U23 Việt Nam và 'công trường ngổn ngang'

28/12/2015 11:34 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Các ca chấn thương chưa có biểu hiện thuyên giảm, lối chơi chưa được định hình và điều nguy hiểm hơn, tâm lý cầu thủ thiếu ổn định… là những vấn đề của ĐT U23 Việt Nam, trước ngày lên đường đi Qatar, đá VCK U23 châu Á 2016.

Thế nhưng, HLV Miura lại có phần lạc quan tếu khi cho rằng, ông sẽ dành câu trả lời trên sân cỏ và mục tiêu của U23 Việt Nam là một suất chơi tứ kết?!

“Tôi không thể không đưa ra mục tiêu, tham vọng?! U23 Việt Nam sẽ chiến đấu để giành một trong 8 chiếc vé chơi tứ kết U23 châu Á tại Doha”, HLV Miura phát biểu.

Độc và lạ như Miura

Một trong những thói quen của HLV Miura trong cách dụng binh là ông không bao giờ đóng đinh các vị trí, không một ai chắc chắn mình sẽ chơi chính và chơi ở… vị trí nào. Giải thích với các học trò về điều này, HLV trưởng người Nhật Bản nói, ông muốn cầu thủ của mình luôn trong tư thế sẵn sàng lâm trận. Ngoài ra, nó còn tạo ra bầu không khí cạnh tranh lành mạnh trong lòng đội bóng.

Về lý thuyết, phương pháp của HLV Miura có nhiều điểm tích cực. Nhưng trên thực tế, nó lại phản tác dụng, đặc biệt là trong vấn đề ổn định tâm lý VĐV và cơ chế vận hành. Lấy ví dụ như việc rèn luyện các kỹ năng chơi bóng – phối hợp nhóm, từng khâu, từng tuyến và rõ nhất là hàng phòng ngự, khu vực xung yếu nhất của một đội bóng. Tại sao lại có khái niệm là bộ khung đội hình chính thức?!

“Tôi từng làm việc với rất nhiều HLV cấp độ ĐTQG, cũng như CLB. Họ sẽ không bao giờ xáo trộn quá nhiều các vị trí ở hàng hậu vệ, bởi đây là những mắt xích nhạy cảm. Từ các buổi tập, đến đấu tập và đá chính thức, hệ thống hàng phòng ngự và thủ môn phải được duy trì, trừ khi có một cầu thủ bị chấn thương”, cựu trung vệ ĐT Việt Nam và B.Bình Dương, Lê Phước Tứ, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.

Phải, HLV Miura không chỉ xới tung, đảo vị trí liên tục hàng phòng ngự, mà ông còn thường xuyên dùng cầu thủ đá trái sở trường. Ví như Phạm Mạnh Hùng chẳng hạn, lúc đá trung vệ, khi chơi hậu vệ biên hay Thanh Hiền, hết đá trái, rồi lại đá phải và trận đấu mới nhất, anh được thử nghiệm ở vị trí tiền vệ trung tâm. Trần Hữu Đông Triều cũng đang được ông Miura ướm một vai trò ở gần vòng tròn giữa sân.

Không giống như các vị trí ở hàng tấn công, chức trách của hậu vệ là cản phá bóng, cắt một pha tổ chức hãm thành của đối thủ, nên sự an toàn là tiêu chí số 1. Nhưng, với việc HLV Miura cứ đảo đội hình – vị trí liên tục, khiến sự ổn định là thứ xa xỉ và tất nhiên, các hậu vệ không thể tránh khỏi những sai lầm. Bàn thua của U23 Việt Nam về cuối trận đấu tập với B.Bình Dương là một tình huống như thế (lỗi của Mạnh Hùng).

Và vô chiêu như HLV Miura?

Người học võ khi đã đạt đến cảnh giới, tức thượng thừa công phu, còn gọi là vô chiêu. Vô chiêu thắng hữu chiêu, cũng mang hàm ý này. Nhưng cũng có khi, họ cũng chẳng có tài năng, chiêu thức gì cả, thì đấy là vô chiêu thật. HLV Miura cho đến thời điểm này, ngoài việc giúp cho cầu thủ khoẻ hơn, chạy nhanh hơn và… phá bóng mạnh hơn, chưa đặt được dấu ấn đậm nét về chuyên môn với các ĐTQG.

Ông Miura cho rằng, khi U23 Việt Nam phải đối đầu với những đối thủ mạnh ở VCK U23 châu Á, chỉ kỹ thuật thôi là không đủ, mà cầu thủ của ông phải mạnh hơn hoặc ít nhất là ngang họ. Điều này đương nhiên đúng. Nhưng làm sao để trong ngày một ngày hai, người Việt Nam có thể mạnh hơn cả những đối thủ cao to vượt trội là điều không thể. Và ngoài ra, việc bỏ sở trường để chơi sở đoản cũng là bất lợi.

“Tôi từng có gần một năm làm việc với HLV Miura ở ĐTQG, nhưng tôi chưa từng ấy ông ấy tập chiến thuật cho đội?! Ví như phòng ngự theo nhóm hay một bắt một chẳng hạn. HLV Miura cũng không chú trọng đánh giãn biên hay trung lộ. Ông cứ chia đôi đội hình và bảo 2 bên lao vào đá như điên, đồng thời yêu cầu phải nhanh, mạnh, dứt khoát”, vẫn chia sẻ của trung vệ Lê Phước Tứ, người đã giã từ ĐTQG.

U23 Việt Nam đua nước rút trước giờ G

U23 Việt Nam đua nước rút trước giờ G

Theo kế hoạch, ngày 31/12, HLV Miura sẽ quyết định loại bỏ 6 cái tên để hoàn thiện danh sách 23 cầu thủ lên đường sang Qatar. 6/29 cầu thủ ra về nhưng cuộc cạnh tranh vẫn rất khốc liệt.


Không chỉ có Phước Tứ, mà sau trận đấu tập giữa B.Bình Dương và U23 Việt Nam, Thể thao & Văn hoá ghi lại được rất nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau của chính các học trò ông Miura đang thuộc biên chế U23 Việt Nam. Về cơ bản, họ không được ý thức một cách tương đối rõ ràng về vai trò và nhiệm vụ trên sân, không biết khi nào đá, khi nào nghỉ. Tất nhiên, không một ai chắc suất đi Qatar đá giải châu Á.

Không có ngày mai để chờ đợi, nhiều học trò ông Miura tỏ ra ngán ngẩm với phương pháp huấn luyện của ông thầy. “Bóng đá Việt Nam và nước ngoài mang những đặc thù khác nhau. Tôi cho rằng, phương pháp của HLV Miura với những đòi hỏi cực kỳ khắt khe, chỉ hợp với môi trường bóng đá ở đẳng cấp cao, còn ở Việt Nam e rằng rất khó”, hậu vệ ĐT Việt Nam và B.Bình Dương, Đặng Văn Robert nói thêm.

Theo người thì sáng, chạy mình thì tối. Song vấn đề cơ bản là, HLV Miura gần như không có nhu cầu lắng nghe. Việc các CĐV giăng những biểu ngữ ở sân Bình Dương chống lại ông Miura, thậm chí cũng chẳng khiến ông phải phiền lòng, nói gì đến các bài báo!


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm