Khởi tranh môn bóng đá nam SEA Games 2015: U23 Việt Nam nuôi giấc mộng Vàng

28/05/2015 18:46 GMT+7 | Bóng đá

(giaidauscholar.com) - Nếu cột mốc là SEA Games 1991 (Manila, Philippines), giải đấu quốc tế đầu tiên của đội tuyển Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, đã 24 năm trôi qua (tương đương với 7-8 thế hệ cầu thủ), giấc mộng Vàng của cả nền bóng đá tại một kỳ Đại hội vẫn như bóng chim, tăm cá.

Chưa có nên mới ước?

Kể từ ngày hội nhập trở lại với khu vực, đã có 4 lần bóng đá Việt Nam lọt đến trận đấu cuối cùng, tranh vàng SEA Games. Lần thứ nhất ở Chiang Mai, Thái Lan 1995; thứ hai là Brunei 1999, lần thứ 3 Mỹ Đình, Việt Nam 2003; Bacolod, Philippines 2005 và lần gần nhất cuối cùng ở Vientiane, Lào 2009.

Bốn lần đầu chúng ta đều thua Thái Lan, chuyện cũng bình thường nếu so về đẳng cấp giữa hai nền bóng đá trong khoảng thời gian này; nhưng lần thứ 5 thực sự rất đáng tiếc. Tiếc vì thầy trò HLV Henrique Calisto tự bắn vào chân mình, chứ không phải đối thủ  là người Mã đã hay hơn.

Trước Malaysia, với ít nhất 2 lần là "bại quân" của Việt Nam ở SEA Games 2007 và AFF Cup 2008, thầy trò HLV Calisto không mấy khó khăn để hạ họ 3-1 ngay vòng bảng. Cùng với việc đối thủ lớn nhất là Thái Lan bất ngờ bị loại, “giấc mộng vàng” chưa bao giờ hiện hữu đến thế.

Nhưng chẳng ai ngờ, chiều Vientiane, 17/12/2009, bờ vai đã không còn là điểm tựa nữa. Đầu tiên là một bên bả vai sệ hẳn xuống của thủ môn Tấn Trường, hệ quả của pha tiếp đất lỗi; kế đến là cái vai của trung vệ Mai Xuân Hợp đưa bóng vào lưới nhà, khi trận chung kết chỉ còn 5 phút. Hàng ngàn, thậm chí là hàng vạn người hâm mộ Việt Nam tháp tùng cùng đội tuyển đã không thể nhấc chân rời SVĐ quốc gia Lào đêm đó. Nước mắt rơi nhiều không kể xiết.


U23 VN với nỗi buồn thất bại ở Sea Games 25

Nhắc nhiều đến thất bại trước U23 Malaysia ở SEA Games 25, là bởi trận thua cay đắng ấy đã không giúp nền bóng đá trở nên thực tế hơn, ngược lại, chúng ta vẫn cứ mải miết thêu dệt giấc mơ dang dở đến mức ảo tưởng. Cả nền bóng đá đi xuống cũng từ đó, ĐTQG đánh mất ngôi Vương tại AFF Cup 2010; các đội tuyển U23 thua liên hoàn từ SEA Games 2011 (Jakarta, Indonesia) đến SEA Games 2013 (Nay Pyi Taw, Myanmar).

Nói về nguyên nhân khiến giấc mộng Vàng vẫn dang dở, HLV Trương Việt Hoàng, cựu danh thủ Thể Công, người đã có bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Thái Lan trong trận thắng 3-0 tại bán kết Tiger Cup 1998 cho rằng: “Việc xây dựng mục tiêu là hết sức quan trọng, để từ đó lên kế hoạch và thực hiện nó. Song, dường như nền bóng đá chưa bao giờ sẵn sàng hy sinh cho mục tiêu lâu dài”.

Còn tại sao giấc mộng Vàng lại trở thành nỗi ám ảnh của cả nền bóng đá và kéo dài đến gần nửa thế kỷ nếu tính từ chức vô địch đầu tiên của đội tuyển miền Nam Việt Nam (năm 1959)? Có ý kiến đã cho rằng - Hãy quên SEA Games đi, bóng đá Việt Nam cần phải hướng tới những cái đích cao hơn như châu lục, thậm chí là thế giới! Nhưng thử hỏi làm sao có thể vươn xa, nếu chưa thực sự vươn lên tầm khu vực. Nói "chưa có nên ước" cũng là vì thế, dù ai cũng biết, một chức vô địch SEA Games chưa hẳn đã đưa bóng đá Việt "thoát tầm".

Nhìn sang người hàng xóm Thái Lan là đủ thấy. 14 lần đoạt chức vô địch SEA Games (bằng một nửa số kỳ Đại hội được tổ chức), thêm ngôi vị số 1 Đông Nam Á bao năm qua cũng chưa thể giúp họ lọt vào tốp đầu châu lục, chứ chưa nói đến World Cup. Tương tự là Myanmar và Malaysia…

Khi giấc mơ lại về

Chưa chắc đã "thoát tầm", nhưng không có nghĩa là bóng đá Việt Nam sẽ thôi cố gắng đoạt Vàng SEA Games, bởi một lần nữa giấc mơ lại về trong quá nhiều kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực. Và kỳ vọng ấy vẻ như khả quan hơn dưới thời của vị thuyền trưởng mới - Toshiya Miura.

Đến với mảnh đất hình chữ S, ông thày người Nhật đề cao và theo đuổi ít nhất 2 tiêu chí: Khát vọng thi đấu, tận hiến và nền tảng thể lực phải được cải thiện của cầu thủ. Ông chủ động cấy vào các ĐTQG rất nhiều nhân tố trẻ, cũng để phục vụ mục tiêu về lâu và về dài. Với đấu trường SEA Games 28, nơi mà U23 Việt Nam sẽ phải chơi trọn 7 trận đấu để có thể giành HCV với thời gian khoảng 2 tuần, ý thức thể lực là cần thiết. Còn vế đầu, khát vọng thi đấu, càng phải được nêu cao.


Các ĐTQG dưới thời Toshiya Miura khó bị đánh bại hơn

Tính đến thời điểm này, có thể chưa xây dựng được lối chơi đẹp mắt, đề cao chiến thuật phòng ngự, nhưng không thể phủ nhận các ĐTQG dưới thời Toshiya Miura khó bị đánh bại hơn (kể cả ở trận thua đội tuyển Thái Lan gần đây). Và rõ ràng, với một sân chơi trẻ như SEA Games, thì việc khó thua cũng đồng nghĩa với cơ hội chiến thắng là rất lớn. Đó là chưa kể, khác với đội tuyển Việt Nam, lứa U23 hiện tại có nhiều nhân tố được kỳ vọng sẽ gây đột biến bằng phẩm chất kỹ thuật trưởng thành từ U19 mà ở đó nổi bật là cái tên Công Phượng.

Cuộc hành trình chinh phục giấc mộng Vàng mang tên SEA Games bắt đầu bằng cuộc đấu với U23 Brunei vào ngày 29/5, tiếp theo là U23 Malaysia (ngày 2/6), U23 Lào (4/6), U23 Timor Leste (7/6) và thử thách thực sự cho thày trò Miura chính là cuộc đấu cuối ở bảng B với U23 Thái Lan. Một cuộc đấu không chỉ nhiều duyên nợ mà còn là thước đo cho tham vọng Vàng.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm