14/02/2025 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
Trái với thành tích toàn thắng 5 trận ở vòng bảng ASEAN Club Championship, Công an Hà Nội (CAHN) lại khá tầm thường ở V-League khi chỉ đứng ở giữa bảng xếp hạng.
1. Nhìn vào phong độ của CAHN tại ASEAN Club Championship, có thể thấy đội bóng này chơi đầy bản lĩnh và hiệu quả. Họ lần lượt đánh bại các đối thủ mạnh như Buriram United (2-1), Lion City Sailors (5-0), Kaya FC (2-1), Kuala Lumpur FC (3-2) và Borneo Samarinda (3-2). Đáng chú ý, CAHN trở thành đội duy nhất ở giải đấu này toàn thắng vòng bảng, vượt qua cả nhà vô địch Thái Lan và Singapore để hiên ngang vào bán kết. Hàng công của họ hoạt động trơn tru, ghi trung bình 3 bàn/trận, trong khi hàng thủ dù chưa thực sự chắc chắn nhưng vẫn đủ để giúp đội bóng giành chiến thắng.
Tuy nhiên, khi trở lại V-League, CAHN dường như đánh mất chính mình. Trận hòa 0-0 trước Hà Tĩnh ở vòng 12 là minh chứng rõ ràng cho sự sa sút của đội bóng này. Dù sở hữu nhiều hảo thủ trong đội hình, nhưng CAHN bị đối thủ áp đảo, liên tục để cầu môn bị đe dọa. Trước đó, họ cũng để SLNA – đội bóng đang chật vật ở nhóm cuối bảng – cầm hòa 1-1 ngay tại Hàng Đẫy. Sau 11 trận đấu ở V-League, CAHN chỉ thắng 4, hòa 4 và thua 3 trận, đạt tỷ lệ thắng vỏn vẹn 36,3%. Hàng công thi đấu thiếu hiệu quả với chỉ 14 bàn thắng (trung bình 1,27 bàn/trận), kém xa so với phong độ ở đấu trường khu vực.
CAHN toàn thắng ở Shopee Cup, nhưng gây thất vọng ở V-League. Ảnh CAHN FC
2. Vậy đâu là nguyên nhân khiến CAHN thể hiện bộ mặt trái ngược ở hai đấu trường? Thứ nhất, có thể thấy ASEAN Club Championship là sân chơi có tính chất khác biệt so với V-League. Các đối thủ tại giải đấu khu vực, dù là những nhà vô địch quốc gia, nhưng lại không có sự ổn định về mặt nhân sự và chiến thuật như các đội bóng tại V-League. Điều này giúp CAHN, với lực lượng dày dặn, có thể dễ dàng tận dụng lợi thế cá nhân để tạo ra sự khác biệt. Ngược lại, khi trở về V-League, họ phải đối mặt với những đội bóng đã quá hiểu lối chơi của mình, sẵn sàng chơi phòng ngự chặt chẽ và khai thác điểm yếu của CAHN.
Thứ hai, CAHN có vẻ đang bị quá tải khi phải căng sức thi đấu ở cả hai đấu trường. Lịch thi đấu dày đặc khiến các trụ cột như Quang Hải, Văn Đức, Đình Bắc hay các ngoại binh như Leo Artur, Alan Grafite không có được thể trạng tốt nhất. Khi không có đủ thể lực và sự sung mãn, lối chơi của CAHN dễ bị bắt bài và thiếu sự đột biến.
Ngoài ra, tâm lý thi đấu cũng là một yếu tố quan trọng. Tại ASEAN Club Championship, CAHN vẫn ra sân với tinh thần của một đội bóng "chiếu dưới", không bị đặt quá nhiều áp lực. Ngược lại, khi thi đấu tại V-League, với tư cách là nhà đương kim vô địch, họ lại gặp vấn đề về tâm lý khi phải đối mặt với những đối thủ đã có sự chuẩn bị kỹ càng để khắc chế họ.
3. Nếu muốn cải thiện tình hình tại V-League, CAHN cần phải nhanh chóng tìm ra lời giải cho những vấn đề hiện tại. Họ cần có những sự thay đổi về chiến thuật, tăng cường sự linh hoạt trong cách tiếp cận trận đấu và quan trọng hơn, duy trì được tinh thần thi đấu như khi ra sân chơi khu vực. Nếu không, họ có thể phải chứng kiến các đối thủ như Hà Nội FC, Viettel hay Nam Định tiếp tục bỏ xa trên bảng xếp hạng.
Vòng 13 V-League tới đây sẽ là cơ hội để CAHN chứng minh rằng họ có thể mang phong độ ấn tượng tại ASEAN Club Championship trở lại sân chơi quốc nội. Đối đầu với Quảng Nam vào ngày 15/2, thầy trò HLV Polking cần một chiến thắng để lấy lại niềm tin và tiếp tục cuộc đua ở V-League. Đây sẽ là bài test quan trọng để xem liệu CAHN có thể thoát khỏi hình ảnh "khôn chợ, dại nhà" hay không.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất