V-League: Đừng để khán giả 'chọn trận mà xem

12/04/2019 07:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Hơn 14.000 khán giả vào sân Hàng Đẫy trong trận Hà Nội FC đối đầu cùng SLNA. Một con số đáng mơ ước của V-League 2019. Nói thế, bởi đó là sân bóng và trận đấu hiếm hoi có lượng người xem nô nức sau 4 vòng của mùa giải năm nay.

V-League làm VAR kiểu 'con nhà nghèo'

V-League làm VAR kiểu 'con nhà nghèo'

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú phát biểu rằng V-League không thể chạy theo công nghệ VAR mà FIFA áp dụng vì tốn kém kinh phí rất khủng, nhưng vẫn cố gắng làm cho được theo kiểu “con nhà nghèo”.

1. Nửa đầu mùa giải năm ngoái, đã nườm nượp cảnh người xem đến các sân cỏ khắp cả nước. Nhưng mọi thứ hồ hởi đó, đã ở lại sau lưng. Có thể nói “tuần trăng mật” giữa khán giả và bóng đá quốc nội đã qua. Những tưởng sau thành công vang dội của các cấp đội tuyển cuối năm 2018 và đầu 2019, sẽ có những hiệu ứng tích cực lan tỏa bởi “cầu thủ thứ 12”. Những kỳ vọng đó, đã không được như ý, vì sao?

Chẳng khó để tìm ra câu trả lời khi nhìn vào 14 đội dự V-League 2019. Tất cả đều là những chuẩn bị lặng lẽ cho mùa bóng mới. Những sự ra đi của vài tuyển thủ quốc gia ra nước ngoài, lại đều được dự đoán trước. Không có các bản hợp đồng vẫn hay coi là bom tấn chuyển nhượng. Cầu thủ từ nước ngoài sang ta giai đoạn sau này, không có được chất lượng như quá khứ.

VIDEO: Nhận định Bình Dương vs TPHCM (17h, 12/4), vòng 5 V-League 2019. Trực tiếp BĐTV, FPT Play

Câu hỏi đầu tiên với các CLB vẫn là “tiền đâu” để có thể sống khỏe trong bối cảnh các ông bầu không còn mặn nồng rót vốn và đầu tư như trước. Có những đội đá hôm nay nhưng vẫn nơm nớp ngày mai chưa biết sự thể thế nào. Những đội bóng hội đủ tiềm lực để trở thành một CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa theo tiêu chí của AFC chỉ đếm trên đầu ngón tay (gồm 5 đội là: Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hoà), nếu mang ra so sánh với các giải đấu cùng khu vực Đông Nam Á. Con số này của Malaysia là 8 đội, Thái Lan 9 đội, Indonesia 10 đội và Myanmar 11 đội.

Đội tuyển quốc gia và các tuyển trẻ đã chơi tốt cũng như ổn định xuyên suốt năm 2018 trải sang đầu năm 2019. Không phải lúc nào cũng trông chờ vào đó như là “bảo bối” kéo người xem đến sân. Thực tế vẫn có được những kích cầu từ thầy trò ông Park. Nhưng vịn vào đó, để làm tiêu chí dài lâu thì không thể. Bởi sự tác động cũng sẽ phôi pha theo thời gian.

Sân chơi quốc nội phải là nơi mà mọi thứ đều thuộc về cái nền căn bản của các đội bóng đang xây dựng nó. Mà bóng đá ở ta, cho đến bây giờ, chưa một CLB nào dám khẳng định tự thu chi, để làm nguồn sống.

2. Nhìn từ chất lượng CLB, để thấy mọi thứ cho đến lúc này vẫn chưa có gì mới mẻ cho sân chơi V-League. Tất cả vẫn cứ vừa đi vừa dò đường, chứ không thể có được cái gọi cải tổ toàn diện như ý chí mong muốn được. Năm nay là mùa giải mà những nhà tổ chức nhận được hợp đồng tài trợ dồi dào. Bên cạnh đó, được hưởng lợi rất nhiều từ thành tích của đội tuyển quốc gia. Còn để tạo ra một thiết chế đủ đầy để nhìn vào đó phát triển chưa thấy. V-League đã từng vinh dự nhận giải thưởng giải đấu phát triển tốt nhất châu Á cuối năm 2018. Danh vị đó sẽ là cú hích quan trọng để các cơ quan quản lý và điều hành hướng đến V-League ổn định và chất lượng hơn trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch công ty VPF, ông Trần Anh Tú đã từng chia sẻ rằng ước mơ lớn nhất trong năm 2019 là cố gắng làm sao khán đài của các sân vận động được lấp đầy khán giả, chất lượng các giải đấu nâng cao. Cơ sở hạ tầng như sân bãi, phụ trợ sẽ được cải thiện một cách tốt nhất”.

Từ ước mơ của ông Trần Anh Tú, đến thực tế sân cỏ Việt đang là khoảng cách không gần. Cầu thủ muốn đá tốt, phát huy hết phẩm chất của mình. Đương nhiên phải được thi thố trên một sân đấu, một thảm cỏ chất lượng. Hãy thử nhìn quanh, có bao nhiêu đội bóng đáp ứng yêu cầu đó. Chỉ một Hàng Đẫy hay Thống Nhất vừa được đầu tư nâng cấp mặt sân. Lạch Tray từng được coi như chảo lửa, nhưng mặt sân như ruộng, là ám ảnh và gây ra nhiều chấn thương từ trên trời rơi xuống cho cầu thủ.

Đã rất nhiều lần, cầu thủ và cả khán giả kêu ca đầy bức xúc với hạ tầng của các sân đấu. Cũ kỹ, rêu phong và tiềm ẩn hiểm nguy. Mỗi sân đấu, cứ mỗi mùa lại được tân trang theo kiểu đối phó là chính. Khán giả bỏ tiền vào xem, nhưng đổi lại là những bực dọc và cả nỗi ám ảnh không tên khác. Câu chuyện không dám đi vệ sinh trong suốt vài tiếng đồng hồ trên sân là ví dụ điển hình. Sân bóng đá muốn mang cho người xem sự thoải mái thì phải đáp ứng được những điều tối thiểu như thế. Không thể cứ dựa vào cái gọi tình yêu, để trông chờ và lôi kéo họ đến sân.

3. Ngoài chất lượng chuyên môn, cơ sở hạ tầng phục vụ. Thêm một yếu tố cốt tử để duy trì và tạo ra uy tín của V-League chính là văn hóa trên sân cỏ của các bên đang tham gia địa hạt bóng đá. Đó không gì khác hơn cách đối xử văn minh và tôn trọng giữa cầu thủ với nhau, giữa cầu thủ và lãnh đạo, với trọng tài. Anh hành xử dưới sân thế nào, tất cả sẽ được ghi nhận từ khán đài.

Đã đến lúc V-League cần phải nhìn lại mình. Nhìn lại để tạo ra những quy chuẩn thật sự chuyên nghiệp và minh bạch. Tôn trọng bản thân cũng chính là tôn trọng đồng nghiệp và tôn trọng khán giả. Hãy biết quý giá đôi chân nghề nghiệp của mình và cả đối phương trên sân. Khán giả lúc này đủ đầy thông tin và nhìn nhận của họ, khi đến sân bóng. Những trận đấu khét mùi tiêu cực. Những pha bóng nhuốm màu bạo lực. Những kết quả theo kiểu “lưới rung là tin nhắn về”. Khán giả thừa tinh ý để nhận ra và họ đến xem, đâu phải để chứng kiến những chuyện như thế.

Bóng đá vắng khán giả, các nhà tài trợ cũng vì thế mà không còn mạnh tay đầu tư cho đội bóng. Điều kiện vật chất không đủ đáp ứng, thành tích đội nhà đi xuống, khán giả lại càng thờ ơ hơn. Tất cả trở lại một vòng luẩn quẩn mà các đội bóng Việt Nam dường như vẫn chưa tìm được lối ra

Từ chảo lửa Lạch Tray cho đến thành Vinh nhuộm sắc vàng hay “sông Hàn dậy sóng” của Hòa Xuân đã dần mai một đi. V-League 2019, khán đài chưa phải phải lâm vào cảnh đìu hiu. Nhưng thực tế, người hâm mộ đông đúc vào sân không còn là hình ảnh thường trực nữa. Cũng đã có chuyện khán giả “chọn trận mà xem”.

Bất luận thế nào, vào lúc này, bóng đá nước nhà hội đủ nhiều yếu tố để phát triển và cuốn hút người xem. Nhưng để kích cầu và lan tỏa những điều tích cực đó là câu chuyện dài hơi. Tất cả phải nhận ra và nâng niu, để những tin yêu của ‘cầu thủ thứ 12” là vốn quý thật sự cho chặng đường phía trước.

76/93

Sau 4 vòng đã đấu của V-League 2019 thì số thẻ phạt mà các trọng tài rút ra còn nhiều hơn cả số bàn thắng. Cụ thể, sau 4 vòng có 76 bàn được ghi, trung bình 2,71 bàn/trận. Nhưng tổng số thể là 93, trong đó có 88 thẻ vàng (trung bình 3,14 thẻ/trận) và 5 thẻ đỏ (trung bình 0,18 thẻ/trận).

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm