24/12/2020 18:53 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Thị trường đấu giá nghệ thuật năm 2020 tạo ra một tiền lệ mới, khi hầu hết các cuộc đấu giá đều diễn ra trên trực tuyến. Có điều, những nhà sưu tầm giàu nhất thế giới lại không coi đó là rào cản. Họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để trở thành chủ sở hữu của những tác phẩm nghệ thuật mà mình coi là đáng giá.
Tuy nhiên, nếu đánh giá dựa trên mức giá các bức tranh được mua tại các cuộc đấu giá, thị trường năm nay thì vẫn kém đáng kể so với năm 2019. Năm ngoái, 9 trong số 10 tác phẩm đắt nhất đều đạt hơn 50 triệu USD nhưng năm nay chỉ có 2 tác phẩm đạt giá mức giá này.
Ngày và địa điểm diễn ra đấu giá cũng thể hiện tính chất bất thường của năm nay, khi mà thị trường châu Á (vốn ít bị “khóa” hơn) đã có những tác phẩm đạt giá cao đặc biệt.
Dưới đây là 10 tác phẩm nghệ thuật đạt giá cao nhất năm.
1. Triptych Inspired by the Oresteia of Aeschylus (1981) - Francis Bacon
Tác phẩm này đạt giá 84,6 triệu USD tại cuộc đấu giá trực tuyến được Sotheby’s truyền trực tiếp từ Hong Kong (Trung Quốc), London (Anh) và New York (Mỹ) vào hôm 30/6. Được cung cấp bởi một quỹ liên kết với tỷ phú Na Uy Hans Rasmus Astrup, người đã mua lại nó vào năm 1987, tác phẩm đồ sộ này chưa từng xuất hiện trong cuộc đấu giá nào trước đó.
Khi Bacon tung ra Triptych vào năm 1981, nhiều người coi đây là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của ông. Nhưng có thông tin cho rằng tác phẩm đã được mua bán trước khi được đấu giá. Đó có thể là lý do tại sao nó thua xa tác phẩm đạt giá cao nhất của Bacon - Three Studies of Lucian Freud – được mua với giá 142,4 triệu USD hồi năm 2013.
Mặc dù nhu cầu tương đối mỏng, Triptych đã chứng minh một tác phẩm nghệ thuật giá trị 8 con số có thể bán qua một cuộc đấu giá trực tuyến trong thời điểm thị trường hỗn loạn. Cuối cùng, chiếc búa đã được gõ xuống sau khi một người trả giá qua điện thoại.
2. Ten Views of a Lingbi Rock (1610) – Ngô Bân
Tác phẩm của họa sĩ tranh phong cảnh đời Minh Ngô Bân đã đạt giá 512,9 triệu NDT (76,6 triệu USD) tại cuộc đấu giá được hãng Poly tổ chức ở Bắc Kinh vào hôm 18/10.
Bức tranh cuộc này mô tả 10 góc nhìn một phiến đá từ huyện Linh Bích ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc. Năm 1989, nó trở thành bức tranh Trung Quốc đạt giá triệu USD đầu tiên được bán tại Sotheby’s.
Vào ngày 18/10, Poly Auctions ở Bắc Kinh lại đấu giá bức tranh nhưng với giá gấp hơn 75 lần. Theo The Value, bức tranh đã châm ngòi cho một cuộc chiến đấu giá kéo dài gần 1 giờ và mức giá cuối cùng khiến nó trở thành bức tranh cổ Trung Quốc đắt nhất từng được bán.
3. Nude With Joyous Painting (1994) - Roy Lichtenstein
Bức tranh này đạt giá 46,2 triệu USD tại cuộc đấu giá được phát trực tuyến từ Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), London (Anh) và New York (Mỹ) vào hôm 10/7.
Mặc dù đã được đổi chủ nhiều lần sau khi được Phòng trưng bày Leo Castelli bán lần đầu, tác phẩm này chưa từng xuất hiện trong cuộc đấu giá trước đó và đạt được kết quả đấu giá cao thứ 3 trong số các tác phẩm của Lichtenstein cho đến nay.
Theo nhiều nguồn tin, người bán là cựu Giám đốc điều hành UFC Lorenzo Ferttita. Sau một cuộc chiến trả giá kéo dài, bức tranh đã được một khách hàng Hong Kong trả giá cao hơn, sau khi giám đốc giáo dục của Christie’s tại châu Á, Elaine Kwok “bước vào cuộc chiến” với giá 37 triệu USD.
4. Nichols Canyon (1980) - David Hockney
Bức tranh này đạt giá 41 triệu USD khi được hãng Phillips New York tổ chức đấu giá vào ngày 7/12.
Tâm điểm trong cuộc đấu giá gần đây của Phillips New York là những tác phẩm thể hiện sự tình yêu của David Hockney đối với California, trong đó mô tả lộ trình làm việc hàng ngày của nghệ sĩ khi ông sống ở Hollywood Hills.
Trước đây, các nhà sưu tầm nghệ thuật từng “săn lùng” các cảnh vẽ hồ bơi của Hockney (như bức tranh lập kỷ lục đấu giá cho nghệ sĩ vào năm 2018, bán với giá 90 triệu USD) và các bức tranh mô tả các cặp đôi, thì giờ họ lại tìm kiếm những bức tranh vẽ phong cảnh của ông.
Chính vì vậy mà chiếc búa đã được gõ xuống cho khách hàng trả giá 35,5 triệu USD, vượt qua giá ước tính là 35 triệu USD.
5. Five Inebriated Princes Riding Home (TK 13 – 14) - Ren Renfa
Tác phẩm này đạt giá 39,4 triệu USD tại cuộc đấu giá do Sotheby’s Hong Kong tổ chức vào ngày 8/10.
Không có gì ngạc nhiên khi cuộn giấy màu quý hiếm này - mô tả 5 vị hoàng tử của đời Đường đang cưỡi ngựa - đã được Bảo tàng Long ở Thượng Hải mua lại.
Người sáng lập của bảo tàng, Lưu Ích Khiêm, từng trả giá cao nhất cho nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại. Lần này, việc mua tranh diễn ra sau cuộc chiến đấu giá kéo dài 75 phút và hơn 100 lượt đặt giá. Mức giá cuối cùng vượt xa mức ước tính là 15,5 triệu USD. Sau khi trở thành người sở hữu bức tranh, Lưu Ích Khiêm tiết lộ ông đã để tuột tác phẩm này do trả giá thấp hơn khi nó được chào bán ở Bắc Kinh 4 năm trước.
6. Untitled (Bolsena) (1969) - Cy Twombly
Bức tranh này đạt giá 38,7 triệu USD khi được hãng Christie’s tổ chức đấu giá ở New York vào ngày 6/10.
Tác phẩm này nằm trong loạt 14 bức tranh được Twombly được tung ra vào năm 1969, khi ông đang ở Palazzo del Drago thuộc phía Bắc Rome. Bức tranh được vẽ bằng dầu, bút sáp màu và bút chì trên nền trắng son ấm. Tác phẩm đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ trong chuỗi các bức vẽ màu xám đất tối mà Twombly đã bắt đầu vẽ từ năm 1966.
Hồi tháng 5/1992, bức tranh này đã đạt giá 1,65 triệu USD nhưng lần này được bán với giá 38,7 triệu USD, vượt qua mức ước tính thấp nhất là 35 triệu USD.
7. Quatre Nus (1950) - Sanyu
Bức tranh này đạt giá 33,3 triệu USD khi được Sotheby’s Hong Kong tổ chức đấu giá vào ngày 8/7.
Nghệ sĩ Pháp gốc Hoa Sanyu đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu quốc tế, ngang hàng với Henri Matisse (người ông thường được so sánh). Là thành viên của Trường phái Paris từng phát triển mạnh trong bối cảnh nghệ thuật Pháp thời hậu chiến, Sanyu thường vẽ tranh khỏa thân. Bức tranh này mô tả 4 phụ nữ và đánh dấu một sự khởi đầu trong phong cách của ông.
Quatre Nus trước đó đã được đấu giá tại Christie’s Hong Kong vào năm 2005 với giá 2,1 triệu USD.
8. Untitled (1967) - Mark Rothko
Tác phẩm này đạt giá 31,3 triệu USD tại cuộc đấu giá do Christie’s tổ chức ở New York vào ngày 6/10.
Bức tranh nền đỏ thẫm này là một trong số những tác phẩm được cho là do doanh nhân tỷ phú Ronald Perelman ký gửi, người bị đồn là đã bán hết tác phẩm nghệ thuật và các tài sản lớn khác trong năm nay.
Tác phẩm ra đời từ giai đoạn đầy mơ ước trong sự nghiệp của Rothko.
Bức tranh này đã được đấu giá gần đây nhất là hồi năm 1998 với giá 1,2 triệu USD.
9. Complements (2004–20007) - Brice Marden
Bức tranh này đạt giá 30,9 triệu USD tại cuộc đấu giá One của Christie’s hôm 10/7.
Bức tranh với những đường nét uốn lượn này đến từ tài sản của cựu Chủ tịch hội đồng quản trị MoMA (Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại) Donald Marron. Chủ tịch của Christie’s, Alex Rotter, đã cố gắng giành được tác phẩm này.
Complements đánh dấu một kỷ lục đấu giá mới cho Marden, hơn gấp 3 lần mức giá cao trước đó của ông là 10,9 triệu USD - được thiết lập vào tháng 11/2019.
10. Onement V (1952) - Barnett Newman
Tác phẩm này đạt giá 30,9 triệu USD khi được Christie’s đấu giá vào hôm 10/7. Đây là 1 trong 2 bức tranh trong loạt tranh mang tính bước ngoặt của họa sĩ, bắt đầu với Onement I được ông vẽ hồi 1948.
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, sở hữu Onement I và Onement III (1949), gọi Newman là “một trong những nghệ sĩ trí tuệ nhất của Trường phái New York, bao gồm các nghệ sĩ như Helen Frankenthaler, Willem de Kooning, Lee Krasner và Robert Motherwell. Với việc hoàn thành Onement I, “Newman đã tìm thấy tiếng nói của mình” - MoMA tuyên bố trong tiểu sử của nghệ sĩ trên trang web của Bảo tàng.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất