17/03/2015 07:04 GMT+7 | Phim
Có thể nói, giai đoạn từ năm 1986 đến 2006 là quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của hãng Pixar.
Mất "chất" sau khi hợp nhất
Ở thời kỳ này, họ đã gây dựng nên một đế chế vững chắc, dẫn đầu ở thể loại hoạt hình 3D với những tuyệt phẩm như Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), Monster, Inc., Finding Nemo, The Incredibles (Gia đình siêu nhân)… Đây cũng được coi là những bộ phim mang đậm phong cách, tinh thần Pixar nhất.
Vào năm 2006, sau khi bị hãng Walt Disney thôn tính với cái giá 7,4 tỷ USD, Pixar bước sang một trang mới. Cuộc sát nhập này đã đưa hai người cũ của Pixar là John Lassester trở thành giám đốc sáng tạo và Jim Morris trở thành chủ tịch của cả hai xưởng hoạt hình Pixar lẫn xưởng Walt Disney.
Mặc dù trên danh nghĩa thuộc Disney nhưng Pixar vẫn hoạt động độc lập, với những chuẩn mực về chất lượng nghệ thuật lẫn phong cách riêng biệt. Bằng chứng là họ tiếp tục cho ra đời những bộ phim rất xuất sắc như Ratatouille (Chú chuột đầu bếp), Wall-E, Up (Vút bay), Toy Story 3.
Dưới góc nhìn của người xem, mọi sự chỉ thay đổi khi Pixar bất ngờ chệch hướng vào năm 2011 với Cars 2 (Vương quốc xe hơi 2). Với các tình huống hài nhạt nhẽo, nhân vật chính phụ không rõ ràng, cho đến nay Cars 2 vẫn bị coi là tác phẩm kém chất lượng nhất của Pixar. Điều tương tự đã không xẩy ra với Brave sau đó một năm. Nhưng với các fan trung thành của Pixar thì đây cũng là một bộ phim đáng thất vọng.
Người ta thất vọng không phải là phần nội dung - thậm chí Công chúa tóc xù còn đoạt giải Oscar - mà là vì “chất” Pixar đã không còn nữa. Khán giả không còn được thấy những sự sáng tạo, hài hước, dí dỏm, bất ngờ và mang tính giáo dục nhẹ nhàng nữa.
Mọi chuyện được vãn hồi phần nào khi hãng tung ra Monsters University vào mùa hè 2013. Nhưng dù sao thì đây vẫn là những nhân vật có sẵn, chỉ được phát triển từ phần gốc cách nay hơn 1 thập kỷ mà thôi.
Pixar cần một cú hích, một cú thay đổi ngoạn mục mà ở đây chính là một bộ phim mới với những nhân vật lý thú, hấp dẫn, độc đáo được sáng tạo mới hoàn toàn. Khán giả và ngay cả Pixar cũng đang rất mong chờ vào Inside Out.
Hy vọng đặt vào Inside Out
Quả thực, mới chỉ nghe qua phần cốt truyện của Inside Out thôi, chúng ta đã cảm thấy cực kỳ hứng thú. Bấy lâu nay, cảm xúc bên trong trí óc con người, bao gồm vui, buồn, giận, sợ hãi, ai cũng đều biết và cảm nhận. Chỉ có điều chưa ai có thể “nhìn” thấy chúng hiện hữu ra sao.
Từ ý tưởng này mà Pixar cho ra đời Inside Out. Những tâm trạng, cảm xúc trên giờ đây biến thành những nhân vật hoạt hình, có hình hài, màu sắc rất riêng.
Như bao bạn bè đồng trang lứa khác, bước vào tuổi dậy thì là một quá trình gian nan với cô bé Riley. Mọi chuyện càng tồi tệ hơi với Riley khi cả gia đình cô phải chuyển từ quê hương ở miền Trung Tây nước Mỹ đến San Francisco.
Cũng như tất cả chúng ta, Riley chịu sự điều khiển của cảm xúc bên trong tâm trí mình, và chúng là Joy (Vui vẻ), Fear (Sợ hãi), Anger (Cáu giận), Sadness (Buồn bã) và Disgust (Chán ghét). Năm tính cách này tập trung tại trung tâm chỉ huy nằm trong tâm trí của Riley, giúp cô bé đưa ra những quyết định về hành động lẫn tình cảm trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng rủi thay, việc phải làm quen với môi trường của một thành phố mới, từ ngôi nhà mới cho đến trường lớp mới, đã khiến sự hỗn loạn bắt đầu nảy sinh trong nội bộ của các cảm xúc. Và giờ đây, hy vọng duy nhất được đặt hết vào Joy, cảm xúc quan trọng nhất của Riley. Joy được xem là yếu tố duy nhất có thể giữ cho cô bé lạc quan, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Các fan đều đang hy vọng bộ phim sẽ về với cội rễ đã khiến Pixar trở thành một tên tuổi lớn trong làng hoạt hình. Thành công của bộ phim sẽ mang tới cú hích cần thiết để hãng tiếp tục vươn lên.
Dự kiến Inside Out sẽ được phát hành vào ngày 19/6.
Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất