03/09/2014 05:58 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Đã hơn một lần HLV trưởng Guillaume Graechen khẳng định mục tiêu chính của đội tuyển U19 Việt Nam trong năm 2014 là VCK U19 châu Á tổ chức trong tháng 10 tại Myanmar. Giải U19 Đông Nam Á giống như Cúp Hassanal Bolkiah chỉ là cơ hội thi đấu cọ xát của đội.
Thế nhưng, không riêng gì ông Guillaume Graechen mà rất nhiều người và tự bản thân mỗi tuyển thủ U19 đều quyết tâm thể hiện hết khả năng tại giải đấu tổ chức ở Hà Nội từ 5 đến 13/9.
Đó vừa là cách mà các cầu thủ, nhất là những gương mặt mới được bổ sung như Anh Thi hay Minh Vương, ghi điểm trong mắt BHL, đồng thời đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ. Nói cách khác, U19 Việt Nam có bao nhiêu sẽ chơi bấy nhiêu và phấn đấu góp mặt trong trận chung kết.
Kết thúc Hassanal Bolkiah 2014, sau khi từ Brunei trở về TP.HCM rồi di chuyển lên Trung tâm TDTT Hàm Rồng (Gia Lai) để tập luyện, khi trả lời phỏng vấn báo chí, HLV Guillaume Graechen đã tuyên bố: “Tôi hy vọng là với sự cổ vũ của khán giả nhà, U19 Việt Nam sẽ thi đấu tốt, giành chức vô địch để tưởng thưởng cho người hâm mộ nước nhà luôn ủng hộ, theo dõi sự tiến bộ của các tuyển thủ U19 trong thời gian qua”.
Chính sự tự tin của ông Guillaume Graechen cũng khiến không ít người lo ngại bởi lẽ suy cho cùng, giải Đông Nam Á mở rộng cũng chỉ là bước đệm cho VCK U19 châu Á mà mục tiêu của đội tuyển U19 Việt Nam ở giải đấu này quá rõ ràng, đó là tìm kiếm cơ hội vào bán kết, từ đó tranh suất dự VCK U20 thế giới năm 2015.
Như thế, nếu chơi hết sức tại giải Đông Nam Á mở rộng thì liệu đội tuyển U19 Việt Nam có được điểm rơi phong độ tốt nhất tại giải đấu quan trọng hơn nhiều lần chỉ diễn ra sau đây chừng 1 tháng.
Đó là chưa kể đến những nỗi lo về chuyên môn vì đội tuyển U19 Việt Nam vốn không có nhiều bài vở, lối chơi hầu như không thay đổi từ giải U19 Đông Nam Á 2013, vòng loại U19 châu Á 2014 và mới đây nhất là Cup Hassanal Bolkiah. Việc một lần nữa phơi bày trước các đối thủ cạnh tranh trực tiếp càng khiến đội tuyển U19 gặp bất lợi.
Trong khi U19 Việt Nam tự tin cống hiến và thể hiện hết khả năng thì U19 Nhật Bản sau khi biết kết quả bốc thăm giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014 cũng như VCK U19 châu Á 2014 đã đề nghị xin được đổi bảng đấu để tránh đối đầu U19 Việt Nam ở 2 giải đấu liên tiếp, đề phòng bị bắt bài.
Tất nhiên, yêu cầu của phía U19 Nhật Bản không được chấp nhận. Nhưng chỉ một động thái nhỏ như vậy cũng đủ thấy, bạn đã có sự phân định rạch ròi đâu là mục tiêu chính để đầu tư quyết liệt, có trọng điểm và kiên trì thực hiện mục tiêu ấy.
Hay như U19 Indonesia, sau kết quả không như ý tại Cúp Hassanal Bolkiah cũng chỉ cử đội hình B sang Việt Nam dự giải Đông Nam Á mở rộng, những quân bài tủ thì ở nhà lo tập huấn, thi đấu giao hữu chuẩn bị cho VCK U19 châu Á. U19 Thái Lan hay U19 Myanmar cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Duy chỉ có U19 Australia là muốn chơi sòng phẳng vừa để đi tiếp ở giải đấu Đông Nam Á mở rộng, đồng thời còn “món nợ phải trả” trước U19 Việt Nam sau thất bại gây sốc 1-5 năm ngoái. Nhưng để vượt qua vòng bảng, đoàn quân của HLV Paul Okon Engstler phải vượt qua không chỉ U19 Việt Nam mà cả U19 Nhật Bản.
Tuyên bố VCK U19 châu Á là mục tiêu hàng đầu nhưng khả năng U19 Việt Nam thử nghiệm đội hình tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng là gần như không thể vì HLV Guillaume Graechen vẫn muốn sử dụng đội hình mạnh nhất hiện có, nhất là sau khi Quang Hải đã bình phục chấn thương.
Lâm Chi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất