Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 6): Uyên Trinh – hạnh phúc với những vai phụ

15/04/2020 19:19 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Gần 70 tuổi, bà vẫn gắn bó với công việc. Luôn hết lòng mỗi khi nhận vai, dù cả đời bà chỉ đóng vai phụ, lồng tiếng cũng chỉ dừng lại ở các vai phụ. Nhưng không phải ai cũng được như bà, có ngày thoại trên cả chục phim, mỗi vai chỉ vài câu, nhưng hóa thân vào các nhân vật từ bà lão ăn mày, cho đến bà hội đồng quyền uy. Đó là nghệ sĩ Uyên Trinh, cựu diễn viên của Đoàn kịch nói Kim Cương.

Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 5): Thùy Lan - Nghề lồng tiếng cũng có ngôi sao!

Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 5): Thùy Lan - Nghề lồng tiếng cũng có ngôi sao!

Đi theo nghề lồng tiếng từ năm 1984 nhờ sự phát hiện của đạo diễn Hồng Phúc, đến nay nghệ sĩ Thùy Lan đã tham gia hơn 100 phim lớn hoặc dài tập, nổi bật nhất có: "Con thú tật nguyền", "Anh hùng Núp", "Đồng tiền xương máu", "Giông tố cuộc đời"… và mới nhất là "Tiếng sét trong mưa".

Với phương châm đi chậm mà chắc, từng vai diễn, từng sô lồng tiếng được bà chắt chiu, gìn giữ. Vì: “Biết đâu mai này, sau đại dịch, sẽ không còn nhiều sô để làm. Bây giờ ở nhà mà cứ mong sớm đẩy lùi bệnh dịch để ra sân khấu, đến phim trường, đến phòng thu âm” - Uyên Trinh xúc động.

Vai phụ là thế giới ẩn chứa nhiều tâm sự

Trên thực tế, đã có nhiều diễn viên nổi tiếng, từng đi lên từ những vai diễn phụ và nhờ đóng vai phụ mà tên tuổi được khán giả chú ý. Nghệ sĩ Uyên Trinh nhắc ngay đến Hiếu Hiền - con trai của cố nghệ sĩ Kim Ngọc - một diễn viên hài, trước đó chỉ đi theo mẹ tấu hài, thân nhìn nhỏ nhắn, gương mặt không phải là đẹp trai, thế nhưng nhờ vai anh Hều bán bong bóng chân chất, dí dỏm trong phim Bỗng dưng muốn khóc rất được lòng khán giả, bỗng dưng nổi tiếng.

Nghệ sĩ Uyên Trinh không phải là ngôi sao, bà đến với nghề tình cờ như việc đi chợ mua rau, mua cá. Học xong trung học, nhà không khá giả, bà đi học may, mong muốn được làm cô thợ may để phụ giúp cha mẹ, nhưng rồi tình cờ ban kịch truyền hình lúc đó tuyển người, thế là bà đăng ký dự thi cho vui. Không ngờ được chọn, sau đó lại gắn bó với Đoàn kịch nói Kim Cương.

Sở hữu ngoại hình hiền lành, cộng với khả năng diễn xuất tốt, bà luôn được giao các vai phụ. Từ vai cô giúp việc, vai em chồng của nhân vật chính, vai người hỏi thăm đường… đến vai kiểu “bà lão hái thị” trong kịch dân gian Tấm Cám. Nghĩa là những vai không có thời lượng bao nhiêu, chỉ xuất hiện ngắn ngủi, nói vài ba câu thoại là hết. Thế nhưng Uyên Trinh đã biết biến những vai phụ này trở nên ấn tượng, trở thành bậc thang đưa bà đến với vị trí chuyên đóng vai phụ xuất sắc trong những phân đoạn nóng của kịch, phim và cả công đoạn lồng tiếng.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Uyên Trinh

Bà đã gắn bó với sân khấu của Đoàn kịch nói Kim Cương, diễn trong nhiều vở kịch nổi tiếng của thương hiệu này như Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Lá sầu riêng, Lôi Vũ, Con nai đen rừng Đế Thích, Người tình trễ xe, Vực thẳm chiều cao, Dưới hai màu áo… Còn phim thì vô số, không thể kể hết, từ phim chiếu rạp, phim truyền hình cho tới phim ngắn, tiểu phẩm.

Bà nói: “Có thể thấy trong một bộ phim truyền hình dài tập, mỗi vai diễn là một mảnh ghép để tạo nên một chỉnh thể. Tôi cho rằng thế giới của vai phụ chứa đựng rất nhiều nỗi niềm, nếu nghiên cứu sẽ thấy đó là một nhân vật có mối liên kết với các nhân vật chính. Thế nên, thành công của một bộ phim là từ một tập thể, chứ không riêng cá nhân nào. Nếu diễn viên nào cũng đòi hỏi nhân vật của mình phải có nhiều đất diễn, thì ai sẽ đóng những vai còn lại? Cũng như ai cũng giành lồng tiếng cho vai chính, thì vai phụ ai sẽ lồng? Nhờ biết cách nghiên cứu trong diễn xuất, nên vai nào tôi cũng diễn được, độ tuổi nào tôi cũng dấn thân, trải nghiệm”.

Xem lại, lắng nghe chính mình để phát triển

Liên hệ thực tế, nghệ sĩ Uyên Trinh nhận định, trong không ít bộ phim như Mùi ngò gai, Tuyết nhiệt đới, Cá rô anh yêu em, Ngày ấy mình đã yêu…, những vai phụ nổi bật đã góp phần giúp hiệu ứng khán giả tăng lên đáng kể. Ngay cả với người lồng tiếng, bà đánh giá cao khả năng ứng biến khi những nghệ sĩ thoại tiếng cho nhân vật phụ cũng phải rất có nghề.

Bà nói: “Có diễn viên trẻ từng đóng nhiều vai chính nhưng không ngại nhận vai phụ và để lại ấn tượng mạnh về diễn xuất, có tính chất đột phá. Vừa rồi, diễn viên Lê Bê La là một trường hợp điển hình, cô tạo được hiệu ứng rất tốt về diễn xuất qua vai phụ tên Hiểm của phim Tiếng sét trong mưa. Rất nhiều nghệ sĩ đang được yêu thích với vai chính lại chấp nhận đóng vai phụ, thì tôi cho rằng đó là một diễn viên muốn được làm mới chính mình, biết cách khai thác để vai diễn mới trong mắt khán giả”.

Chú thích ảnh
NS Uyên Trinh (trái) và Tú Trinh. Ảnh: Thanh Hiệp

Nghệ sĩ Uyên Trinh cho rằng người diễn viên không nên xem thường vai phụ, phải biết tìm phim đã đóng để xem lại rồi lắng nghe ý kiến khán giả, đồng nghiệp mà phấn đấu. Biết nhìn lại chính mình, không ngại vất vả chê đất diễn ít.

“Bởi, đây là cơ hội mang đến cảm giác mới mẻ cho khán giả thông qua hình ảnh khác biệt trên phim. Trong các câu chuyện bi kịch, vai chính thường là người chịu đựng, đa số vai phụ dễ tạo dấu ấn hơn” - bà chia sẻ.

Bà cũng nhìn nhận, nếu trước đây diễn viên trẻ chỉ cần có ngoại hình đẹp là sẽ được “châm chước” về diễn xuất. Nhưng hiện nay, diễn viên có ngoại hình đẹp thì tốt rồi, nhưng vừa đẹp vừa diễn xuất hay mới được khán giả đón nhận, nhớ lâu. Khổ nhất là nhiều bạn trẻ phát âm sai, nên công đoạn lồng tiếng rất vất vả.

“Tôi nghĩ, đã là diễn viên thì cái chính là hiệu quả diễn xuất. Thoại sai hoàn cảnh quy định, sai tính cách. Phát âm không chuẩn nên lồng tiếng rất khó hay, không thể nhân đôi hiệu quả nghệ thuật. Vai phụ tuy xuất hiện ít vẫn đòi hỏi diễn viên phải có sự thể hiện tốt nhất. Vào một vai phụ để khán giả nhớ đến mình mới là một bài toán khó. Với bản thân tôi, vai diễn nào cũng có sự thăng hoa riêng, nếu biết cách khai thác triệt để thì vai diễn đó sẽ là điểm nhấn. Và khi đã có chìa khóa sáng tạo để khai thác được thì dù là vai phụ vẫn có thể nổi bật, tỏa sáng không thua kém vai chính”.

Trong 40 năm theo nghiệp diễn viên và lồng tiếng, đảm nhận nhiều tuyến nhân vật khác nhau, bà luôn cố gắng mang đến nhiều màu sắc mới lạ. Bà luôn nhìn lại con đường đã đi để rút kinh nghiệm, để sửa sai, rồi có lời khuyên các diễn viên trẻ nào chịu học hỏi, để họ giảm bớt áp lực khi phải cạnh tranh, sân si về nghề.

Bà cho biết thêm, trước đây và hiện nay đều vậy, cát-sê của vai phụ vẫn rất thấp, không thể giúp diễn viên trang trải được cuộc sống, nên bà đã sớm làm thêm nghề lồng tiếng. Nhưng nếu có diễn xuất tốt thì vai phụ sẽ đắt sô, được mời đóng nhiều phim, kịch, từ sàn diễn đến truyền hình. Nhờ vậy độ tiếp cận khán giả của bà càng rộng rãi. Và chỉ khi được nhiều khán giả biết đến thì diễn viên đóng vai phụ mới có thể đi đường dài với nghề như con đường bà đã đi qua.

“Hạnh phúc của nghề lồng tiếng là khi bước ra đường, nhiều người nghe tiếng nói của mình là đã nhận ra vai này vai kia trên phim, như vậy là quá đủ rồi” - Uyên Trinh trải lòng.

(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai)

Thà đói chứ không “cứu” những ca quá dở

* Bà có hài lòng với cuộc sống hiện tại?

- Từ khi ông xã tôi qua đời – ông cũng là nhân viên của Đoàn kịch nói Kim Cương - tôi ít nhận sô lắm. Cảm thấy trống vắng, vì lúc trước, khi nào đi diễn, đi quay đều do ảnh chở đi. Vợ chồng bên nhau, gắn bó, giờ đi làm vì mưu sinh, vì cuộc sống, nhưng vẫn thấy thiếu vắng anh ấy. Tôi chỉ có một con trai, bây giờ cháu lớn rồi, cũng đi làm, có thu nhập để lo cho mẹ, cháu cứ khuyên tôi nên nghỉ, tuổi cao không nên nhận nhiều vai, nhiều việc. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình.

* Nếu quay lại thời kỳ đầu, bà có chọn con đường trở thành diễn viên chuyên đóng vai phụ và lồng tiếng?

- Mình chỉ mơ ước chứ biết đâu sẽ được chọn lựa. Ai cũng mong mình làm nghệ thuật sẽ nổi tiếng, sẽ đứng hàng đầu danh sách minh tinh được yêu mến. Nhưng tổ nghề này linh thiêng lắm, luôn có cách phân bổ công bằng. Hễ được cái này, mất cái khác. Trên đỉnh cao danh vọng hoặc ở dưới danh sách chuyên vai phụ, mỗi thứ hạng đều có cái giá, mỗi cái giá đều có những hy sinh.

Tôi tin mình sẽ chọn, nếu có kiếp sau, một cái nghề lương thiện, tử tế như chính những vai phụ mà tôi đóng, có tố chất hiền lành, chịu khó, y như cuộc đời tôi vậy.

* Bà có mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng hiện nay?

- Như tôi đã nói, diễn viên bây giờ đóng phim sitcom nhiều, nghĩa là lấy trực tiếp lời thoại của họ, thì việc rèn luyện giọng nói chuẩn, phát âm đúng ngữ điệu, ngữ cảnh rất quan trọng. Không thể xem thường, không chịu động não nghiên cứu. Có một hệ lụy nữa là diễn viên biết sẽ có người lồng tiếng nên cứ thoại dính chữ, phát âm sai, chưa kể bỏ qua nhiều lời thoại có trong kịch bản, đến khi người lồng tiếng nhận vai diễn đó, có người ngồi khóc ròng, vì quá cực.

Mà tội lắm, chúng tôi lồng cực nhọc như thế, cát-sê thì rất thấp, nhưng phải sửa tới sửa lui, thậm chí phải diễn lại bằng lời nói cho vai diễn gốc tạm hoàn chỉnh. Nếu phim không làm cẩu thả, đạo diễn không vì lợi ích cá nhân, chọn diễn viên quá kém, thì người lồng tiếng đã không quá cực khổ phi lý. Nói tóm lại, tôi mong người lồng tiếng hãy thẳng thắn từ chối, thà đói chứ không “cứu” những ca quá dở, cứ thế sẽ làm cho phim Việt tụt dốc.

*Xin cảm ơn bà!

(Còn nữa)

Thanh Hiệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm