Thế hệ vàng cải lương: NSƯT Bảo Quốc, từ giải Thanh Tâm đến 'đệ nhất danh hài'

18/09/2019 16:57 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nói đến Bảo Quốc là người ta nghĩ ngay đến hai chữ “hiền lành”. Ông hiền đến mức lạ lùng và trời đã ban cho ông một gia đình đầm ấm cũng lạ lùng. Vợ, con, cháu, chắt thành một đại gia đình gắn bó yêu thương, mà trong đó đã có nhiều gương mặt quen thuộc với làng nghệ thuật.

Thế hệ vàng cải lương: NSND Ngọc Giàu - 'Con nhỏ' ở Thủ Thiêm có giọng ca trời phú

Thế hệ vàng cải lương: NSND Ngọc Giàu - 'Con nhỏ' ở Thủ Thiêm có giọng ca trời phú

Ngọc Giàu là một cô đào cải lương rất duyên. Bà không chỉ nổi tiếng trong các vai đào thương, mà còn bước sang lĩnh vực hài một cách ngon lành. Bà đóng cải lương, đóng kịch, đóng phim đều hấp dẫn như nhau.

NSƯT Bảo Quốc sinh năm 1949 tại xã Thái Hiệp Thạnh (nay thuộc TP Tây Ninh) là em cùng mẹ khác cha với NSƯT Thanh Nga, nhưng cha của ông là nghệ sĩ Năm Nghĩa mới chính là người dạy dỗ, dìu dắt Thanh Nga đi vào con đường nghệ thuật.

Người con ưu tú của dòng dõi Thanh Minh

Nghệ sĩ Năm Nghĩa là kép cải lương nổi tiếng, khi chắp nối với bà bầu Thơ đã thương yêu những đứa con riêng của bà như con ruột, và là người thầy đầu tiên dẫn các con bước vào thánh đường sân khấu.

Hữu Thình (cha của NSƯT Hữu Châu) và Thanh Nga lớn lên trong vòng tay ấm áp của ông và trong những hò xự xang xê cống. Sau đó tới Bảo Quốc (là con chung với bà bầu Thơ) cũng được ông “kềm kẹp” để đưa vào nghề.

Chú thích ảnh
NSƯT Bảo Quốc trong vở "Nỏ thần". Ảnh: H.K

Bảo Quốc nói: “Nói ba kềm kẹp tôi là đúng đó. Bởi thiệt tình là lúc đó tôi không có ham hát, chỉ ham đá banh thôi. Ba tôi dạy ca, mà tôi cứ lo ra nên trật nhịp, bị ông đánh miết. Sau này tôi mới chịu tập dợt tử tế”.

Quả nhiên, huy chương vàng Thanh Tâm đã đến với ông vào năm 1967. Như vậy, gia đình Thanh Nga đã có hai giải Thanh Tâm (Thanh Nga nhận giải đầu tiên vào 1958).

Về sau, khi Thanh Nga mất, Bảo Quốc đã tiếp nối theo chị làm rạng danh dòng dõi của mình. Ông không chỉ đóng cải lương, mà ông còn chuyển sang đóng kịch, đóng phim, cực kỳ đắt sô và được mệnh danh là “đệ nhất danh hài”.

Đúng hơn, ông đã đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất hài từ nhân vật Chương Hầu trong vở Tiếng trống Mê Linh. Không ai trong đoàn nghĩ rằng ông lại có duyên hài đến thế. Từ đó mọi người “bắt” ông đóng hài luôn, như vai Tất Đạo trong vở Bên cầu dệt lụa, Bùi Kiệm trong Kiều Nguyệt Nga, Y xì ke trong Bóng tối và ánh sáng… Khi đoàn Thanh Nga giải thể, ông mới đi diễn bên ngoài và càng thành công rực rỡ.

Chú thích ảnh
Bảo Quốc, Kim Tử Long, Hồng Loan trong trích đoạn “Điêu Thuyền”. Ảnh: H.K

Có giai đoạn ông chạy sô không kịp thở, cứ bước lên sân khấu là khán giả vỗ tay trước đã. Ông hài duyên lắm, với gương mặt bầu bĩnh, phúc hậu, ông thường khắc hoạ những nhân vật ngây thơ, ngơ ngác trước cái xấu của cuộc đời.

Ông nói: “Tôi đóng vai ác hơi khó. Chắc tại cái mặt. Đạo diễn cứ cho tôi đóng vai hiền, vai khờ hoài”. Nhưng cái khờ của nhân vật không phải là ngu, mà chỉ hồn nhiên thôi, làm đối trọng để bật lên cái xấu, cái ác của cuộc đời.

Nhớ vai ông chồng hờ trong vở Mướn chồng (sân khấu Phú Nhuận), Bảo Quốc quá dễ thương khi đứng bên cạnh NSND Hồng Vân và bằng những ngây ngô nhưng chân thành, tha thiết, ông đã cảm hóa được người đàn bà mạnh mẽ ấy và họ đã yêu nhau thật sau bức màn hôn nhân giả tạo.

Cánh đồng gió lại là một bài thơ tuyệt đẹp về những mối tình chất phác, mà trong đó Bảo Quốc khắc họa một ông nông dân suốt đời lẽo đẽo đi theo người mình yêu, xem mà cười rồi chảy nước mắt.

Chú thích ảnh
NSƯT Bảo Quốc và NSND Hồng Vân trong vở “Cánh đồng gió”. Ảnh: Thanh Hiệp

Nhưng tài năng Bảo Quốc không dừng lại ở đó. Một lần, ông thử làm mới mình bằng một vai phản diện, khán giả bất ngờ không tưởng tượng nổi. Nhân vật Nhan Tấn trong vở Nỏ thần không hài một chút nào, mà khốc liệt, nham hiểm, mưu sâu kế độc nhằm làm sụp đổ cơ đồ của An Dương Vương.

Nhan Tấn lợi dụng lúc vua quan và dân chúng Âu Lạc mải vui với cảnh thanh bình, hắn tìm cách luồn sâu vào nội bộ, dùng tiền bạc, gái đẹp, rượu thịt mua chuộc mọi người rơi vào sa đoạ, hưởng thụ, mất cảnh giác, thậm chí chia rẽ lẫn nhau vì quyền lợi, đâm ra lực lượng suy yếu, từ đó quân của Triệu Đà tiến công vào xâm chiếm.

Nhan Tấn mới chính là kẻ đục khoét nội lực Âu Lạc một cách hiệu quả hơn cả Trọng Thủy. Bảo Quốc diễn xuất sắc, với từng chi tiết tỉ mỉ, với thần thái thông tuệ, sâu sắc, với uy lực mạnh mẽ, đầy đặn.

Một kẻ thù như thế mới là đối trọng với An Dương Vương. Trước nay ta thường khắc hoạ kẻ thù như những kẻ hữu dũng vô mưu là sai lầm. Kẻ thù cũng có người thông minh, sắc sảo, ăn học, uy dũng chứ.

Bảo Quốc xây dựng nhân vật đúng như vậy, để chúng ta nhận ra một điều là không nên coi thường quân giặc. Chính vì coi thường, chủ quan, mà An Dương Vương mất nước. Một bài học đau đớn. Có thể nói vai này là một trong những đỉnh cao của Bảo Quốc.

Ông có quá nhiều giải thưởng, từ Thanh Tâm cho đến Danh hài, Cù Nèo Vàng, Mai Vàng, Tôn vinh nghệ sĩ, tổng cộng mười mấy giải, bởi có những giải ông được trao đến mấy lần. Bảo Quốc quả xứng đáng dòng dõi Thanh Minh - Thanh Nga.

Chú thích ảnh
Bảo Quốc, Hồng Vân, Anh Vũ trong vở “Thị Mầu”. Ảnh: H.K

Gia đình đầm ấm

Gia đình NSƯT Bảo Quốc nổi tiếng đầm ấm. Trên Facebook luôn thấy hình ảnh hai ông bà quấn quít bên nhau, cùng nhau đi ăn, đi dạo, đi du lịch. Thật sự đây là một cuộc hôn nhân hoà thuận, không tai tiếng rất hiếm hoi trong làng showbiz.

Bà Thủy vợ ông là một phụ nữ đảm đang, chu đáo, có khả năng quán xuyến gia đình để ông rảnh rang tâm trí mà lo làm nghệ thuật. Lúc hai ông bà còn mở nhà hàng tiệc cưới, thì bà quản lý chặt chẽ, tạo nên một tài sản lớn cho con cháu. Khi thôi làm nhà hàng, thì bà tập trung chăm sóc ông để ông đi hát, khi ông đau bệnh.

Đến nhà chơi, thấy bà chăm ông như chăm… em bé. Ông cười hi hi: “Giờ tui sướng lắm, uống thuốc có người lo, ăn uống có người lên thực đơn, mà bảo mẫu này khó dữ lắm nghen, cãi không được, phải răm rắp làm theo thôi”.

Ông đúng là hạnh phúc trong vòng tay của vợ, chả phải lo lắng chuyện gì ngoài chuyện diễn xuất cho thật hay. Bà thường nói vui: “Ai biểu có chồng nghệ sĩ! Nếu để ổng bận tâm những chuyện lặt vặt trong nhà thì ổng không còn tâm trí cho tác phẩm”. Ông hay nói: “Vợ tôi đúng là một hậu phương vững vàng cho tôi chiến đấu”.

Hai ông bà có con trai, cón gái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đủ cả. Ai cũng sự nghiệp ổn định, khá giả, và gần như định cư hết ở Mỹ. Hai ông bà cũng cho thuê căn biệt thự to đẹp của mình, sang Mỹ ở với cô con gái Hồng Loan. Năm nào ông bà cũng về nước chơi dịp Tết, dịp hè, có khi ông kết hợp diễn luôn theo lời mời của các chương trình. Thời gian ở Mỹ, ông cũng biểu diễn thường xuyên, cải lương lẫn kịch nói. 70 tuổi, ông vẫn đủ sức đứng trên sân khấu với cái tâm và tài không hề thay đổi.

Vui nhất là cô con gái Hồng Loan nối nghiệp cha, đi hát và dựng chương trình cho các đài truyền hình ở Mỹ, thêm đứa cháu nội là diễn viên Gia Bảo vừa nổi tiếng trong làng hài vừa là một ông bầu mát tay. Hậu duệ của ông xem ra cũng thành công rực rỡ.

(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai)

Thế hệ sau phải thoát khỏi cái bóng của cha anh

* Ông có hài lòng về cuộc sống hiện nay không?

- Trời cho tôi nhiều hơn tôi ao ước. Lúc má tôi là bà bầu Thơ qua đời, cả nhà tôi rơi vào khó khăn vất vả, anh chị em tôi cũng có lúc phải buôn bán để bươn chải qua ngày. Thật sự lúc đó buồn lắm. Nhưng rồi vận hạn cũng qua, chúng tôi trở lại với sân khấu, hiểu rằng mình không thể làm nghề nào khác hơn là nghề hát.

Tổ nghiệp thương, mình cứ hát bằng cả tấm lòng rồi cũng khá dần lên. Cho đến giờ này cha, con, chồng, vợ chúng tôi được sống trong cảnh này thì không còn ao ước gì nữa.

Nhìn lên mình chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống mình còn hơn bao nhiêu người. Cho nên tôi và bà xã có một niềm vui là làm từ thiện. Nói ra không phải để khoe, mà ý rằng chúng tôi chia sẻ với người khác để đền ơn trời Phật đã ban cho mình phước báu như vầy, mình không nên giữ riêng mà phải chia sẻ ra.

* Nếu được quay về thời nổi tiếng xưa kia, ông sẽ làm gì?

- Trời, làm gì ngoài chuyện đi hát chứ. Nhưng tôi thèm nhất là đá banh. Hồi còn trẻ tôi coi chuyện đá banh quan trọng hơn đi hát, nhiều lúc bị má tôi đánh, hoặc phạt. Vậy mà vẫn ham đá. Lớn một chút mới ham hát, nhưng vẫn đi đá thường xuyên với các nghệ sĩ. Giờ già rồi, hết đá nổi, chỉ còn hát thôi. Nhớ trái banh quá trời quá đất.

* Giờ đây ông có mong ước gì đối với các tác phẩm ngày xưa mình đã đóng?

- Tôi vui vì kỹ thuật hiện đại đã lưu giữ được những thước phim ghi lại các vở diễn xưa, coi như kỷ niệm của mình, còn đối với em, cháu diễn viên sau này thì cũng có tài liệu mà xem để rút ra những kinh nghiệm trong nghề. Nhưng không có nghĩa là em, cháu làm y vậy, hoặc không thoát khỏi cái bóng của thế hệ chúng tôi, mà phải cố gắng làm cho khác đi, hoặc hay hơn, như vậy cải lương mới không mai một, không dừng lại, mà phát triển dần lên. Cải lương nằm trong tay các em, các cháu, phải cố gắng vượt qua nhé.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm