Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V: Khoảnh khắc của mồ hôi và máu

20/05/2017 07:19 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Với bộ ảnh Những khoảnh khắc để lại, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là gương mặt duy nhất được tôn vinh với giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực nhiếp ảnh tại Lễ trao giải diễn ra vào ngày mai, 20/5.

Đã có quá nhiều bài báo và tư liệu được chia sẻ về ông - một trong hơn 260 liệt sĩ của TTXVN. Và với những gì để lại, nhà báo Lương Nghĩa Dũng cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi được truy tặng cả 2 giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật: Giải thưởng Nhà nước (năm 2007) và Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.

Đoạt giải với những bức ảnh pháo thủ

Cũng cần nhắc lại, Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng gắn liền với bức ảnh nổi tiếng Đấu pháo ở Dốc Miếu. Trong khuôn hình, giữa những loạt pháo dồn dập trút xuống trận địa pháp từ căn cứ Dốc Miếu (Vĩnh Linh), hai pháo thủ của quân giải phóng đang hối hả nạp đạn và đạp cò để bắn trả, khiến đất cát, cây lá cùng tung lên trong một cơn lốc lửa. Bên cạnh dấu ấn từ sự khốc liệt của chiến tranh, cú bấm máy ấy còn cho thấy độ nhạy cảm về nghề nghiệp của Lương Nghĩa Dũng, khi ghi lại một khoảnh khắc thú vị: hai pháo thủ trong ảnh vội tới mức không kịp đội mũ sắt để chống mảnh đạn.

Chú thích ảnh
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng tại mặt trận đường 9 Nam Lào

Để rồi, tại Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, sự nhạy cảm ấy lại được lặp lại với một tầm mức cao hơn ở Nữ pháo binh Ngư Thủy, một trong 5 bức ảnh của Những khoảnh khắc để lại. Cũng đầu trần, cũng hối hả đạp cò pháo để bắn trả tàu chiến Mỹ, hai cô dân quân Ngư Thủy (Quảng Bình) trong ảnh được ghi lại với mái tóc trần cũng những chiếc cặp ba lá bằng thép ẩn hiện trên đầu.

"Với Giải thưởng Nhà nước được trao năm 2007, nhiều người đã nghĩ rằng Đấu pháo ở Dốc Miếu là tác phẩm đỉnh cao trong những bức ảnh của Lương Nghĩa Dũng" - nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước của giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V, nhận xét. "Nhưng, cũng về một khoảnh khắc chớp nhoáng tới mức quên cả bản thân mình trong chiến tranh, Nữ pháo binh Ngư Thủy lại  thấp thoáng có thêm cả nét đẹp nữ tính của những cô gái Việt Nam...".

Kể từ khi bắt đầu theo nghề cho tới khi ngã xuống ở tuổi 38, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng chỉ có vẻn vẹn 6 năm tác nghiệp trong vai trò một phóng viên chiến trường TTXVN. Thế nhưng, hơn 2.000 bức ảnh mà ông để lại đã là quá đủ để đánh giá về con mắt sắc sảo và tư duy nhạy cảm của một nhà nhiếp ảnh trong chiến tranh. "Nhiều tay máy phương Tây thừa nhận với tôi: các tác phẩm của anh Dũng không hề thua kém những bức ảnh quốc tế xuất sắc nhất về chiến tranh" - ông Thành kể.

Chú thích ảnh
Tác phẩm" Lửa vây máy bay Mỹ" của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng

Từng chết hụt 20 lần

Và, bên cạnh năng khiếu bẩm sinh, sức hút từ những bức ảnh mà ông để lại chỉ có thể giải thích bằng một lý do duy nhất: sự dũng cảm của một phóng viên thời chiến.

Cùng là những phóng viên chiến trường của TTXVN, ông Chu Chí Thành từng có một thời gian dài là đồng đội của nhà báo Lương Nghĩa Dũng. Và sự dũng cảm ấy, qua lời kể của ông, có thể khái quát bằng một con số đặc biệt: trước khi hy sinh vào năm 1972, liệt sĩ này đã chết hụt tới 20 lần.

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng: ‘Những khoảnh khắc để lại’

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng: ‘Những khoảnh khắc để lại’

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (Thông tấn xã Việt Nam) ­vừa được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cụm ảnh 'Những khoảnh khắc để lại'.

Trong 5 bức ảnh mang lại Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Lương Nghĩa Dũng, Nữ pháo binh Ngư Thủy chính là một trong những lần chết hụt ấy, khi mảnh bom phạt đứt đầu võng của ông. Tương tự, để có được bức ảnh Lửa vây máy bay Mỹ, Lương Nghĩa Dũng từng treo lại đài quan trắc radar tại trận địa cao xạ ở Hải Dương vào tháng 7/1967 và bị hất xuống đất tới ngất xỉu vì sức ép của bom và tên lửa.

Rồi, để có bức ảnh Xốc tới, chụp cảnh các chiến sĩ đội mũ tai bèo đang ôm súng truy kích trên con đường ngổn ngang xác giặc, Lương Nghĩa Dũng đã có nhiều ngày đi cùng để chụp ảnh các trận đánh của đại đội Lê Mã Lương, đơn vị mũi nhọn tại mặt trận đường 9 năm 1971…

Đi khắp chiến trường và hy sinh ở tuổi 38, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng không có điều kiện để tham gia những... cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế. Đó là lý do để Giải thưởng Hồ Chí Minh đến với ông một cách khá lận đận, sau khi dư luận phản ứng về những bất cập, cứng nhắc từng có trong tiêu chí chấm giải.

TTXVN bày 17 tác phẩm ảnh đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước 

TTXVN bày 17 tác phẩm ảnh đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước 

Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức trưng bày 17 tác phẩm ảnh của 14 tác giả đã đạt được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước từ năm 1996 cho đến nay.

Để rồi bây giờ, nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng của TTXVN đã được đặt vào một vị trí xứng đáng với những bức ảnh được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và cả cuộc sống của mình!

Tôn vinh các phóng viên ảnh của TTXVN

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, TTXVN hiện có 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh là của cố tác giả Lâm Hồng Long  (trao năm 2006) và liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Kèm theo đó là 12 giải thưởng Nhà nước của các tác giả Văn Bảo; Vũ Tạo; Đinh Ngọc Thông; Văn Sắc; Trần Bỉnh Khuôl; Trương Hanh Phong, Võ An Khánh, Lương Nghĩa Dũng, Chu Chí Thành, Lê Minh Trường, Ha Kiểm, Lâm Tấn Tài.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm