Giải thưởng Trần Văn Giàu: Lãi suất từ 1.000 lượng vàng luôn mong... có người nhận

19/09/2015 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Giải thưởng mang tên GS Trần Văn Giàu lấy lãi suất hàng năm từ 1.000 lượng vàng để trao nhưng bị gián đoạn nhiều lần vì không có công trình khoa học xứng tầm.

Sau giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 6 - 2011 trao cho tác phẩm Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến do GS Đặng Phong và Nguyễn Thị Vân chủ biên, giải thưởng này gián đoạn vì không có công trình chất lượng để trao tiếp; dù sinh thời GS Trần Văn Giàu mong muốn giải thưởng mang tên ông được trao hàng năm cho hai lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử và Lịch sử tư tưởng của vùng đất Nam bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).

Tiêu chuẩn cao, khắt khe

Hôm qua 18/9, Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 7 - 2015 đã được trao cho công trình Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ, từ khởi thủy đến năm 1945 của nhóm tác giả Trần Đức Cường (chủ biên), Võ Sĩ Khải, Nguyễn Đức Huệ, Lê Trung Dũng với giá trị giải thưởng 180 triệu đồng.

Công trình này được NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2014 và được các thành viên trong Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu, đánh giá: “nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ từ khởi thủy đến 1945, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc”.

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu, phát biểu: “Lúc sinh thời, GS Trần Văn Giàu luôn tâm đắc và mong mỏi có người kế tục sự nghiệp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và vùng đất Nam bộ, song hơn 10 năm qua vẫn chưa có tác phẩm nào xứng tầm, đoạt giải. Đến năm nay mới có tác phẩm nói trên lấp khoảng trống này. Vì thế công trình này có vị trí khá đặc biệt”.

Điều lệ Giải thưởng Trần Văn Giàu đề ra tiêu chuẩn khoa học cao, khắt khe nên số công trình gửi về dự giải không nhiều và ngày càng ít đi. Theo thống kê của Ủy ban giải thưởng này, thì lần đầu có 43 tác phẩm dự giải, sau đó ít dần còn 14, rồi 7, rồi 5 công trình. Chưa kể là nhiều công trình gửi về dự giải đã phạm quy. Như trong 43 tác phẩm gửi về dự giải Trần Văn Giàu lần đầu, thì có đến 34 tác phẩm không hợp lệ.

Nhưng sẵn sàng đầu tư

Giải thưởng Trần Văn Giàu được thành lập ngày 15/1/2002, thể theo nguyện vọng của GS Trần Văn Giàu, dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng ở vùng đất Nam bộ và Cực Nam Trung bộ, được trao vào tháng 9 hàng năm. Kinh phí vận hành giải thưởng này lấy từ lãi suất hàng năm của 1.000 lượng vàng gửi ngân hàng để trao giải.

1.000 lượng vàng này có được từ việc GS Trần Văn Giàu bán đi ngôi nhà của ông. Thế nhưng, từ năm 2002 đến nay, Giải thưởng bị gián đoạn nhiều lần do tác phẩm dự giải ít và không đạt chất lượng. Cụ thể các năm 2007, 2008, 2012, 2013, 2014 không có công trình nào đủ chất lượng để nhận giải.

Chưa kể theo nguyện vọng của GS Trần Văn Giàu, giải thưởng mang tên ông còn trao cho cả lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử tư tưởng nhưng sau 13 năm với 7 lần trao giải, vẫn không có công trình nào đạt được. Dù ủy ban giải thưởng đã nhiều lần gợi ý đề tài nghiên cứu Lịch sử tư tưởng Nam bộ và hứa hẹn đầu tư nếu có người dám nhận thực hiện.

Cụ thể, sau khi trao giải thưởng lần 4 - 2009, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu có hẳn một gợi ý gồm nhiều “gạch đầu dòng” để những ai quan tâm tìm tòi nghiên cứu Lịch sử tư tưởng. Chẳng hạn như Lịch sử tư tưởng không chỉ có trong triết học mà còn có ở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cũng như tư tưởng của các danh nhân quê Nam bộ, như: Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thông, Ngô Nhân Tịnh… cùng các tác phẩm văn học nổi tiếng về đất và người Nam bộ. Nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn còn để trống.

Lâu nay, nhiều giải thưởng ở ta luôn than phiền về kinh phí để duy trì và giá trị giải thưởng bằng hiện kim không cao. Trong khi giải thưởng mang tên Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động, GS Trần Văn Giàu (1911 - 2011) luôn có sẵn kinh phí, trị giá giải thưởng cao ngất luôn mong có người nhận, thì lại rất ít người và rất khó đủ khả năng để nhận được. Đến độ kinh phí “tồn đọng” đã lên đến con số tiền tỷ.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm