Hậu duệ chứng minh vua Hàm Nghi là họa sĩ thực thụ

07/03/2015 07:11 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tại TP.HCM, Amandine Dabat – nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử mỹ thuật Việt Nam của trường ĐH Paris – Sorbonne – Paris IV vừa có buổi nói chuyện chuyên đề Vua Hàm Nghi – một cuộc đời nghệ sĩ. Amandine Dabat (SN 1987) cũng chính là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi tại Pháp.

Nội dung của buổi nói chuyện, cũng như luận án tiến sĩ mà Amandine Dabat đã theo đuổi suốt 5 năm qua và sẽ bảo vệ trong năm nay, là sự chứng minh với công chúng và giới chuyên môn rằng: Vua Hàm Nghi (1871 – 1944) là một họa sĩ. Để hiểu rõ hơn về sự nghiệp hội họa một cách khá thú vị của vị vua yêu nước, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với Amandine Dabat, đến nay là nhà nghiên cứu đầu tiên về đề tài này.

* Công chúng quan tâm đến vua Hàm Nghi là một vị vua yêu nước và khí phách, trước khi được biết ông sáng tác tranh. Theo chị, vua Hàm Nghi vẽ như một họa sĩ thực sự, hay hội họa chỉ là một thú vui giải khuây của ông trong thời gian bị chính quyền thực dân Pháp an trí ở Algerie?

- Lúc đầu, tôi nghĩ rằng ông vẽ như một cách để tìm niềm vui. Nhưng khi đã khởi đầu thì ông vẽ cả ngày, vẽ như một họa sĩ thực sự. Theo ý tôi, ông đã trở thành họa sĩ theo cách tự nhiên.


Amandine Dabat trong buổi nói chuyện chiều ngày 5.3 tại Thư viện KHTH TP.HCM. Ảnh: Thuận An

* Mãi đến khi bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi được bán đấu giá ở Paris ngày 24/11/2010, công chúng Pháp và Việt Nam mới nhận ra một vua Hàm Nghi – họa sĩ với bút danh Tử Xuân. Liệu di sản mỹ thuật của ông đến nay còn khoảng bao nhiêu tác phẩm, hiện đang thuộc sở hữu của ai?

- Thực tế bức Chiều tà do ai đấu giá, ai mua thì gia đình tôi cũng không biết. Trước đây tranh của ông chưa từng giới thiệu ra công chúng với ai. Năm 1962, căn nhà ông sống ở Algerie bị cháy, nên toàn bộ tác phẩm của ông không còn gì. Số còn lại do sở hữu của gia đình, ông tặng con cháu hoặc bạn bè… đến nay còn lại khoảng dưới 100 tác phẩm. Ông sáng tác nhiều như vẽ tranh sơn dầu, pastel, điêu khắc đồng, thạch cao…

* Có thông tin rằng vua Hàm Nghi từng thụ học điêu khắc với nhà điêu khắc vĩ đại nhất nước Pháp August Rodin (1840 – 1917), thực hư điều đó như thế nào?

- Điều đó là sự thật. Tôi có tài liệu viết về một cuộc triển lãm năm 1979, trong phần A.Rodin với vùng Viễn Đông có xác thực điều này. Từ năm 1899, mỗi hai năm một lần vua Hàm Nghi thường đi du lịch 3 tháng ở Pháp. Thời gian này ông theo học điêu khắc với August Rodin. Ngoài ra, người hướng dẫn hội họa chính cho ông là Marius Reynaud – một họa sĩ Pháp sống ở Algerie. Marius Reynaud dạy hội họa cho vua Hàm Nghi trong vòng 15 năm, bắt đầu từ năm 1889.


Một bức tranh vẽ phong cảnh năm 1905 của vua Hàm Nghi được Amandine Dabat nhận xét chịu ảnh hưởng của màu sắc P.Gauguin, nhưng vẽ theo mô típ gốc cây, cánh đồng… của Việt Nam

* Trong một bài viết, GS – TS, nhà Việt Nam học người Nga N.L.Nukulin có nhắc rằng vua Hàm Nghi vẽ nhiều phong cảnh Algerie và Pháp. Ông không có bức nào vẽ về Việt Nam?

- Quả thật, ông vẽ nhiều phong cảnh Algerie và Pháp, bằng phong cách hội họa Phương Tây. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng ông đã vẽ “cảnh Tây” bằng cái hồn Việt Nam. Ví dụ, tranh phong cảnh Việt Nam thường là cánh đồng mênh mông, bóng cây, cánh cò… thì những bức tranh phong cảnh của ông cũng có gốc cây, cánh đồng như vậy.

* Thông tin về cuộc đời họa sĩ của vua Hàm Nghi hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn. Là người đầu tiên nghiên cứu về đề tài này, chị có tin rằng với công trình của mình,  công chúng và giới mỹ thuật sẽ biết nhiều hơn về một  vua Hàm Nghi họa sĩ?

- Ồ, chắc chắn chứ! Tôi đã chọn đề tài này với mục đích đó. Theo tôi, để đánh giá một họa sĩ thì dựa trên sự đam mê và lao động của người đó cống hiến cho hội họa. Với nghệ sĩ, có người nổi tiếng, nhưng cũng có người chưa được công chúng biết đến. Vua Hàm Nghi là trường hợp như vậy. Nhưng ông đã vẽ.

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Thuận An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm