24/11/2019 07:59 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trải qua những biến thiên của lịch sử, Huế từ vị trí kinh đô của Nhà nước phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã thành cố đô, bị tàn phá do chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, một nửa trong tổng số các di tích kiến trúc nghệ thuật ở khu vực Đại Nội đã trở thành phế tích.
Quá trình đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trong kinh thành Huế gắn liền với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là khi Khu di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 1993. Cho đến nay, khoảng 130 công trình di tích lớn, nhỏ đã được trùng tu, tôn tạo. Cơ sở hạ tầng ở các khu di tích đã được đầu tư nâng cấp; hệ thống sân vườn được tu bổ, xây dựng hoàn thiện.
Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế triển khai 16 dự án tu bổ, bảo tồn các di tích với tổng nguồn vốn bố trí trên 100 tỷ đồng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá, các di tích ở Cố đô Huế được tu bổ đều đảm bảo những nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế về bảo tồn di sản thế giới. Công tác bảo tồn di tích Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Với những giá trị nổi bật toàn cầu, di sản văn hóa Huế luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tăng cường hợp tác với nhiều đơn vị của UNESCO cùng với các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Hà Lan… thực hiện nhiều dự án trùng tu, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực trong công tác bảo tồn di sản.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động bảo tồn di tích, công tác nghiên cứu phát hiện những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn cũng đạt được kết quả quan trọng. Hiện nay, Huế có 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế. Đồng thời, Huế còn đồng sở hữu hai Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới là Nghệ thuật bài chòi, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Nghệ thuật ca Huế đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn di sản đang tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch. Năm 2019, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định, dự kiến sẽ đón khoảng 4,8 triệu lượt khách vào cuối năm, vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu từ ngành Du lịch của địa phương trong năm nay ước đạt 4.800 tỷ đồng.
Đỗ Trưởng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất