Đắt đỏ như tranh cử Tổng thống Mỹ

27/10/2012 09:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm 2012 đã vừa chạm một cột mốc quan trọng: hoạt động gây quỹ của các ứng viên thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã vượt mức 2 tỷ USD. Con số này đã khiến cuộc đua năm nay trở thành đắt đỏ nhất trong mọi cuộc bầu cử Tổng thống và thêm một lần nữa cho thấy tiền bạc có vai trò quan trọng thế nào tại sân chơi chính trị của nước Mỹ.

Hãng tin AP hôm 26/10 thông báo cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ đã chính thức cán mốc 2 tỷ USD, do cả dân thường lẫn giới nhà giàu đều thi nhau bỏ tiền gây quỹ với hy vọng sẽ có thể gây ảnh hưởng tới việc ai sẽ ngồi ghế lãnh đạo đất nước.

Cuộc đua tốn kém nhất

Dẫn các báo cáo gây quỹ được đệ trình lên chính quyền trong đêm 25/10, AP nói rằng Tổng thống Barack Obama và đối thủ tới từ phe Cộng hòa Mitt Romney đã thu về 1,7 tỷ USD tiền ủng hộ trong mùa bầu cử này. Ngoài ra, có gần 300 triệu USD đã được đổ vào các siêu ủy ban vận động chính trị (sPAC) kể từ đầu năm 2011, bên cạnh hàng chục triệu đô la quyên góp cho các nhóm phi lợi nhuận phụ trách việc phát các quảng cáo liên quan tới mùa bầu cử.

Như vậy, đây đã là cuộc bầu cử Tổng thống đắt đỏ nhất tại Mỹ và có thể là cả thế giới thời hiện đại.

OpenSecrets.org, tổ chức theo dõi hoạt động chi tiêu tài chính trong cuộc đua vào Nhà Trắng dự báo tổng chi phí có thể lên tới 2,5 tỷ USD.

Bob Biersack, một quan chức cao cấp của Open Secrets tuyên bố: "Nếu cộng thêm vào chi phí của cuộc bầu cử Quốc hội, con số có thể lên tới 6 tỷ USD".

Không lấy từ ngân sách vì chê ít

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2008, các bên chỉ thu về có hơn 1,8 tỷ USD.

Năm nay, có nhiều yếu tố mới đã khiến cho số tiền đổ vào hoạt động tranh cử tăng vọt. Năm nay, lần đầu tiên ứng cử viên của cả 2 đảng đã từ chối không sử dụng hệ thống cấp tiền tranh cử lấy từ ngân sách, vốn kèm theo các điều kiện giới hạn số tiền một ứng cử viên được phép gây quỹ và chi tiêu. Nếu nhận tiền từ ngân sách, cả Romney và Obama đều sẽ chỉ có 100 triệu USD tiền thuế của dân để tiêu trong hết kỳ bầu cử. Nhưng cả hai đã đánh cược rằng họ có thể gom được về nhiều tiền hơn thế, và họ đã đúng.

Năm 2008, Obama là ứng viên Tổng thống đầu tiên từ chối sử dụng tiền ngân sách, trong khi đối thủ của ông ở phe Cộng hòa, TNS John McCain, đã chấp nhận tiền của chính phủ. Kết quả, Obama đã chi tiêu gấp đôi McCain trong cuộc tổng tuyển cử và một phần thắng lợi của ông cũng được xem là do tiền bạc mang lại. Cuộc bầu cử 2008 cũng đã lần đầu tiên đặt ra tiền lệ cho các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ: rằng những người xem xét cuộc đua một cách nghiêm túc và tính toán thấu đáo sẽ không thể chấp nhận việc tiêu tiền ngân sách.

"Vận động gây quỹ là một phần của chính trị”

Với việc cuộc đua năm nay đang ở thế ngang bằng, cả Obama và Romney đều đã dành khá nhiều thời gian để tham dự các sự kiện gây quỹ "hoành tráng", nhằm ve vãn các nhà hảo tâm giàu có. Tháng trước, Romney đã đề cao việc tiến hành vận động gây quỹ, hơn là "bán nước bọt" trước cử tri, bằng tuyên bố rằng "vận động gây quỹ là một phần của chính trị, nhất là trong bối cảnh đối thủ của anh quyết định không tuân theo cái khung hạn chế chi tiêu chung".

Ngoài những người ủng hộ giàu có, cả Obama và Romney đều đã thu được đáng kể tiền mặt từ các nhà hảo tâm nhỏ, đặc biệt là Tổng thống. Ban vận động tranh cử của Obama thông báo đã có hơn 4 triệu người bỏ tiền ủng hộ ông. Năm nay, chính quyền liên bang cũng nâng cấp mức tiền mà một người có để đóng góp cho một ứng cử viên, từ 2.000 USD lên 5.000 USD. Điều đó có nghĩa các ứng viên cũng thu được nhiều tiền hơn.

Mặc dù vậy, phát ngôn viên của Obama là Adam Fetcher thừa nhận hôm 25/10 rằng Romney và các sPAC ủng hộ ông đã vượt qua Tổng thống trong việc ném tiền vào các đoạn quảng cáo, vốn phát đi phát lại trên hệ thống truyền thông Mỹ.

“Mạnh vì gạo”

Chủ sòng bạc Las Vegas ném tiền cho Romney

Ông trùm sòng bạc Las Vegas Sheldon Adelson đang là người ném tiền nhiều nhất năm nay với hơn 40 triệu USD cho các “Siêu ủy ban vận động chính trị” của phe Cộng hòa, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng - được ông ta công khai tuyên bố là - cản đường không cho ông Obama tái đắc cử.

Michael Toner, một luật sư thuộc ban vận động tranh cử của phe Cộng hòa và từng làm Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang, cho biết: “Trong môi trường chính trị cân bằng với tỉ lệ 50-50 như hiện nay, những đồng đô la cuối cùng thu được có thể tạo nên sự khác biệt, trong việc ai được bầu và ai thua cuộc" - ông nói.

Một sự thay đổi luật hồi năm 2010 đã cho phép dân Mỹ có thể rót tiền không hạn chế cho sPAC và tới lượt mình, các sPAC này có thể gây quỹ, chi tiêu không hạn chế để phục vụ cho một ứng cử viên Tổng thống, chừng nào họ và ủy ban tranh cử của ứng viên không trực tiếp phối hợp hoạt động với nhau. "Yếu tố đặc biệt trong cuộc bầu cử lần này là tác động tới từ những đồng tiền nằm ngoài các ủy ban vận động tranh cử" - Fred Wertheimer, một chuyên gia cổ súy cho việc đổi mới hoạt động gây quỹ chính trị ở Mỹ nhận xét - "Nó là biểu tượng của một hệ thống tài chính vận động tranh cử đầy thảm họa mà nước Mỹ đang có hiện nay. Nó cũng cho thấy ảnh hưởng tới mức thái quá của một bộ phận nhỏ các cá nhân và các nhóm lợi ích giàu có lên những quyết định của chính quyền". 

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm