21/05/2016 06:43 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đúng như đã dự đoán, không có gì bất ngờ với kết quả Thần tượng Bolero mùa đầu tiên khi Trung Quang – thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi (18 tuổi) đã giành chiến thắng đêm chung kết tối 20/5.
Thực tế, 2 tuần trước đêm chung kết, khi Minh Thảo và Đình Nguyên – hai giọng ca được đánh giá cao tại vòng bán kết bị loại, nhiều khán giả đã nản lòng để xem chương trình đến hồi kết. Các dự đoán sớm đã được đưa ra với Top 4 cũng như các vị trí xếp hạng đã được khán giả tự “sắp đặt” từ sớm cũng đồng nghĩa với việc chương trình đã mất đi một lượng khán giả ngay từ đây.
Thực tế, kết quả đêm chung kết không chỉ phản ánh một đêm thi mà phản ánh cả quá trình thi của mỗi thí sinh. Và không còn phải bàn cãi nhiều về sở trường, sở đoàn của Top 4 khi ai cũng có mặt hay và dở trong từng phần thi, từng đêm thi từ vòng loại.
Tuy nhiên, trong đêm chung kết, không thể phủ nhận phần thi của Đình Phước khá mờ nhạt về hình ảnh, Phương Anh chỉ được ghi nhận là tiến bộ còn Cao Công Nghĩa và Trung Quang đều có sự đầu tư khá công phu về mọi mặt. Điều đó, ít nhiều ghi điểm cho họ chiến thắng.
Trung Quang gửi lời cảm ơn đến mọi người trong đêm chung kết
Một khán giả cũng đã sớm nhận định, dường như dù mạnh về số lượng thí sinh nhưng huấn luyện viên Quang Linh đã “nhìn xa trông rộng” khi anh chọn bài cho thí sinh của mình trong đêm chung kết khá an toàn. Tại sao ở một đêm thi chung kết, cần bứt phá nhất mà huấn luyện viên lại chọn sự an toàn cho thí sinh nếu không phải vì sự thay đổi hơn nữa cũng không đem lại kết quả gì?
Còn khách quan, nếu không phải vì những tin nhắn, vì sự kết hợp “hoàn hảo” với Phương Mỹ Chi, vì sự "bê đỡ" của huấn luyện viên Đan Trường thì liệu Trung Quang có xứng đáng với ngôi vị này?
Nếu ai ghi nhận giọng ca mang màu sắc bolero nhất phải là Đình Phước thì cũng không có nghĩa Đình Phước xứng đáng với vị trí quán quân. Bởi 3 giọng ca còn lại, chẳng mấy ai “thuần chất” bolero thực sự khi tất cả đều hợp nhạc trẻ, đều gây được ấn tượng hơn ở những phần trình diễn bolero kèm vũ đạo.
Cũng vì thế, "bỏ ngoài tai" những góp ý về dàn dựng cho đến trang phục, có lẽ chương trình cũng muốn khán giả thấy rằng, chương trình không muốn “bị chết” khi sử dụng từ “bolero” để gọi tên Thần tượng Bolero.
Cho nên dù tên gọi chương trình vẫn còn gây tranh cãi, sự tranh cãi còn có thể “liên đới” cả quán quân khi khán giả cho rằng một người trẻ như thế thì làm sao có thể hát bolero hay được mà lại tôn vinh? Thì như một sự khẳng định “ngầm”, điều mà chương trình muốn hướng tới chính là dù ai chiến thắng, thì những thí sinh có mặt trong cuộc thi này đã phần nào góp phần tạo dựng nên một lớp thế hệ sẽ kế cận các bậc tiền bối dòng nhạc bolero trong tương lai. Và tất nhiên, sự kế thừa đó mang tính phát huy, có thay đổi.
Đó cũng là điều dễ thấy khi format chương trình thể hiện rõ mục đích tạo dựng một hình ảnh mới cho bolero, đặc biệt là trong phong cách trình diễn chứ không hề “cổ điển” theo lối cũ của bolero như khán giả từng được nghe cách đây hàng thập niên.
Thế nên, xét một cách toàn diện cho Trung Quang, từ hình ảnh, âm nhạc, tuổi trẻ, khả năng truyền cảm hứng thì nếu khán giả không bình chọn cho Trung Quang tuyệt đối, thì đó cũng là sự lựa chọn của số đông để có được một “hậu duệ” cho dòng nhạc bolero trong tương lai. Và như một số nhận định, hát bolero không cần có quá nhiều kỹ thuật mà cần sự luyến láy, cần có cái tình để đi vào lòng người thì điều này, ít nhiều Trung Quang dù còn rất trẻ, dù còn chưa có nhiều trải nghiệm với đời nhưng đã có lúc cũng "chạm" tới khán giả.
Yến Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất