'Hầu đồng' kiểu… đương đại

01/03/2016 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Không “trần tục” như những giá đồng trong đời sống hàng ngày, đêm diễn Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú cho thấy một góc nhìn tinh tế về tín ngưỡng thờ Mẫu, dưới góc độ của nghệ thuật đương đại. Sau một thời gian thử nghiệm, vở diễn nghệ thuật Tứ phủ vừa có buổi ra mắt chính thức tại rạp Công nhân, Hà Nội.

1. Một không gian đậm màu sắc văn hóa tâm linh với khói và hương thơm của nhang. Giữa sân khấu lộng lẫy, các diễn xướng chính trong hầu đồng được tái hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại trong Tứ phủ.

45 phút/ lần diễn, Tứ phủ đưa người xem vào một cuộc hành trình tâm linh với 3 chương: Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn. Với sự trình diễn của bà đồng “xịn” Kim Liên, hai “hầu dâng” và các nghệ nhân khác, vẻ đẹp tinh tế của tín ngưỡng thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng được tính toán khá chi tiết để thể hiện qua trang phục, cử chỉ, câu chữ và cả sự sắp đặt âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu độc đáo.

Ngay cả với những gì đặc trưng nhất của nghi lễ như việc thay áo cho từng giá đồng, kèm theo các pháp khí riêng, hệ thống vàng mã hay nghi lễ tán lộc ở cuối chương trình, Việt Tú cũng đều có những lựa chọn riêng để cách điệu tái hiện lại mà vẫn giữ nguyên được sự bài bản trong trình thức.

Thậm chí, ngay từ sảnh ngoài rạp bước vào, khán giả đã được gặp một không gian của nghệ thuật sắp đặt với bàn sơn trang vàng mã lớn tỉ lệ 1/1 của những “giá hầu”, những ngựa giấy, voi giấy được các nghệ nhân ba đời làm vàng mã gia công. Cách thức sắp xếp ấy giống như “phần mở đầu” của đêm diễn: tạo ra một không gian tâm linh đầy đủ, dẫn dắt về yếu tố thị giác trước khi mở màn phần trình diễn chính ở tầng 2 của Nhà hát.

2. Chẳng quá lời để khen Tứ phủ là một vở diễn quá đặc sắc khi Việt Tú là một “phù thủy” đạo diễn. Nhưng phải thấy rằng, với dự án này, anh thực sự thận trọng trước khi ra mắt công chúng vì nhiều lý do.

Đơn giản như, để có thể trình diễn một cách thuần thục từ những bước thay áo, động tác cài trâm, quấn khăn, cho đến từng bước đi ra – vào trên sân khấu, các nghệ sĩ mất đến 3 tháng.

Còn đạo diễn Việt Tú, anh mất đến 3 năm tìm hiểu, trong đó có một năm lên ý tưởng. Sau đó, anh âm thầm công diễn vở trong nửa năm, với tần suất 12 ca diễn/ tháng, rồi mới “chịu” ra mắt truyền thông.

Việt Tú lý giải: với dự án này anh thực hiện theo quy trình ngược vì nếu không có sản phẩm thì sẽ chẳng biết nói gì. Và anh không muốn mình bắt đầu bằng câu “tôi sẽ làm thế này, tôi sẽ làm thế kia” chỉ trên giấy tờ.

Hầu đồng vào… bảo tàng

Hầu đồng vào… bảo tàng

Cuộc triển lãm "Tín ngưỡng thờ Mẫu" tại Hà Nội vào sáng 5/1 vừa qua đã đánh dấu một mốc mới của hầu đồng, khi loại hình này lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại một địa chỉ văn hóa quốc gia: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.


Trước khi thực hiện vở diễn này, trong thời gian tìm hiểu về Đạo Mẫu – tín ngưỡng đặc sắc nhất của người Việt, đạo diễn Việt Tú đã từng có những thử nghiệm “ngầm” trong các chương trình nghệ thuật và giải trí mà anh từng làm như chương trình Bài hát yêu thích (tiết mục Ngẫu hứng sông Hồng của ca sĩ Hồng Nhung), liveshow của ca sĩ Tùng Dương… khi anh đưa lên sân khấu đôi hạc hay trải chiếu, ngồi sập gụ.

Và trong bao nhiêu loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam, anh chọn hầu đồng, Đạo Mẫu bởi “Đạo Mẫu là nét văn hóa đặc trưng nhất của người Việt Nam, không hề bị “lai căng” bởi bất cứ nền văn hóa nào khi muốn thế giới nhận diện Việt Nam một cách nhanh nhất trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

“Vì thế, thực hiện dự án này, tôi mong rằng chương trình không chỉ được mọi người đón nhận mà sẽ thực sự đi vào lòng người Việt Nam khi chúng ta ủng hộ văn hóa Việt và cảm thấy tự hào vì điều đó” – đạo diễn Việt Tú chia sẻ ngắn gọn về dự án đã khiến anh “lao tâm” nhiều năm nhất từ trước đến nay.

An Yên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm