02/08/2016 23:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hai ngày cuối tuần 30-31/7, tại nhà E ĐH Lao động – Xã hội (số 43, Trần Duy Hưng, HN) đã diễn ra Ngày đọc sách đầu tiên của dự án Thư viện Sống - The Human Library Vietnam, nơi người đọc có cơ hội được hiểu hơn về những cuốn sách đặc biệt - những người "khác biệt" trong cuộc sống.
Được tổ chức lần đầu tại Đan Mạch vào năm 2000, và cho đến nay dự án đã có mặt trên hơn 70 quốc gia trên thế giới. Thư viện Sống cơ bản giống như một mô hình thư viện bình thường khác. Điểm đặc biệt ở đây là thay vì những cuốn sách in trên giấy bình thường, những cuốn sách lại là những con người thật, với những câu chuyện thật, kể về cuộc sống của họ. Cho đến tháng 7/2016, Lê Anh Thư (du học sinh năm thứ 2, trường Oberlin College, Mỹ) đã đem bản quyền dự án về Việt Nam và triển khai dưới cái tên: Thư viện Sống - nơi những "cuốn sách sống" đặc biệt được cất tiếng nói và đồng thời là nơi chúng ta có thể lắng nghe những chia sẻ của họ.
Các thủ thư của Thư viện Sống trao đổi với độc giả
Tại lễ khai mạc dự án, Lê Anh Thư, trưởng BTC cho hay: “Động lực khiến tôi tổ chức dự án này là muốn xoá nhoà mọi định kiến, phân biệt, kì thị liên quan đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội như: ma tuý, tự hoại, đồng tính, chuyển giới, bạo lực gia đình...và nâng cao nhận thức của mọi người về quyền tự do, công bằng, sự cảm thông trong cuộc sống”.
Cũng theo Thư, qua quá trình chọn lọc và phỏng vấn kỹ lưỡng, BTC dự án đã thống nhất đem đến cho người đọc hơn 20 đầu sách - họ là những con người mang trong mình những câu chuyện để kể phía sau cuộc sống, những trải lòng, những khó khăn hay nghị lực. Trong hai ngày diễn ra sự kiện, dự án đã tiếp đón hơn 500 người đọc cùng hơn 800 lượt đọc sách, với những phản hồi tích cực, mang tính đóng góp cao cho dự án và cộng đồng.
Đầu sách xỏ khuyên tại Thư viện Sống
Người đọc của Thư viện Sống đa dạng về ngành nghề, độ tuổi từ học sinh cấp 2, cấp 3 tại Hà Nội đến những sinh viên, du học sinh, những phụ huynh... Điều này thể hiện phần nào sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ đến những vấn đề xã hội, nhất là khi những giá trị văn hoá hiện đang có nguy cơ bão hoà trong cuộc sống hiện đại.
Khi được hỏi: "Cảm nhận của em sau buổi đọc sách đầu tiên là gì?", Trần Quốc Tuyến - sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Mô hình thư viện này thực sự rất ý nghĩa và thể hiện tính nhân văn. Mình ấn tượng với các đầu sách, tuy hôm nay không thể đọc được nhiều nhưng với những chia sẻ nghe được, mình rất hài lòng. Hai đầu sách mình đọc là: Tự hoại và Xã hội dân sự, họ đều có kiến thức rất vững về bản thân cũng như vấn đề xã hội, và mình hiểu được mong muốn họ muốn truyền tải. Mình nhất định sẽ quay lại vào chiều nay!"
Đầu sách chuyển giới nữ La Lam (áo trắng,đeo kính) nói chuyện với các độc giả
Có thể nói, mô hình Thư viện Sống đã tạo được một không gian lành mạnh, thoải mái cho không chỉ sách Sống mà cả những người đọc, về những vấn đề được chia sẻ, để nâng cao sự bao dung, tình thương đối với những con người "khác biệt", để mở rộng vòng tay và đồng cảm, công nhận họ.
Đỗ Đức Sơn (Trưởng ban truyền thông) của Thư viện Sống chia sẻ: "Khi biết chị Thư, trưởng BTC đang tìm những cộng sự để thực hiện dự án, trong lòng mình ban đầu cũng có chút hoài nghi về tính thực tiễn. Nhưng với bản tính tò mò sẵn có và ham muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ, mình đã quyết định đồng hành cùng chị Thư và hạnh phúc vì đã trở thành người đầu tiên đặt nền móng cho mô hình Human Library Vietnam, góp phần làm thay đổi xã hội một cách tích cực hơn."
Hoài An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất