Phim 'Chàng trai năm ấy': 'Lạc mất' Cánh diều có phải vì Sơn Tùng M-TP?

14/03/2015 07:35 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Sòng phẳng mà đánh giá thì phim Chàng trai năm ấy “một tám một mười” với Thần tượng (đều do Quang Huy đạo diễn) - từng đoạt 6 giải tại Cánh diều 2013, nhưng Chàng trai năm ấy chỉ nhận được bằng khen và giải Diễn viên trẻ triển vọng tại Cánh diều 2014. Vì sao lại sa sút đến như vậy?

Tại Cánh diều 2013, Thần tượng được trao Cánh diều vàng phim điện ảnh và 5 giải quan trọng khác: Báo chí - Phê bình, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Họa sĩ thiết kế xuất sắc.

Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn (Trưởng BGK Cánh diều 2013) từng nhận xét về Thần tượng như sau: “Hết sức đắn đo nhưng chúng tôi cũng phải công nhận rằng đây là một tác phẩm tương đối hoàn chỉnh”.

Hai phim “cùng gu”

Xét về hướng tiếp cận, cách kể chuyện thì cả hai phim có “gu”, tiết tấu khá giống nhau. Nếu Thần tượng là chuyện một cô gái mê ca hát muốn trở thành thần tượng chân chính, thì Chàng trai năm ấy là chuyện một nam ca sĩ bị bệnh hiểm nghèo muốn để lại vài thông điệp tốt đẹp cho cuộc đời.

Cả hai phim đều có chất nhạc bàng bạc, với nhiều trường đoạn hơi giống phim ca nhạc. Về độ tuổi của nhân vật chính, về thiết kế mỹ thuật, khuôn hình, dàn dựng, xử lý âm nhạc, cắt cảnh… có nhiều nét tương đồng với nhau. Nói chung, nhìn tổng thể về chất lượng thì hai phim khá gần nhau về nhiều điểm, trong đó có cả quan điểm tìm kiếm cảm xúc và thông điệp nhân văn của đạo diễn.

Sơn Tùng M-TP trình bày bài Không phải dạng vừa đâu và nhận giải Diễn viên trẻ triển vọng tại Cánh diều 2014 cùng với Bình An phim Lạc giới, Ngọc Thanh Tâm phim Hiệp sĩ mù

Còn về diễn xuất, Thần tượng với vai chính do Hoàng Thùy Linh đảm trách, Chàng trai năm ấy với vai chính do Sơn Tùng M-TP, đều là khuôn mặt mới của phim điện ảnh. Cả hai đã làm khá tốt vai trò của mình - đều được đề cử dự thi hạng mục diễn viên chính xuất sắc tại giải Cánh diều. Bên cạnh đó là một “đê bao” (vai thứ chính) diễn xuất đồng đều, tạo được điểm nhấn và cảm xúc cho người xem.

Nếu Thần tượng ra rạp vào thời điểm “gặp thời” của Tèo Em nên bán vé không được, thì Chàng trai năm ấy đã thu về hơn 40 tỷ đồng (theo tin từ Galaxy Cinema). Còn nhìn về công tác đạo diễn và quay phim, cả hai phim đã tạo được hiệu quả và đạt chất lượng đồng đẳng với nhau, thậm chí quay Chàng trai năm ấy còn khó hơn, cần nhiều sáng tạo hơn.

Lỗi chỉ tại một người?

Dư luận còn cho rằng ở hạng mục đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc của Cánh diều 2014, Sơn Tùng M-TP chỉ “ngán” Quý Bình, chứ “trên cơ” các đàn anh như NSƯT Trung Anh, Thái Hòa, Bình Minh, Chi Bảo, Trung Dũng, Nguyễn Mạnh Trường… Việc Sơn Tùng M-TP chỉ được trao Giải diễn viên trẻ triển vọng cũng tạo nên sự thất vọng “nhẹ” trên cộng đồng mạng, bởi nhiều người vẫn nghĩ ca sĩ này “không phải dạng vừa đâu”.

Ban đầu, Chàng trai năm ấy dự kiến công chiếu ngày 14/11, nhưng ca khúc chủ đề Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng M-TP thể hiện bị dính nghi án “đạo nhạc”, nên phải dời đến 31/12/2014 mới được công chiếu. Theo vài nhà phân tích, nếu ra rạp đúng như dự kiến ban đầu, phim này còn bán được nhiều vé hơn.

Giải Cánh diều thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam đương nhiên chịu sự chi phối từ Cục Điện ảnh và Bộ VH,TT&DL. Nếu Cánh diều 2014 có “né” giải với Chàng trai năm ấy cũng có thể hiểu được, vì tác phẩm này đã đánh mất tính trong sáng và nguyên bản. Tuy nhiên, lý do có đúng như vậy không thì chỉ có BTC Cánh diều và BGK mới trả lời được, nhưng với các tình huống như thế này thường khó có câu trả lời cụ thể.

Nếu không phải vì chuyện “đạo nhạc” lùm xùm làm ảnh hưởng, việc Chàng trai năm ấy gần như trắng tay tại Cánh diều 2014 là điều không dễ hiểu. Bởi xét về mặt bằng chung (so với 16 phim điện ảnh còn lại) thì ở vài hạng mục Chàng trai năm ấy khá nổi trội.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm