20/02/2013 09:12 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đấy không phải là câu hỏi của riêng Milan. Trong mấy năm qua, cả thế giới bóng đá đã đặt ra câu hỏi ấy trước mỗi trận gặp Barca, và hầu hết đều bất lực, dù chọn lối đá nào, du kích, hay chơi đôi công.
Những cuộc gục ngã của đội bóng xứ Catalunya ở Liga rất ít, ở Champions League càng ít, và để điều đó xảy ra, phải hội tụ rất nhiều những yếu tố khác nhau, khi trên thực tế, vấn đề sân nhà với Milan không còn mang ý nghĩa quyết định nữa. Một trong những điều quan trọng nhất cần thực hiện, là làm thế nào để ngăn cản Messi.
Đấy là một bài toán không hề đơn giản với Allegri, người đã thành công trong việc kiềm chế phần nào Messi ở hai trận gặp Barca mùa trước ở San Siro khi ông còn có trong đội hình những Nesta, Thiago Silva và một hệ thống lối chơi uyển chuyển có thể hỗ trợ tốt cho phòng ngự và có khả năng gây bất ngờ trong phản công. Bây giờ, những cái tên ấy không còn nữa.
Sau một năm, Milan đã thay máu toàn diện. Nhưng vấn đề lớn với Allegri bây giờ thực ra không phải là Messi hay Barcelona, mà chính là ông chủ Berlusconi. Phát biểu trên kênh phát thanh RTL, Berlusconi tuyên bố đại ý, cần phải áp dụng lối chơi kèm người với Messi. Những "lời khuyên" kiểu đó được đưa ra trong giai đoạn này có ảnh hưởng không nhỏ đối với Milan và đặc biệt là Allegri, người đã vài lần bị Berlusconi cảnh cáo trong mùa này bất luận thành tích thi đấu ra sao, người đã phải tuân theo mệnh lệnh bố trí 3 tiền đạo của ông chủ cách đây hơn hai tháng (nhưng đấy là một cuộc cách mạng thực sự về chiến thuật và kết quả), người hầu như chắc chắn sẽ phải áp dụng những chỉ đạo ấy mà không thể cãi lại cho dù không ít nhà chuyên môn khẳng định, bố trí một kèm một với Messi là điều không thể. Một lời cảnh báo từ Berlusconi cũng trong cuộc phỏng vấn ấy: "Nếu một ông chủ không đồng thuận với vị HLV, ông ấy sẽ sa thải vị HLV".
Đang trong giai đoạn cuối của cuộc tranh cử chính trị mới đối với con người đã bước sang tuổi 77, đã có sau lưng 3 nhiệm kì Thủ tướng, nhưng chưa bao giờ mất đi tham vọng chinh phục nước Ý cho đến hết đời, Berlusconi nhìn thấy cuộc đối đầu Milan-Barcelona như một cơ hội quan trọng để truyền một thông điệp các cử tri-tifosi của mình. Ông giống như một nhà soạn nhạc lỗi lạc. Chỉ ông mới có thể biết được dàn nhạc-đội bóng cần phải chơi ra sao và nếu đêm diễn thất bại, thì là vì nhạc trưởng-HLV không hiểu được cách chỉ huy thế nào.
Những lời khuyên ấy có một tông giọng chẳng khác gì những chỉ trích của chính Berlusconi 12 năm về trước với HLV Dino Zoff, về việc đội tuyển Italia đã không kèm người, để Zidane quá tự do trong trận chung kết EURO 2000. Zoff đã từ chức sau chỉ trích ấy để bảo vệ danh dự của mình. Sự khác biệt duy nhất ở đây mang tính thời điểm: vụ lên án Zoff, bị các đối thủ chính trị phê phán là nhằm đánh lạc hướng dư luận trong thời điểm Berlusconi gặp khó khăn trên chính trường, được thực hiện sau khi Italia thua Pháp ở trận chung kết tại Rotterdam, còn những "lời khuyên" hiện tại được đưa ra trước trận gặp Barcelona, trong thời điểm chưa bao giờ Milan yếu đến thế trước khi bước vào trận đánh lớn với đội bóng xứ Catalunya.
Trong cuộc chiến tâm lí, Milan có vẻ đang hơn hẳn Barca, đội đến San Siro trong bình thản và sự điềm đạm vốn có của một đội chiếu trên và không thèm chấp những tuyên bố của đối thủ. Thứ vũ khí ấy có giúp Milan vượt qua được Barca hay không lại là một câu chuyện khác, rất khác, không hề đơn giản. Nó có thể giúp Berlusconi thắng cử một lần nữa trên chính trường, một khi thế lực của ông vẫn còn rất mạnh, nhưng trên sân cỏ, Milan bây giờ không còn giống với những Milan hùng mạnh trên đấu trường châu lục khi xưa nữa...
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất