Thông báo chính thức về hiện tượng động đất tối 24/3/2011

25/03/2011 10:46 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Viện vật lý địa cầu vừa đưa ra thông báo chính thức về thông tin hiện tượng động đất xảy ra ở Hà Nội lúc tối 24/3.

Theo thông tin từ Viện vật lý địa cầu thì vào hồi 13 giờ 55 phút 20 giây giờ GMT (tức 20 giờ 55 phút 20 giây giờ Hà Nội) ngày 24/3/2011, một trận động đất có độ lớn 7.0 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (20,86 độ vĩ Bắc, 100,87 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu vào khoảng 10 km. Động đất xảy ra trên biên giới Lào – Thái Lan.

Theo đánh giá ban đầu động đất này gây nên chân động đất cấp V (Theo thang MSK - 64) tại Hà Nội và gây chấn động cấp VI ở một số nơi thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam. Nhiều người ở khu vực Hà Nội cảm nhận thấy động đất này, đặc biệt là những người ở trên nhà cao tầng.

Đây là trận động đất mạnh chấn tâm, tuy vậy chấn tâm nằm cách xa Hà Nội vì vậy không có khả năng gây thiệt hại về người và các công trình xây dựng.

Những hiện tượng động đất từng xuất hiện ở Việt Nam

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay ở khu vực phía Bắc có 2 trận động đất cấp 8-9, độ lớn M=6,7-6,8 độ Richter, hàng chục trận động đất cấp 7, M=5,1-5,5 độ Richter và hàng trăm trận động đất yếu hơn (hình 7).

Điển hình là: Động đất Điện Biên 1935, M=6,75 xảy ra trên đới đứt gãy Sông Mã; Động đất Tuần Giáo 1983, M=6,8 xảy ra trên đứt gãy Sơn La, gây nên sụt lở, nứt đất trên diện rộng, sụt lở lớn trong núi, gây hư hại nhà cửa trong phạm vi bán kính đến 35 km; Động đất Bắc Giang 1961, M=5,6 độ Richter; Động đất M=6,1 độ Ricther xảy ra ở vùng đảo Phú Quý xảy ra kèm theo hoạt động núi lửa Hòn Tro năm 1923.

Gần đây hơn động đất Điện Biên 2001, M=5,3 độ Richter có chấn tâm bên Lào, cách thành phố Điện Biên khoảng 20 km đã gây hư hại từ nhẹ đến sụp đổ hơn 2000 ngôi nhà ở khu vực thành phố Điện Biên.

Từ 2007 đến nay nhiều trận động đất có cường độ nhỏ hơn 5,5 độ Ricther xảy ra ở Việt Nam: động đất ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết ngày 28/11/2007, M=5,1 độ Richter, gây chấn động cấp IV theo thang MSK64 (tháng 12 cấp) ở khu vực Tp Hồ Chí Minh.

Ngày 23/6/2010, lúc 8h55 phút (giờ Hà Nội), xảy ra trận động đất ở khu vực ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết, M=4,7 độ Richter, gây nên chấn động cấp 4 ở khu vực Tp Hồ Chí Minh và Tp Vũng Tàu.

Ngày 27/01/2011 và ngày 6/3/2011 đã xảy ra hai trận động đất ngoài khơi Vũng Tàu – Phan Thiết M=4,7 độ Richter.

Động đất và sóng thần đi kèm

TS. Trần Tân Văn

TS. Trần Tân Văn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hiển - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và tương tác biển - khí quyển (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) đều cho rằng, phải cảnh giác và chủ động hơn với thảm họa thiên tai.

Theo TS. Trần Tân Văn những nghiên cứu về động đất và các tai biến địa chất được nghiên cứu đã từ lâu. Các nghiên cứu cho đến nay khẳng định, có động đất xảy ra ở miền Bắc nước ta, cụ thể là vùng Tây Bắc có thể có động đất mạnh cấp 7 (7 độ richter). Nguy cơ động đất ở miền Trung và miền Nam không cao lắm, khoảng cấp 4-5.

Các dạng tai biến địa chất khác lại xảy ra khá nhiều ở Việt Nam, trong đó mạnh nhất là lũ lụt, thứ đến là trượt lở, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển ở miền đồng bằng ven biển. Ngoài ra còn có sụt lún vùng caxtơ, ô nhiễm nước, đất đá nhiễm asen, thủy ngân, cadmi…

Mặc dù chưa ghi nhận bằng chứng về việc sóng thần từng xuất hiện ở Việt Nam, song theo nghiên cứu mới của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, sóng thần là nguy cơ hiện hữu đối với vùng biển nước ta. 3 nguồn động đất có khả năng gây sóng thần ở Việt Nam là đới hút chìm Malina, đới đứt gãy ngoài khơi Bắc Trung Bộ và đới hút chìm Ryukyu. Khu vực có nguy cơ cao là vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Thời gian từ khi xảy ra động đất tới khi sóng thần lan truyền vào bờ biển từ 2-4 giờ.

Hiện nay, trình độ khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo chính xác động đất mà chỉ có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng bản đồ khoanh vùng có nguy cơ cao. Hệ thống bản đồ này phải được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu địa chất, kiến tạo của vùng đất đó.

Như ở nước ta đã xác định vùng Điện Biên, Lai Châu có nguy cơ cao về động đất. Khi đã khoanh vùng nguy hiểm, cách chủ động nhất là đưa các tiêu chí về kháng chấn, phòng chống động đất vào thiết kế xây dựng công trình. Hiện các công trình đập thủy điện, hồ chứa nước, nhà máy điện hạt nhân đều phải đưa yếu tố này vào trong thiết kế.


TS. Nguyễn Xuân Hiển

Khuyến cáo cho những người dân sống khu vực ven biển, ThS. Nguyễn Xuân Hiển cho biết trong khi việc đầu tư hệ thống giám sát, cảnh báo sóng thần khá tốn kém tiền của và thời gian, việc cần làm và sớm có hiệu quả là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân và các cấp chính quyền vùng ven biển.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có dấu hiệu của sóng thần là nước biển rút rất nhanh và đáy biển lộ ra đến hàng trăm kilômét. Ngoài ra, khi sóng thần lan truyền vào đến đất liền âm thanh nghe thấy như một đoàn tàu hỏa. Khi bạn nhìn và nghe thấy như vậy, bạn nên chạy vào sâu trong đất liền đến vùng đất cao hơn hoặc đến khu vực an toàn ngay lập tức.

Bạn chỉ có khoảng vài phút để chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi sóng thần đến. Nếu bạn cảm thấy có động đất khi ở trên bờ biển, thì hãy chạy về phía đất liền đến khu vực đất cao. Mặc dù không phải tất cả các trận động đất đều gây ra sóng thần, nhưng đừng có xem nhẹ nguy cơ này.

Làm gì khi xảy ra động đất?

Những qui tắc phải làm:

- Giữ bĩnh tĩnh

- Ngay lập tức ngắt cầu dao điện, ngắt bếp gas, khóa van tự động bếp gas.

- Nhẩm trong đầu nguyên tắc “núp - che - giữ”. Thí dụ: Núp dưới một cái bàn hay một vật chắc chắn để che chỡ bản thân. Bảo vệ đôi mắt của bạn bằng cách úp mặt vào cánh tay và cứ giữ như thế cho đến khi an toàn.

- Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy cứ ở đó, chui xuống một cái bàn, dùng tay và lưng hơi nâng nó lên và kéo rê tới sát góc tường hoặc cửa ra vào.

- Nếu đang ở trên lầu thì không chạy xuống tầng dưới hoặc lao ra ngoài khi tòa nhà đang rung chuyển, nếu không, bạn có thể bị tường đổ, hoặc các vật dụng đè lên.

- Không được ở trong nhà bếp, đó là nơi nguy hiểm khi có động đất.

- Nếu đang ở trong lớp học hoặc công sở nên núp vào gầm bàn, lấy cặp, túi xách che lên đầu.

- Nếu các bạn đang ở ngoài đường, hãy tránh xa các cao ốc, đường điện cao thế, trụ điện, ống khói... tất cả những thứ có thể ngã đổ lên người. Coi chừng các vật có thể rơi từ trên cao xuống đầu.

- Ở nơi đông người, không nên xô đẩy nhau để chạy, tránh giẫm đạp lên nhau.

- Nếu đang lái xe thì nhanh chóng và cẩn thận lái xe ra khỏi con đường, càng xa càng tốt, rồi dừng lại, ngồi trong xe, chờ cơn chấn động qua đi. Không đỗ xe trên hoặc dưới một cây cầu, dưới một cây cao, dưới đường dây điện, trụ điện, bảng quảng cáo lớn...
- Không sử dụng diêm, bật lửa, thiết bị gas, điện hoặc bất kỳ một trang thiết bị nào cho đến khi bạn biết chắc chắn không có sự rò rỉ khí đốt. Nó có thể là nguyên nhân của một vụ cháy nổ.

- Nếu bị vùi lấp, hãy dùng gạch, đá hoặc bất cứ vật gì phát ra được tiếng động để gõ cho đến khi có người nghe thấy.

Sau khi động đất bạn cần chú ý:

- Nếu đang ở trong nhà, hãy rời khỏi nhà ngay, vì có thể còn những dư chấn.

- Mang thức ăn, nước uống nếu phải di tản, một đôi giày có đế tốt để tránh gây thương tích từ những mảnh vỡ, đinh nhọn, dằm cây... Không mang theo những vật nặng.

- Cấp cứu, di tản các nạn nhân và những người chung quanh, ưu tiên cho trẻ em và những người già yếu, tàn tật.

- Nếu ngửi thấy mùi khí ga, mùi xăng dầu hay mùi các hóa chất, hãy tránh xa khu vực đó ngay.

- Cẩn thận khi mở cửa nhà kho hay tủ đựng đồ, vì có thể đồ đạc sẽ đổ ụp xuống ngay trên đầu của bạn.

- Kiểm tra những vết rạn nứt của căn nhà, đồng thời kiểm tra ống dẫn ga, đường dây điện, ống nước... nếu cần thì chính bạn hay nhờ người khác gia cố hay sửa chữa ngay.

- Lắng nghe tin tức từ radio, truyền hình để biết những thông tin hay những hướng dẫn cần thiết.

Để đối phó với động đất, cần:

Dạy cho thành viên trong gia đình cách đối phó với động đất, hướng dẫn trẻ em cách gọi cảnh sát 113, cứu hỏa 114, cấp cứu 115, cả nhà đều phải biết cách cách tắt khí ga, điện và nước. Luôn thống nhất với gia đình, nhất là trẻ em hai khu vực gia đình dự kiến sẽ tập trung sau khi cơn chấn động qua đi để các thành viên không bị lạc nhau.

- Phân công cụ thể từng người, ai sẽ mang gì khi buộc phải đi sơ tán.

- Định vị được các sở cứu hỏa, sở cảnh sát, trung tâm cấp cứu gần nhất.

Không giống như những cơn bão hay các thiên tai khác, chúng ta không bao giờ biết khi nào thì động đất sẽ xuất hiện. Tốt nhất là các bạn hãy chuẩn bị cho mình và gia đình trước khi tai họa ập đến.         

V.N (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm