11/12/2019 06:56 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Lễ hội Âm nhạc quốc tế - “Hò dô” 2019 sẽ diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 13 đến 15/12. Đây là lễ hội âm nhạc đại chúng đầu tiên của TP.HCM, lễ hội được UBND Thành phố đưa vào chương trình tổ chức “những ngày lễ lớn”.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện cùng Tổng đạo diễn của lễ hội - nhạc sĩ Huy Tuấn.
* Anh có thể cho biết công tác chuẩn bị cho chuyên môn của Lễ hội Âm nhạc quốc tế - “Hò dô” 2019 đến nay như thế nào rồi?
- Hiện giờ chúng tôi đang lắp đặt các công đoạn cuối cho sân khấu ở đường Nguyễn Huệ và đón tiếp các đoàn nghệ sĩ quốc tế. Nhóm Vocal Tempo đến từ Tây Ban Nha sẽ đến đây vào ngày hôm nay (10/12), Các đoàn tiếp theo cũng đang đáp các chuyến bay từ châu Âu và châu Mỹ, dự kiến ngày 12/12 sẽ có mặt gần đầy đủ các nghệ sĩ quốc tế, một số nghệ sĩ đến muộn nhất vào ngày 14/12.
Chúng tôi đang có một sự chuẩn bị công phu nhất, bởi đây là một lễ hội có quy mô nhất mà tôi từng tham gia. Hy vọng mọi thứ suôn sẻ để có thể mang đến cho khán giả TP.HCM một lễ hội âm nhạc đầy màu sắc.
* Những đêm trình diễn của lễ hội có phản ánh tương đối đầy đủ các dòng nhạc mà khán giả đang quan tâm (pop, điện tử, rock, rap/hip-hop…) không? Tiêu chí âm nhạc của lễ hội là gì?
- Tiêu chí của chúng tôi chính là mang đến cho khán giả một bữa tiệc phong phú về màu sắc âm nhạc. Rất nhiều các thể loại âm nhạc đặc sắc từ nhiều nước trên thế giới mà nếu muốn bạn phải có dịp ra nước ngoài mới có thể thưởng thức được trọn vẹn. Đây cũng chính là điểm đặc sắc mà chúng tôi muốn mang đến cho khán giả Việt Nam, cơ hội để cho những trái tim yêu nhạc khám phá thêm những nhịp điệu, giai điệu mới mẻ cho tâm hồn.
* Theo anh, điều cơ bản khác nhau giữa lễ hội và một show diễn thông thường là gì?
- Tôi nghĩ hiện nay phần lớn chúng ta đang thưởng thức các show diễn theo kiểu vì thích một ngôi sao nào đó. Còn một lễ hội âm nhạc thì rất khác. Ở đó, vai trò của một ngôi sao cũng chỉ là một cái cớ rất nhỏ nếu đem so sánh với chính cái không khí hồ hởi được cộng hưởng từ các nghệ sĩ, từ khán giả trong cùng một không gian, diễn ra nhiều giờ.
Chính sự phong phú của các thể loại và đa dạng thành phần nghệ sĩ tham gia khiến chúng ta cởi mở hơn với những sự bất ngờ mà trước đó chúng ta chưa từng được trải nghiệm và thưởng thức.
Với một sân khấu mở, các nghệ sĩ cũng phấn chấn và trình diễn với một tâm thế khác rất nhiều so với không gian nhà hát, họ tự do hơn, phóng khoáng hơn và ngẫu hứng nhiều hơn cũng bởi sự tương tác và cộng hưởng từ không khí mà khán giả đem lại.
* Anh có áp lực gì khi làm tổng đạo diễn một lễ hội âm nhạc tại thị trường thuộc vào bậc nhất cả nước? Những khó khăn mà BTC gặp phải là gì?
- Khó khăn lớn nhất đấy chính là quy mô sản xuất của lễ hội Hò dô. Chúng tôi không có nhiều kinh phí để chuẩn bị một cách hoành tráng nhất nhưng đặt mục tiêu là mọi thứ phải tươm tất. Được sự ủng hộ hết mình của UBND TP.HCM, Sở VH,TT cùng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố, nhưng chúng tôi đối diện với rất nhiều bỡ ngỡ của lần đầu tổ chức, bù lại, tất cả đều dốc hết sức và quyết tâm.
Về mặt chuyên môn thì tôi rất tự tin với sự lựa chọn của mình sau một thời gian kinh qua một số các festival âm nhạc trên thế giới, học hỏi thêm nhiều từ Monsoon tại Hà Nội mà tôi nghĩ họ đã có kinh nghiệm và đang tổ chức nó một cách rất chuyên nghiệp.
Với tư cách là một công dân thành phố này, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi cùng với các đối tác dồn tâm huyết cho lễ hội này, chỉ có một áp lực nho nhỏ là vấn đề thời gian, các chương trình diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ không được quá 22h30, trong khi đó thì các nghệ sĩ thường trình diễn khá ngẫu hứng dễ vượt quá thời gian quy định.
* Sân khấu, âm thanh ánh sáng có thể hiện được sự hiện đại đúng tầm với một TP.HCM hiện đại không? Cụ thể như thế nào?
- Chúng tôi có các nhà cung cấp thiết bị hàng đầu Vệt Nam tham gia trong lễ hội này, bản thân họ cũng tự chủ động nâng cấp thiết bị để xứng tầm với chuẩn quốc tế. Nhiều ban nhạc nước ngoài lúc đầu cũng khá nghi ngại về trang thiết bị tại Việt Nam, nhưng sau khi họ biết được những thiết bị chúng ta đang có thì không còn ai băn khoăn gì nữa.
Ví dụ nhà cung cấp Showtech nâng cấp bộ âm thanh L’acoustic lên chuẩn K2 bằng đúng chuẩn tour diễn thế giới của các nghệ sĩ lừng danh như Adele, Bruno Mars… ngay trước thềm của lễ hội Hò dô, để biết rằng không chỉ có âm nhạc mà chính các nhà cung cấp trang thiết bị cũng háo hức hòa mình vào chuẩn quốc tế.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Hữu Trịnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất