06/11/2016 21:44 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Khi Master of Symphony 2015 lần đầu tiên xuất hiện, chính trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình vào tháng 11 năm ngoái, liên tục 3 đêm, khiến không ít người yêu nhạc Việt bật lên câu hỏi “Tại sao?”.
Bởi lúc ấy, liveshow đang bão hòa ở phía Nam và thị trường biểu diễn đã tản mác. Ít ai tin được rằng Nhà hát Hòa Bình lại có thể sáng đèn vì một liveshow âm nhạc, mà tận 3 đêm liên tiếp.
Và khi những tràng pháo tay vang lên liên tục suốt ba đêm diễn thì tất cả đã chứng minh những phép thử “bộ ba”: Cao Trung Hiếu, Hoài Sa, Trần Nhật Minh đưa ra là hoàn toàn có lý. Những gía trị, khi được đặt đúng điểm rơi, vẫn có thể phát huy hiệu quả.
Lần đầu tiên, 5 nữ danh ca Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà cùng xuất hiện trên một sân khấu được xếp đặt cầu kỳ và trang trọng, không kém phần tinh tế, đẳng cấp. Đó không chỉ là những đêm diễn thăng hoa mà còn là viêc gợi lại những ký ức của một thời nhạc trẻ hoàng kim, được kể xuyên suốt và liền mạch tại một nơi mà sự nghiệp của 5 giọng hát được tôn vinh: TP.HCM.
Ở đó, với ý tưởng không chỉ đơn thuần là âm nhạc, mà còn như biểu tượng cho những giá trị trở về, đã đưa Master of Symphony 2015 trở thành một trong những chương trình ca nhạc được chú ý nhất trong năm. Và nó cũng đã giúp cho “bộ ba” đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhạc sĩ Hoài Sa và nhạc trưởng Trần Nhật Minh trở thành một ê-kíp ăn ý từ ý tưởng cho đến sản xuất.
"Bộ ba" quyền lực của "Master of Symphony", từ trái qua: Nhạc sĩ Hoài Sa, nhạc trưởng Trần Nhật Minh và đạo diễn Cao Trung Hiếu
Sự thành công của chương trình này bắt nguồn từ ý tưởng đưa những giá trị trở về của Cao Trung Hiếu và sau đó là thay “lớp áo mới” trong phần hòa âm của nhạc sĩ Hoài Sa giúp những bài ca cũ bỗng sinh động và hiện đại hơn.
Tất cả những bài hát trong chương trình đều cũ. Nó chỉ khác đi là được thay bằng lớp hòa âm mới đậm chất đương đại của Hoài Sa. Và trong chiếc áo mới, cả 5 giọng ca đều cho thấy họ biến báo và hợp thời ra sao.
Và nếu thiếu đi Trần Nhật Minh, sự giao thoa độc đáo giữa nhạc nhẹ và giao hưởng sẽ không có chất xúc tác để bay cao.
Vì thế cho nên khi Master of Symphony 2016 được công bố chính thức, công chúng yêu nhạc lại tin rằng, “bộ ba” này sẽ lại làm nên những điều bất ngờ.
Cao Trung Hiếu – Trẻ tuổi nhưng không trẻ nghề
Cao Trung Hiếu không phải là “tay mơ” của showbiz Việt. Được đào tạo bài bản về mỹ thuật cộng với sự nhạy cảm, tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc đã giúp Hiếu cân bằng rất tốt các sáng tạo của mình, sao cho vừa tai, vừa mắt nhất với số đông khán giả khó tính.
Và những thẩm mỹ tinh tế, không phải đạo diễn nào cũng có được đó, đã giúp Cao Trung Hiếu phát huy rất tốt trên sân khấu ca nhạc, khi mỗi chi tiết, mỗi vệt sáng đều xuất hiện hợp lý. Sân khấu của Cao Trung Hiếu luôn được xem là chuẩn mực và đầy thu hút.
Tại Master of Symphony 2016, ý tưởng của Cao Trung Hiếu tiếp tục phá cách khi mang lên sân khấu 6 giọng ca của 3 thế hệ. Nếu năm ngoái những giọng ca tham gia tạo thành một tổng thể thống nhất, liền một khối đồng điệu trong cách trình diễn, hòa âm thì năm nay Cao Trung Hiếu đưa ra tinh thần khác hẳn, là sự kết nối của nhiều thế hệ trong một điểm chung âm nhạc. Ở giữa điểm chung ấy, những năng lượng sẽ được phát tỏa.
Cả 6 giọng ca Tuấn Ngọc, Ý Lan, Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Tùng Dương và Uyên Linh tưởng rằng sẽ đối lập nhau về màu sắc âm nhạc nhưng sẽ lại rất hòa quyện cùng nhau.
Hoài Sa – Phù thủy âm nhạc
Hoài Sa vẫn luôn là một nhạc sĩ hòa âm giỏi nhất hiện nay. Những bản hòa âm lần đầu được anh giới thiệu tại The Master of Symphony 2015 nhận không ngớt lời khen ngợi từ các ca sĩ thể hiện. Tất cả những ai đã có dịp làm việc với anh, đều dành cho anh những “lời có cánh”. Giọng ca gạo cội Tuấn Ngọc, vốn là một người rất kiệm lời và thận trọng trong từng phát ngôn của mình, đã nhận định Hoài Sa là nhạc sĩ hòa âm phối khí số 1 Việt Nam hiện nay và mỗi lần công tác với Hòa Sa, ca sĩ Tuấn Ngọc đều rất an tâm.
Và với một chương trình nghệ thuật như The Master of Symphony, Hoài Sa luôn mong muốn mang đến những màu sắc âm nhạc đặc biệt hơn những gì đã thể hiện: tinh tế, đẳng cấp và đỉnh cao.
“Màu sắc âm nhạc năm nay sẽ đa dạng hơn, có những mảng màu đối lập nhau nhưng lại sẽ rất hòa quyện với nhau”, nhạc sĩ Hoài Sa cho biết. Sự “hòa quyện” này sẽ được nhấn vào những mảng miếng song ca, tam ca, tốp ca mà như lời đạo diễn chương trình, Cao Trung Hiếu, là “những sự kết hợp đặc biệt, ấp ủ những màn song ca có thể ghi dấu ấn”.
Trần Nhật Minh – Nghiêm khắc đến từng chi tiết
Trần Nhật Minh, chỉ huy hợp xướng, nhạc trưởng trẻ tuổi, tài năng và rất năng động của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO), đã cùng Hoài Sa kiến tạo nên những bản phối hòan toàn mới, phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp của dàn nhạc nhẹ với dàn giao hưởng, của nhạc pop và nhạc cổ điển, của sự đương đại và hàn lâm tại The Master of Symphony 2015.
Trần Nhật Minh tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Magnitogorsk, tốt nghiệp Thạc sĩ âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), chuyên ngành chỉ huy hợp xướng. Sau khi tốt nghiệp, Nhật Minh đã từng mơ ước về một dàn hợp xướng Việt cùng những chương trình nghệ thuật mang tính đương đại nhưng vẫn phô bày được hết những vẻ đẹp, điều kỳ diệu từ âm nhạc cổ điển.
Một chương trình mang tính đại chúng mà vẫn đảm bảo được “chất lượng vàng” cho nhạc cổ điển như The Master of Symphony là điều mà Nhật Minh muốn thử sức nhiều nhất và dành cho nó thật nhiều tâm huyết.
Trần Nhật Minh cho biết anh vốn là người rất nghiêm khắc, không chịu được sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm nên khi bắt tay vào làm điều gì, anh luôn muốn làm tới cùng với tất cả sự cố gắng.
Với những gì đã diễn ra của Master of Symphony vào năm 2015, một lần nữa hãy đón xem bộ ba siêu đẳng Cao Trung Hiếu – Hoài Sa – Trần Nhật Minh sẽ vượt qua áp lực ngoạn mục như thế nào tại The Master of Symphony 2016.
Lê Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất