của nhà chùa hay chính quyền địa phương - cũng như về lòng tham của những đạo chích thời hiện đại.
Nhưng, bên cạnh những điều ấy, chúng ta vẫn phải nhớ lại một vấn đề mà giới chuyên môn đã nhiều lần cảnh báo: chính các đình, chùa, đền... là nơi mà kẻ gian thuận lợi nhất để "tác nghiệp".
Bởi trong suốt chiều dài lịch sử, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ấy chính là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cả cộng đồng. Có kết cấu mở, gần gũi thân thiện với người dân hay khách thập phương, những đình, chùa ấy tồn tại và được bảo vệ bởi chính cộng đồng xung quanh - mà tín điều "của Bụt mất một đền mười" là minh chứng điển hình.
Bây giờ, trong xã hội hiện đại, khi mà tín điều ấy là chưa đủ để ngăn chặn lòng tham, vấn đề bảo vệ tài sản tại đình, chùa, đền... sẽ còn là một bài toán khó giải.
Chẳng lẽ, chúng ta lại phải chấp nhận việc các cơ sở tín ngưỡng dần tự phong tỏa bằng cảnh "kín cổng cao tường" và trở nên xa cách trong con mắt cộng đồng?
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất