02/04/2013 07:14 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Bên cạnh phút mặc niệm và những lời tưởng nhớ tới nghệ nhân Hà Thị Cầu, lễ Giỗ tổ nghề hát xẩm hôm nay sẽ ra mắt hẳn một bài xẩm riêng được sáng tác về cuộc đời bà. Tác giả của lời bài xẩm này là một nhà thơ 8X mê say câu xẩm.
Anh là nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, tác giả bài thơ Về chốn trần ai sẽ được các nghệ nhân nhóm Xẩm Hà Thành hát lên hôm nay (2/4) để tri ân “bu Cầu". TT&VH có cuộc trò chuyện với anh.
Cụ là xẩm, xẩm là cụ
NSƯT Hà Thị Cầu |
- Tôi vốn thích quan họ và chèo, đến mức đã sáng tác lời mới cho một số làn điệu, được phát sóng và khích lệ. Trong quá trình làm báo, có dịp tiếp cận các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ như TS Thao Giang, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, NSND Xuân Hoạch… tôi dần “thấm” và rung cảm với xẩm.
Hôm 20 tháng Chạp năm ngoái, anh Long đột nhiên gọi điện giục tôi viết một bài về xẩm. Tôi kịp nghĩ và nhắn tin cho anh một bài ngắn hơn chục câu với câu đầu là “Chơi Xuân giữa chốn tang bồng”. Anh Long và các “bạn xẩm” rất thích và lấy ngay câu đầu làm tên bài xẩm, biểu diễn để phát trên truyền hình vào dịp Tết.
* Bài thơ lục bát Về chốn trần ai cũng ra đời với một “đơn đặt hàng” như thế?
- Tôi sáng tác cách đây mấy tuần, sau ngày cụ Hà Thị Cầu qua đời. Một chiều anh Long nhắn làm một bài nữa để mọi người có thể sử dụng trong dịp giỗ tổ. Tối về tôi cứ nghĩ đến lần gặp gỡ duy nhất giữa chúng tôi – nhóm sáng tác trẻ với cụ, nghĩ đến những bài báo về cuộc đời cụ, về ngày cụ ra đi và mọi người đưa tiễn cụ. Vậy là tôi viết luôn.
* Vậy theo anh, nét đặc trưng của xẩm trong những bài lục bát hiện đại là gì?
- Qua nhiều bài cổ, tôi thấy lời ca xẩm thể hiện nét hóm hỉnh, tươi tắn, giai điệu rộn ràng. Có khi nội dung ngậm ngùi, tha thiết nhưng trong cách thể hiện của nghệ sĩ vẫn có chút nghịch ngợm, tung tẩy.
* Kể cả bài xẩm tưởng nhớ NSƯT nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng tươi vui, thưa anh?
- Tôi được biết bài xẩm tưởng nhớ cụ Cầu sẽ do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa thể hiện theo điệu Thập ân. Bài này thể hiện lòng biết ơn cha mẹ đã vất vả sinh thành, dưỡng dục con cái. Và nhắc con người ta sống cho có trước có sau, sống phải hướng về và tri ân cội nguồn. Tôi nghe, thấy da diết, thương cảm.
Nhưng việc lựa chọn giai điệu là của nghệ sĩ. Trong bài tôi viết vẫn có hình ảnh rộn rã tôi dựa theo chi tiết có thật, là trước khi cụ Cầu đi, cụ dặn các con bố trí một đội sinh tiền cùng đưa cụ ra đồng để bu vẫn được nghe, được xem những thanh âm cuộc sống. Tôi nhớ lại, thật đúng với hình ảnh cụ lần chúng tôi gặp, sống trong nghèo khó nhưng vẫn dí dỏm lắm!
Trong bài, tôi cũng gửi gắm hình ảnh, cụ Cầu không phải “về giời”, không thoát tục lên tiên mà cụ hóa cây cỏ, hòa mình vào đời sống nhọc nhằn ở cõi trần ai và tiếp tục hát ca.
* Anh có cảm thấy áp lực không khi viết xẩm về huyền thoại của xẩm?
Không! Tôi nghĩ bản thân cuộc đời cụ đã như câu xẩm: Nghèo khó, mất mát, truân chuyên... Cụ là xẩm, xẩm là cụ. Nên tôi viết bài này cũng rất nhanh.
* Phải chăng việc sáng tác lời mới cho xẩm cần một cú hích?
- Các chuyên gia, nghệ sĩ sẽ nói kỹ về điều này. Với tôi, một người mới bắt đầu, tôi chỉ nghĩ mình cần viết nhiều hơn. Dăm năm trước, tỉnh Bắc Ninh có tổ chức cuộc thi đặt lời mới cho quan họ và nhiều bài trong đợt sáng tác ấy đã được lan truyền. Việc đặt lời mới cho quan họ, chèo, hát văn… đã phổ biến trên sóng phát thanh. Nếu các trung tâm, nhóm nghệ sĩ hát xẩm… tổ chức những cuộc vận động sáng tác thì chắc chắn sẽ được hưởng ứng, từ đó sẽ chọn được những bài hát hay, phù hợp với đặc trưng, phong cách của xẩm.
* Xẩm mang đậm chất dân gian, đầy hơi thở cuộc sống, phải chăng việc viết lời xẩm đương đại nên “thêm những ngôn ngữ “chém gió vỉa hè” hiện đại vào ca khúc để tăng sức hút?
- Cá nhân tôi không định mang những lời lẽ thông tục của đời sống vào xẩm lúc này. Vì đó chỉ là mượn xác chứ không có hồn. Tôi nghĩ, dù có sáng tạo mới cũng phải giữ cho được bản sắc của xẩm truyền thống, dù xẩm cũng mang nhiều chất dí dỏm, tinh nghịch. Song đó là nét dí dỏm rất duyên, rất hóm của dân gian. Nó không thể bị đẩy tới sự bỗ bã, suồng sã. Tôi nghĩ, ca từ của tác phẩm nghệ thuật phải là ngôn ngữ nghệ thuật.
* Nhân ngày Giỗ tổ nghề hát xẩm, anh đánh giá ra sao về tương lai của xẩm trong nhịp sống đương đại?
- Tôi lạc quan về tương lai của xẩm!
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện
Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất