27/01/2025 16:51 GMT+7 | Đời sống
Làng Quả Linh, xã Thành Lợi, được ví như vùng đất di sản của huyện Vụ Bản nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung bởi nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời mà còn sở hữu 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội "Thái Bình xướng ca" và mới đây là "tục xông đền, xông nhà thờ họ đêm Giao thừa".
Làng Gạo, tên chữ là Cảo Linh, sau đổi thành Quả Linh là một làng Việt cổ được hình thành từ thời Vua Hùng, gắn liền với sự tích 18 dòng họ về khai điền lập ấp. Trải qua những năm tháng lịch sử, nơi đây hình thành và hội tụ nhiều phong tục tập quán, di tích lịch sử như, đền Đông, đám Hát … và những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc (dệt vải, múa rồng, chạp tổ…).
Với tâm thức cây có gốc, nước có nguồn, con người có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, làng Gạo hiện vẫn duy trì lễ chạp tổ. Trong ngày chạp tổ, con cháu xa gần trở về từ đường, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, lặp lại các quy ước của dòng họ. Lễ chạp tổ còn là ngày mỗi dòng họ sẽ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để mở cửa (xông) nhà thờ trong đêm Giao thừa đón năm mới.
Tương tự các dòng họ, ở làng sẽ có ngày chạp làng, chạp điện. Vào ngày rằm tháng Chạp, dân làng cùng nhau chọn cử người đủ tiêu chuẩn để mở cửa đền, cửa điện đêm giao thừa.
Theo tín ngưỡng, phẩm hạnh những người xông đền, xông nhà thờ sẽ liên quan đến cả làng, cả họ trong năm mới. Người được lựa chọn phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố, tuổi cao, sức khỏe tốt, con cháu đề huề, gia đình hạnh phúc, gương mẫu trong xóm làng và gia đình trong năm không có tang. Vì vậy, người được chọn cử là một vinh dự lớn của cả cuộc đời, niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Do đó, họ rất hồ hởi đón nhận cùng gia đình, dòng họ chuẩn bị rất chu đáo, công phu để hoàn thành công việc được dân làng, dòng họ giao cho.
Ông Vũ Văn Hùng, thôn Quả Linh cho biết, ông vinh dự nhiều lần được chọn làm người xông đền Đông và xông nhà thờ họ. Để chuẩn bị cho lễ xông đền, vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, gia đình người được xông sắm sửa lễ đến các di tích kính cáo với thành hoàng, tổ tiên xin được bao sái, trang hoàng nơi hành lễ và rước nhang án, nghi trượng về nhà để chuẩn bị cho buổi rước.
Tại nhà, gia đình người xông sẽ chuẩn bị các lễ vật gồm, hương, hoa, quả, gà, xôi, chè, rượu, cây vàng cây bạc, câu đối đỏ…
Đúng 21 giờ, sau một hồi trống lệnh của làng, gia đình người được xông mới bắt tay mổ gà, đồ xôi, nấu chè... chuẩn bị lễ vật cho đêm Giao thừa.
Khoảng 23 giờ, đám rước bắt đầu. Cả làng có tới 20 đoàn rước xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ kéo dài nối tiếp nhau trên trục đường làng. Đi đầu là đoàn rước xông đền, xông điện, rồi lần lượt đến đoàn rước xông nhà thờ họ. Đi đầu mỗi đoàn rước là người rước đuốc, cờ, chiêng, trống, nhang án…
Người xông đền, xông điện mặc lễ phục áo đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn đi sau nhang án, phía sau là đoàn tế nam quan và nhân dân. Ngọn đuốc đi đầu là ngọn lửa thiêng mang lại những điều tốt lành cho năm mới cũng là ngọn lửa của tinh thần đoàn kết của dân làng, anh em dòng họ vượt qua khó khăn thử thách.
Giờ phút Giao thừa đến cũng là lúc các đoàn rước đến đền Đông, điện Đức Thánh Trần và các nhà thờ dòng họ. Đúng thời phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người xông tiến vào mở cửa và cùng đội tế nam quan thực hiện nghi lễ chúc Thánh, còn các từ đường dòng họ, người xông từ đường thực hiện nghi lễ tế tổ theo nghi thức truyền thống.
Sau khi thực hiện các nghi lễ, người xông đền, xông nhà thờ mừng tuổi những người tham gia đoàn rước để lấy may, lấy lộc cho cả năm và cùng nhau ngồi nhâm nhi chén rượu lộc, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình trong năm mới.
Ông Vũ Quang Triệu, một người cao tuổi và am hiểu văn hóa, lịch sử trong làng khẳng định, tục lệ này không ai biết có từ khi nào nhưng được duy trì, gìn giữ nguyên bản từ thế hệ này sang thế hệ khác, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Do đó, con cháu làng Quả Linh dù cho đi xa luôn hướng về quê hương, mong muốn trong giờ khắc Giao thừa được hòa mình vào dòng người hướng về đền, về nhà thờ với lòng thành kính tri ân công đức cũng là để thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Bên cạnh việc thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tục lệ chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc, khát vọng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, mọi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người, bản thân, gia đình vào năm mới. Qua các hoạt động lễ nghi, tính cộng đồng làng xã được thể hiện rõ nét, hun đúc tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách để bảo vệ và cùng nhau xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh.
Ông Nguyễn Thế Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi cho biết, xã luôn chú trọng tổ chức các lễ hội, vận động nhân dân duy trì phong tục văn hóa tốt đẹp của địa phương. Xã quan tâm xây dựng cơ chế khuyến khích, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích, nơi thờ tự tín ngưỡng tôn giáo, nhà thờ từ đường các dòng họ...
Xã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ để gia đình, dòng họ thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, văn hóa, giáo dục nếp sống con người.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất