24/03/2021 07:13 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Mỗi khi nhắc tới Nguyễn Huy Thiệp, tôi lại được "hồi quang" tới miền sáng thanh xuân những năm "tuổi 20 yêu dấu". Có nhiều trùng hợp thiên duyên giữa chúng tôi, những người đeo đẳng văn chương như lựa chọn duy nhất để sống trọn phận kiếp này. Làm gì có chuyện "mất đi", khi tiếng gầm, uy phong của "con hổ" ấy vẫn còn dư vang giữa rừng người náo động.
Trưa thứ Hai đầu tuần, 22/3/2021, tôi gọi số điện thoại của nhà văn. Hơn 20 năm, vô số biến động làm thất tán dữ liệu, phai mờ một phần trí nhớ, nhưng tôi vẫn thuộc làu 09122...20. Số vẫn hoạt động, bởi con trai ông vẫn giữ. Trùng hợp thế, lại là 20, với tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp: “Tuổi 20 yêu dấu”.
Còn nhớ, giữa chặng gian nan khốc liệt của tôi trên thi đàn, năm 2003, Nguyễn Huy Thiệp tung ra bài viết Hiện tượng Vi Thùy Linh. Ông không báo trước sẽ viết, mà chỉ nói: "Chú 50 rồi, thấy những trận liên hoàn đánh cháu, còn sởn gai, ngán ngại, huống hồ cháu mới 20...". Bản thân bài này là hiện tượng, bởi "Vua truyện ngắn" rất hiếm khi viết về tiểu luận, phê bình văn học và trước đó chưa từng viết về cây bút trẻ nào. Tôi vẫn tự hào Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết cho tôi.
Nguyễn Huy Thiệp không phải "giai phố cổ" như Nguyễn Việt Hà (sinh trưởng 38 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm), mà là trai làng cổ, làng Khương Hạ ven đô, như Nghĩa Đô, Thụy Khuê, Bưởi. Thủ đô chật ních dân tứ xứ, người ở ngay "lõi đất thánh" cũng chẳng còn mấy thanh lịch, hào hoa, nên muốn tìm người Hà Nội lâu đời, chỉ có ở những làng ngoại ô, kề cận.
Xóm Cò, làng Khương Hạ ấy, như nhiều làng của các quận phát triển sau, là làng trong phố, vẫn là ngõ quanh co nhiều gấp khúc, cua, rẽ, mới đến được nhà 71 ngõ 77 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Lối ngõ 20 năm, la liệt đường mới, nhà xây, tôi vẫn thuộc. Có dị bản thông tin về Nguyễn Huy Thiệp sinh ra ở Thái Nguyên. Không, ông sinh ra lớn lên ở chính ngôi nhà đã gắn bó đời mình đến hơi thở cuối. Đất từ thời ông bà để lại, Thái Nguyên chỉ là một trong số những nơi gia đình ông tản cư thời chống Pháp.
"Chú Thiệp ơi!" - đến cổng nhà, tôi cứ gọi váng lên, vừa chào, vừa reo, vừa báo hiệu để chủ nhà xích, canh chừng chó. Gọi tên chú, mà luôn có cô ra niềm nở đón từ cổng. Có lần chỉ có cô ra, còn chú thì khuất trong khu vườn cây cao um tùm, da ngăm đen hắt nắng chiều, mắt sáng đan cành xanh khế mọng. Vườn có nhiều cây ăn quả, hoa. Thích nhất là khi cô Trang tâm lý nói: Hai chú cháu cứ nói chuyện nhé, cô đi trảy khế cho Linh".
Làm sao quên những buổi trà đàm mà tôi ham học hỏi, nghe chú nói về chuyện đời, chuyện nghề, thủng thẳng những câu đúng như triết lý. Làm sao quên bữa cơm thanh lành đậu rán, rau vườn từ căn bếp nông thôn của cô Trang. Gọi là bếp nông thôn vì bếp kế khoảng sân để giặt giũ, rửa rau kề bể xi măng chứa nước mưa (lộ thiên) 15m3. Hiền hậu, chịu thương chịu khó, món thôn dã nấu ngon và nhanh, cách mời, lối sinh hoạt dung dị, gần gũi coi khách của chồng như người nhà, nên “hoàng hậu” thường giữ lại ăn cơm nếu khách không vội hoặc gần/ gặp bữa. Người nhà nên có gì ăn nấy, nhưng tiếp ân cần. Tôi trêu cô là "hoàng hậu", thì vợ của vua, mà vua này chẳng có ái phi, cung tần mỹ nữ, toàn chơi với bạn trai. Vua này chỉ vợ cái, con cột với người vợ tào khang Phan Thị Trang - đồng môn sư phạm.
Ngồi viết tay trên chõng tre, tiếp bạn bè chủ yếu trong khu vườn ấy, Nguyễn Huy Thiệp, vóc nhỏ, ăn vận chất phác, như ông từ, đừng nhầm là "hiền"! Điệu bộ thủng thẳng, hay cười tủm, có khi khề khà, văn tài chất ngất, hay nói lắp từ câu mở, đầu tiên. Phải khi đủ độ, vào chuyện thì được ngồi với ông, "lãi" ròng cho ai "trúng mạch". Hiểu biết thâm hậu, hóm hỉnh sâu cay. Văn học Việt Nam không có Azit Nexin (1915 - 1995), gần như tuyệt vắng tính giễu nhại. May có Nguyễn Huy Thiệp.
***
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đa tầng độc giả vì đầy chất liệu sống, từ đô thị đến làng quê, từ tướng, thường dân, thị dân, nông dân, nghệ sĩ, đồ tể...; từ đỉnh cao trí tuệ thâm thúy xuống mù chữ lưu manh. Nhân vật - bối cảnh đa dạng. Dù đã từng lắm cuộc tranh cãi nảy lửa, rốt cuộc, tất cả giới nghề và độc giả trong và ngoài nước đều thống nhất: Nguyễn Huy Thiệp là số 1, “vua truyện ngắn” Việt Nam thời Đổi mới.
Ông đặt tên truyện tài tình. Tư duy đa tầng, thông hiểu Kinh Dịch, diễn đạt hiện đại, biệt lạ, nên không gian tác phẩm dù khung cảnh đẹp thì vẫn có biên độ mở, chuyển dịch thời đại. Dù nặng hồi ức thời bao cấp, hay thức thời hôm nay, vẫn thấy mình, thời của mình trong đó. Là bởi ông dám trực diện lột tả "người Việt xấu xí", qua hành động, thoại, ý nghĩ. Lúc sương khói liêu trai, lúc chói chang trần trụi, khi ma mị ảo huyền, rồi lại mơ và thơ, lãng mạn nhà văn ít khi diễn tiến thoại bằng gạch đầu dòng. Lời nói, ý nghĩ của nhân vật nối nhau trong chuỗi tả. Đột ngột một câu "điểm huyệt" chết người. Tổng kết, đúc kết, triết lý, đúng và đáo để như thể ở trong "nội tạng" chúng ta, thậm chí "bóc mẽ" cả nhân vật lẫn độc giả. Là tự sự của nhân vật, có thể là lời của nhân chứng - người theo dõi - con mắt thứ 3.
Cách viết này hấp dẫn, chưa từng có trước ông, khó bắt chước như ông. Nên truyện Nguyễn Huy Thiệp rất Á Đông mà lại "tấn công" được vào châu Âu đề cao cách tân, đột phá. Nhân vật ít học, du côn, tha hóa, lột tả tận cùng cái ác, bỉ ổi, nham nhở, đối chọi thiện - ác, đẹp - xấu kịch tính liên tục, thổ lời lạnh lùng phũ phàng, thì vẫn đầy phút giây hướng thiện, khát vọng, đám lam lũ, thô lỗ, cục cằn cũng vẫn giữ phẩm tính người. Nhà văn thương phụ nữ, trẻ thơ và không ngừng nâng đỡ từ những giấc mơ.
Bởi vì chính Nguyễn Huy Thiệp tự nâng mình bay lên bởi giấc mơ. Ông tầm vóc nhờ tư tưởng trong tác phẩm.
***
Tôi sẽ không liệt kê những truyện ngắn đạt tầm xuất sắc, các giải thưởng quốc tế, số lượng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp dịch ra các thứ tiếng. Lưu lượng "thác lũ" không thể dồn đủ trong khuôn khổ bài này. Tôi muốn cuốn mình và cùng những người yêu mến văn ông, cuốn vào những ngọn gió của ông.
Gió ấy, khởi từ Hua Tát, Sơn La, nơi ông để gần 10 năm tuổi trẻ, trong vai trò thầy giáo (trường Bổ túc cán bộ). Nhà văn đã trở lại đây tháng 7/2018, do sự kết nối của thầy tôi - PGS-TS Ngô Văn Giá, trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa. Cùng đi có TS Mai Anh Tuấn - bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn học năm 2017, với đề tài "Tiếp cận tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn nhân học văn hóa" và PGS, TS Nguyễn Thị Bình, hướng dẫn luận án này - giảng viên của Đại học Sư phạm I Hà Nội, nơi vợ chồng nhà văn từng học. Thầy giáo Thiệp dạy trường Bổ túc cán bộ, học sinh hơn thầy chục tuổi trở lên.
Chàng trai Hà Nội Nguyễn Huy Thiệp ngày đó đã vứt bớt sách vì va li nặng quá, khi leo núi đường trắc trở, đi bộ rạc người. Thung lũng ấy, núi rừng ấy, những cơn đói, rét khốn khổ ấy không dập vùi, thui chột khát vọng của ông. Yêu Phan Thị Trang, chị lớp trên, cùng khoa Văn - Sử ra trường, 2 người phải xa nhau. Trang về Bắc Ninh dạy văn trường cấp 3 Tiên Du, Thiệp dạy lịch sử trên Sơn La. Họ nuôi tình yêu bằng thư và hy vọng ngày về Hà Nội.
Rồi cũng về, để cưới và lại lên đường, tiếp tục làm nghề giáo. Những năm "đói như hắc tinh tinh, như con vật ở địa ngục" không quật ngã được Thiệp. Anh rách chân đạp đá vào rừng chặt tre làm lán dựng trường. Anh đi bộ 26 km đến trạm xá nhổ răng, về đi bộ 26 km ê ẩm toàn thân, đến hôm sau mới biết bị nhổ nhầm răng... tốt. Nơi rừng thiêng nước độc, dùng nước lạnh nhiều, nên chưa già nhà văn đã ê buốt, hỏng răng, thập kỷ cuối đời nhai răng giả.
Trường Bổ túc đã không còn. Nhà văn rớm lệ khi gặp người quen cũ. Bao năm trở lại 1 lần, được du thuyền thăm lòng hồ Thủy điện Sơn La và trở lại trường cấp 3 Mai Sơn, nơi ông dạy hơn 2 năm trước khi được quay lại Thủ đô. Ở đây, ông làm công việc can bản đồ, bìa sách cho NXB Giáo dục.
Văn học Việt Nam hiện đại ra thế giới, ít ỏi, trong đó một phần được dịch do quan hệ. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp hội tụ nhiều đặc biệt. Nước ngoài biết đến ông bởi dư chấn từ Việt Nam.
Đến nay, số đông vẫn nhầm lẫn Nguyễn Huy Thiệp sáng tác muộn, tính theo mốc 1986, truyện ngắn đầu tiên in báo Văn nghệ. Không đúng. Thiệp xuất hiện, đăng đàn năm 36 tuổi, nhưng ông đã sáng tác truyện đầu tiên khi 21 tuổi - Trái tim hổ, ở nơi "khỉ ho cò gáy" ông viết, gom giữ lại, sau về Hà Nội, in thành tập Những ngọn gió Hua Tát. Trong các truyện đó, có Sống dễ lắm. Giễu nhại đấy. Khốn khổ, thiếu thốn lắm, làm gì có chuyện "dễ" đâu. Nhưng có câu: "Nhìn vào mắt trẻ con mà sống"!
Mắt trẻ con, là mắt con trai ông, thăm thẳm xa xôi - đốm sáng hy vọng vẫy gọi.
Sau khi cưới người bạn gái hiền thục hơn 3 tuổi, cô gái làng Vẽ (con gái thầy đồ, Trang mồ côi mẹ khi 3 tuổi), Nguyễn Huy Thiệp lại lên Sơn La. Bà Phan Thị Trang sinh con trai Nguyễn Phan Bách năm 1976 ở Hà Nội, rồi lại đưa con nhỏ sang Bắc Ninh tiếp tục dạy học. Thỉnh thoảng thăm vợ con, thầy giáo Thiệp từ huyện Mai Sơn (hơn 7 năm đầu ở bản Hua Tát, xã Cò Nòi) chỉ chắt bóp lương eo hẹp, mua măng, củi.
"Vốn liếng" dữ liệu vụ thuê thợ xẻ gỗ cho ông viết Những người thợ xẻ, năm 1998 đạo diễn Vương Đức làm phim nhựa (kịch bản gộp cả truyện Con gái Thủy thần). Đời như cuốn phim, li kì, kịch tính, nên Thiệp viết đầy chất điện ảnh, bởi thế mà các đạo diễn tài năng đã nhanh mắt nhanh tay đưa lên màn bạc.
Tướng về hưu (1988) của ĐD Nguyễn Khắc Lợi gây chấn động khi ĐD dũng cảm dùng chỉ tiết truyện làm phim con dâu tướng Thuấn, BS Thủy (Hoàng Cúc) lấy nhau thai ở BV Phụ sản về xay cho chó béc-giê ăn. Nổi tiếng đến mức, đọc và bàn luận về truyện Nguyễn Huy Thiệp thành khẩu vị thời thượng của cả trí thức lẫn thị dân từ Bắc vào Nam, cho tới hôm nay. Đến Thương nhớ đồng quê (1995), ĐD Đặng Nhật Minh viết kịch bản cũng không bỏ chi tiết vàng, và phim dự nhiều Liên hoan phim, nhận giải thưởng quốc tế. Đó là mở đầu cảnh Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) đi đón chị Quyên Việt kiều từ ga tàu, đèo về bằng xe đạp, đi qua cánh đồng làng quê. Cảnh Nhâm xuất tinh đầu đời trai khi nhìn chị Quyên tắm sông từ trong ruộng ngô xanh ngát.
Sau đó, Nguyễn Huy Thiệp về hưu non và không hề kèm "một cục" (tiền), không có lương hưu. Sinh con trai thứ Nguyễn Phan Khoa 30/1/1983 ở Bắc Ninh, trong khi con cả Bách được về Hà Nội năm 1980 với bố. Năm 1986, bà Trang và con trai út Khoa mới được đoàn tụ khi chồng xin cho chân sửa morasse ở NXB Giáo dục.
***
Bệnh tim mạch, tiểu đường huyết áp cao, bao năm sống bằng "lộc văn" từng tiệm, Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ kêu than khó nhọc, kể cả lúc ông bất lực, nản buồn. Ông bền gan, kiên cường bản lĩnh bằng sự trầm tĩnh đối mặt. Văn hiện đại, lại chơi thân với 2 ông làm thơ lục bát Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, cũng là cách để cân bằng.
Cú ngã 4/3/2020 giáng mạnh vào ông. Đôi bàn chân đi giày 40 - to so với khổ người, thời trai leo núi, từ lúc tập đã nhúc nhắc chống gậy trong sân, đến ngày liệt hẳn nửa người bên trái. Tai biến cố tập, vật lý trị liệu, thuốc và sữa cả triệu một ngày, cũng không trở về như cũ.
Ngày mưa 27/11/2020, bà Trang vội ăn trưa xong, kêu mệt, nằm ngủ và ra đi. Ngày mưa 20/3/3021 ngày Quốc tế hạnh phúc, Nguyễn Huy Thiệp đi theo vợ, về với ông bà, mẹ cha.
Nguyễn Huy Thiệp đã là một tượng đài của văn chương Việt Nam đổi mới. Dù ốm, dù không đi được, không nhận biết, không nói được và đến lúc lìa đời, vào chiều thứ Bảy hẹn hò, thì "con hổ" Thiệp vẫn nguyên vị thế, uy phong danh tiếng của một "chúa sơn lâm" tiếng gầm vang từ ngàn trang chữ Việt.
Gió vẫn thổi tầng tầng bóng Thiệp.
Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ diễn ra từ 9h15 đến 10h30 sáng nay, 24/3 tại Nhà tang lễ, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống Đài hoá thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội. |
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất