Một tuần để cứu đồng euro

05/12/2011 08:38 GMT+7 | Trong nước

Hôm nay 5-12, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp họp tại Paris nhằm tìm tiếng nói chung trong chiến dịch giải cứu đồng euro trước khi tham gia hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 9-12.

AFP dẫn lời các chuyên gia nhận định châu Âu có một tuần tới để cứu đồng euro trước nguy cơ sụp đổ. Các lãnh đạo châu Âu phải đưa ra những quyết định và cam kết có thể thay đổi tình hình châu lục mãi mãi. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát ngân sách các nước thành viên. Bà tuyên bố muốn sửa đổi các hiệp định châu Âu, vốn cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 thành viên EU.

Mục tiêu là “đặt những bước chắc chắn và cụ thể về sự ra đời liên minh tài chính” giữa các nước sử dụng đồng euro. Nước nào vi phạm cam kết giữ thâm hụt dưới 3% thu nhập quốc gia và nợ chính phủ dưới 60% GDP sẽ bị đưa ra tòa án châu Âu. Tuy nhiên, các quy định trừng phạt và thời gian bắt buộc thực hiện cam kết vẫn chưa rõ ràng.

Vẫn nhiều bất đồng

Reuters cho biết Pháp và Đức vẫn bất đồng về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn ECB mua tự do trái phiếu chính phủ của các nước Hi Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... nhằm kiềm chế lãi suất của các loại trái phiếu này. Bà Merkel cho rằng ECB cần giữ tính độc lập, không in thêm tiền để mua trái phiếu.

Theo bà, một ECB in tiền tự do sẽ khiến đồng euro mất giá, lạm phát tăng (hiện đã lên trên 3%, dù mức cho phép là 2%). Dù vậy, báo Anh Telegraph đưa tin nếu các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận về liên minh tài chính, giám sát chặt chẽ nợ quốc gia, ECB sẽ tung ra 1.300 tỉ USD để can thiệp vào thị trường trái phiếu châu Âu.

Bà Merkel ủng hộ hướng tập trung vào thay đổi các hiệp định châu Âu nhằm tăng tính ổn định cho khu vực. Đặc biệt là sự ra đời hệ thống “phanh vay nợ châu Âu”, tức các quy định nghiêm ngặt kiểm soát số nợ mà các nước khu vực châu Âu có thể chịu được. “Dù có thỏa thuận hay không, trong tương lai chúng ta cần có những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với các thành viên về mặt luật pháp, và Tòa án Công pháp châu Âu phải thực thi quyền tài phán” - bà Merkel khẳng định.

Pháp tỏ ra ủng hộ kế hoạch này. AFP dẫn lời ông Sarkozy đã nhấn mạnh: “Không có đồng tiền chung nếu không có sự thống nhất về kinh tế. Phải tránh tình trạng đồng euro quá mạnh với vài nước, quá yếu với vài nước, và rồi khu vực euro tan rã”. Sau hội nghị Đức - Pháp, các nhà lãnh đạo EU chỉ có ba ngày để xem xét các đề xuất của bà Merkel và ông Sarkozy đưa ra trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc ở Brussels.

Hướng về IMF

Theo báo New York Times, các nhà lãnh đạo EU muốn cầu viện sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). EU sẽ đề nghị IMF cho các nước khối đồng euro vay tiền. Trước đó, IMF đã hỗ trợ tài chính các nền kinh tế nhỏ ở châu Âu như Ireland, Hi Lạp và Bồ Đào Nha. Giới chuyên gia nhận định IMF không có đủ nguồn lực để giúp các nền kinh tế lớn như Ý hay Tây Ban Nha.

Hiện tại, tổng nợ Ý và Tây Ban Nha lên đến hơn 3.300 tỉ USD. Trong sáu tháng tới hai nước phải trả nợ tới hơn 400 tỉ USD, tương đương tổng số tiền IMF có thể cho vay trên toàn thế giới. Nguồn tin châu Âu tiết lộ các quan chức EU sẽ đề nghị IMF đóng góp vốn hoặc hoạt động như một kênh để huy động tiền từ các quốc gia đang thặng dư thương mại như Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal, mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ khả năng dùng khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ 3.200 tỉ USD để cứu trợ châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng châu Âu cần tự cứu mình trước bằng nguồn tiền từ ECB, từ Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), hoặc nguồn vốn của các nước ổn định tài chính như Đức. Dù vậy, nhiều khả năng IMF vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc giải cứu châu Âu trước thảm họa tài chính.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm