Phim 'Ông ngoại tuổi 30': Cảm giác dễ chịu, hứa hẹn bán vé 'được'

03/04/2018 07:27 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Công chiếu từ ngày 30/3, phim Ông ngoại tuổi 30 (đạo diễn: Võ Thanh Hòa) được Việt hóa từ kịch bản rất nổi tiếng của Hàn Quốc là Scandal Makers (2008). Dù phiên bản Việt chưa thể là một cú hích mới của thị trường, nhưng nhìn chung phim cũng mang đến cảm giác dễ chịu.

Với những phim làm lại (remake), sự đánh giá thường được đặt trong mối tương quan so sánh với phiên bản gốc. Phim hay thì được coi là lẽ đương nhiên, vì bản gốc đã thành công. Còn nếu ngược lại, sẽ nhận “cơn mưa” lời chê. Rất may, Ông ngoại tuổi 30 không nằm ở vế thứ 2, khi đã tạm giải quyết được bài toán có hài hước, bất ngờ và cả xúc động.

Ca sĩ Trịnh Thăng Bình: nhân tố mới

Nội dung phim, với khán giả vốn hâm mộ điện ảnh Hàn Quốc có lẽ đã quá tỏ tường. Còn với khán giả mới, cũng đơn giản trong vài dòng ngắn ngủi: Chàng phát thanh viên điển trai nổi tiếng Sơn Huy ở tuổi ngoài 30 có một cuộc sống sang trọng đáng mơ ước, có cô người yêu xinh đẹp và nóng bỏng. Cho đến một ngày, cuộc sống mỹ mãn đó bị xáo trộn khi một cô gái trẻ đem theo cậu con trai nhỏ đến nhận anh là cha cô và biến Sơn Huy trở thành ông ngoại bất đắc dĩ.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Trịnh Thăng Bình lần đầu đóng vai chính

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất, chắc chắn là Trịnh Thăng Bình khi anh lần đầu được giao đảm nhận vai chính trong dự án điện ảnh - vai Sơn Huy. Chính bởi ẩn số đó, phần xuất hiện của anh nhận được khá nhiều sự bất ngờ. Theo tiết lộ của đạo diễn Võ Thanh Hòa, anh không chọn một ngôi sao cho vai diễn này vì muốn nhân vật cần có thời gian nghiên cứu, thẩm thấu kịch bản kĩ. Bình đáp ứng được điều đó.

Có lẽ vì vậy nên vào phim, cảm giác vai diễn Sơn Huy mang đến cho khán giả sự nhẹ nhàng, dễ chịu bởi Bình không chỉ đẹp về tạo hình, phục trang. Bình cũng có những nét duyên điện ảnh nhất định khi cố gắng biến hóa qua các trường đoạn cảm xúc khác nhau. Dĩ nhiên, vai diễn này có phần quá sức với một tay ngang chưa có kinh nghiệm như Bình, nên sự nội tâm, gai góc chưa được lột tả sắc nét. Đôi lúc Bình vẫn gồng và diễn bằng cơ mặt, hình thể.

Nhưng, sự lựa chọn Trịnh Thăng Bình cho vai Sơn Huy khi kết hợp với Kiều Trinh vai cô con gái xem ra khá tương xứng, bởi cả hai đồng đều về diễn xuất. Kiều Trinh đã phần nào cho thấy sự tự nhiên, dễ thương, dù xét một cách nghiêm khắc, cô chưa thể chạm được đến chiều sâu mà nhân vật cần có. Dẫu sao, đây cũng có thể coi là bước tiến đáng ghi nhận với nữ diễn viên trẻ này.

Có lẽ nhân vật sáng nhất trong phim chính là cháu ngoại do bé Gia Bảo thể hiện. Kinh nghiệm đóng các TVC quảng cáo khiến Gia Bảo dạn dĩ trong từng khung hình và gần như, chiếm trọn trái tim khán giả bởi sự lém lỉnh, láu cá. Dàn diễn viên phụ do Hoàng Phi, Hoàng Rapper, Huỳnh Lập, Hoàng Sơn... là những điểm sáng đáng ghi nhận, trong khi Hạ Vi, Lou Hoàng vẫn chưa để lại nhiều ấn tượng.

Chú thích ảnh
Dù là phim Việt hóa, nhưng “Ông ngoại tuổi 30” vẫn còn nhiều màu sắc Hàn Quốc

Thiếu chi tiết đắt giá

Dù khá trung thành với kịch bản gốc, nhưng phim cũng được Huỳnh Lập hiệu chỉnh kịch bản và thêm vào đó một vài tình tiết, gia giảm lời thoại để trở nên duyên dáng. Tuy nhiên, do phần đầu câu chuyện khá dài, trong khi cao trào và giải quyết vấn đề ở phía sau khá nhanh, nên chưa tải hết được nút thắt là điều đáng tiếc. Mặt trái của showbiz, không biết có phải do cố tình gia giảm, nên chưa cho thấy sự khó khăn, khốc liệt.

Giống như nhiều phim làm lại, nhìn chung Ông ngoại tuổi 30 cũng có nhiều khung hình đẹp hơn đời thật, đặc biệt ở đoạn cuối. Chỉ tiếc một số cảnh có sự tranh tối tranh sáng rõ rệt, hình chưa được xử lý tinh tế, nên khung hình thiếu sự mượt mà. Âm nhạc trong phim cũng thể hiện sự trau chuốt và đồng điệu với nội dung. Bài Ước gì được phối lại cho tươi mới, bài Tâm sự tuổi 30 do Trịnh Thăng Bình sáng tác và hát.

Dù được gọi là phim Việt hóa, nhưng Ông ngoại tuổi 30 chưa có chi tiết nào đủ đắt để làm bật lên chất Việt. Từ bối cảnh, phong cách ăn mặc cho đến ứng xử, lối sống của nhân vật... vẫn còn đậm màu sắc Hàn Quốc. Dẫu sao, với một đạo diễn trẻ (1989) như Võ Thanh Hòa, giải quyết được bài toán làm lại như Ông ngoại tuổi 30 cũng đáng khích lệ. Nhìn ở khía cạnh bán vé, phim này hứa hẹn có những tín hiệu khả quan.

Mùa Tết bội thu, 4 phim Việt cán mốc 110 tỷ đồng

Mùa Tết bội thu, 4 phim Việt cán mốc 110 tỷ đồng

Với tổng doanh thu tạm ước tính hơn 110 tỷ đồng, 4 phim Việt công chiếu dịp Tết gồm "Siêu sao siêu ngố", "798Mười", "Về quê ăn Tết", "Đích tôn độc đắc" đã tạm hoàn tất vai trò của mình, dù niềm vui có thể chỉ được một nửa.

Ngọc Lan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm