09/02/2013 07:54 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Vẫn có những ngôi sao Việt Nam biết tỏa sáng, trước và sau sự kiện Olympic London 2012 trên đất Anh. Sự trong trẻo về một đất nước Việt Nam thanh bình, con người Việt Nam thân thiện, thông minh và dí dỏm đã được quảng bá với bè bạn năm châu, đặc biệt là với người bản địa Anh quốc.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm (trái) và Hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan (phải). Ảnh: T.H
Với lễ rước đuốc ở xứ sương mù và Hoa hậu Ngô Phương Lan, cùng Siêu Đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm là những người được vinh danh, đại diện Việt Nam tham dự sự kiện lớn này. Một tuần ở xứ sương mù cùng với đoàn rước đuốc Việt Nam, PV TT&VH có dịp để lưu giữ những cảm xúc.
Nước Anh rất gần
Cũng có những đường bay thẳng đến London nhưng để tiết kiệm chi phí và đảm bảo sự khoa học về lộ trình bay, muốn đến được với đất nước ở bên kia eo biển Manche phần lớn các chuyến bay từ Việt Nam đều phải quá cảnh ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và phải trải qua gần một ngày đường ngồi trên máy bay (phần vì do lệch múi giờ).
Sau thất bại gần như toàn tập của hàng loạt các VĐV Việt Nam tại Olympic London 2012 ở rất nhiều những môn thi đấu, các nội dung, các bộ huy chương khác nhau, người ta đã phải đặt câu hỏi: Thể thao Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới? Một câu hỏi khó và không dễ đưa ra lời đáp trong bối cảnh lịch sử của nền thể thao xứ sở như hiện tại.
Trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic cho đến bây giờ, các tấm HCB của Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008) vẫn là những cột mốc chói lọi với Thể thao Việt Nam. Và sau những gì đã xảy ra, Olympic London 2012 vẫn còn ở rất xa trong tiềm thức của người Việt, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng thật kỳ lạ, nước Anh lại rất gần.
Gần 20 năm trở lại đây, giải bóng đá Ngoại hạng Anh, Premier League, được quảng bá rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, đã đành và nói không quá lời, người ta có thể không bao giờ thuộc hết bản danh sách ĐT Việt Nam, nhưng có thể đọc vanh vách từng cái tên trong đội hình M.U, Liverpool, Arsenal hay Chelsea. Rồi về một The Beatles huyền thoại nữa…, đều những niềm tự hào cả.
Trong các chuyến đi tới Thủ đô văn hóa châu Âu Liverpool, thành phố công nghiệp Manchester, đến vùng Yorkshire, Stoke, rồi Leeds…, tất cả đều hiện lên vẻ cổ kính, bình dị và rất thanh bình. “Vẻ như người Anh không thích ra đường như chúng ta nhỉ”, một ý kiến trong đoàn đã thắc mắc. Nhưng thực tế không phải vậy, đặc biệt khi các sự kiện lớn diễn ra. Tinh thần dân tộc của người Anh rất cao.
“Các bạn nhìn thấy rồi, từ người già cho đến trẻ nhỏ, người bản địa đổ ra đường rất đông với lá quốc kỳ nhỏ trên tay, ca hát, nhảy múa, để cổ vũ tinh thần Olympic, chia sẻ với bè bạn năm châu và để tự hào về một Anh quốc gần gũi, thân thiện”, Bryan, một công dân vùng Yorkshire, nơi ngọn đuốc Olympic London đi qua cả mấy lộ trình cho biết.
Với cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại, những công trình thể thao đã tồn tại cả thế kỷ và hiện vẫn còn chức năng sử dụng, người Anh không tốn nhiều công sức cho việc xây mới, đáp ứng một sự kiện tầm cỡ thế giới như Olympic Games. Chỉ có mỗi Wembley (London) được làm lại và hết! Nhưng nói thế không có nghĩa là nước Anh không có những chuẩn bị. Tất cả đều rất chu đáo.
Khi chúng tôi được thăm thú một Old Trafford hùng vĩ (sân nhà của CLB M.U), người Manchester cho biết, họ có thể thay cả thảm cỏ mới trong vòng 15 phút nghỉ giữa hiệp, nếu chất lượng mặt cỏ không đảm bảo cho mật độ thi đấu (2 ngày/trận) cho các trận bóng đá nam Olympic London 2012. Khỏi phải nói cũng biết tất cả chúng tôi đã phải ngạc nhiên đến mức độ nào.
Rạng rỡ Việt Nam
Các đại diện Việt Nam không phải là những người bắt đầu sớm nhất buổi rước đuốc hôm ấy, một buổi sáng với trời mưa phùn và sương mù rất đặc trưng ở Manchester, mà phải đợi đến chặng Yorkshire, kỳ thủ Lê Quang Liêm mới nhập cuộc. Tiếp theo đó, đoạn từ Yorkshire đi Leeds, đến lượt Hoa hậu Ngô Phương Lan cầm đuốc và tỏa sáng trên đường chạy.
Có cả trăm những đại biểu ưu tú đến từ nhiều quốc gia châu Á khác nhau đến với các sự kiện rước đuốc ở Manchester và vùng phụ cận. Họ có thể là các VĐV chuyên nghiệp, cũng có thể là những huyền thoại và Quang Liêm, cũng như Phương Lan đã được đại diện Tổ quốc để đứng trong hàng ngũ ấy. Tất cả đều có chung niềm tự hào.
Sau những chặng việt dã dưới cái lạnh và mưa phùn, đến đầu giờ chiều, thời tiết ở khu Yorkshire rộng lớn (Đông Bắc nước Anh) bất ngờ có nắng nhẹ. Rất lý tưởng. Cả Lê Quang Liêm và Ngô Phương Lan đã được cổ vũ rất nhiệt tình, để hoàn tất “cuộc đua” với tâm thế của người chiến thắng. Chiến thắng chính mình và vượt qua mọi rào cản để đưa đất nước Việt Nam đến với bè bạn quốc tế.
Nhưng, hình ảnh và những hiểu biết sâu đậm nhết về xứ sở nhiệt đới, có lẽ còn đậm hơn trong mắt 5 châu ở buổi Gala Dinner hôm đó. Với Hoa hậu Ngô Phương Lan trong tà áo dài đỏ rực một góc sân khấu được đại diện đoàn Việt Nam và những người tham gia rước đuốc Olympic London đứng lên phát biểu còn MC trong chương trình là “team leader” Nguyễn Hương Mai.
“Việt Nam ở ngay đây thôi, nhưng tôi thật hồ đồ quá. Tôi xin lỗi vì đã chưa một lần được đến thăm thú đất nước của các bạn. Và tôi hứa…”, Hans, một đại diện của Hàn Quốc tỏ vẻ tiếc nuối, sau khi nghe Phương Lan nói về một đất nước Việt Nam xinh đẹp. “Tôi đã đến Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang 2 lần rồi, nhưng tôi sẽ quay lại. Tôi thích bãi biển Nha Trang”, John (Australia) cho biết.
Một tuần với sương mù, mưa phùn và cái lạnh giá giữa mùa hè, có chút tiếc nuối là chúng tôi đã không đến được nhiều nơi như dự định, bên lề các sự kiện chính liên quan đến Olympic London 2012 và ngọn đuốc. Mùa giải Premier League đã kết thúc và thời điểm đó, Old Trafford, Etihad (ở Manchester) hay Anfield, Goodison Park (Liverpool) khi chúng tôi ghé thăm, vì thế đều khá vắng vẻ.
Chỉ có những đoàn khách du lịch nối đuôi nhau tìm đến các sân bóng huyền thoại, để mua bằng được những kỷ vật hay hy vọng được chụp một kiểu ảnh với những thần tượng còn ở lại. Vé vào cổng SVĐ, cũng như khu vực bảo tàng của đội bóng nổi tiếng (dù chỉ là thăm thú) khá đắt đỏ và điều này tạo ra một nguồn thu đáng kể cho CLB, để bóng đá tự nuôi được bóng đá, chứ không phải như ở ta.
Trong sách giáo khoa tiếng Anh, chúng ta từng biết đến con lợn Yorkshire đặc chủng, béo ịch và rất nhiều thịt. Nhưng vẻ như dân vùng này giờ không nuôi lợn xuất khẩu nữa. Rất nhiều cừu được chăn nuôi ở vùng đồng cỏ Yorkshire. Những thảo nguyên bao la và tưởng chừng như kéo dài bất tận này chính là quần thể những nông trại lớn nhất vùng Đông Bắc Anh quốc.
Trở về từ Yorkshire, sáng hôm sau, chúng tôi quyết định bắt xe buýt từ Manchester đi Liverpool (khoảng một giờ xe chạy), để tự khám phá các Cavern (hang động), nơi ban nhạc The Beatles nổi tiếng từng khởi nghiệp, pháo đài Albert Dock hay cảng Liverpool, địa điểm con tàu huyền thoại Titanic khởi thủy trước khi bị đắm trên hành trình đến nước Mỹ..., cũng chỉ là tự phát.
Mệt lả nhưng vui và rất tự hào!
TRẦN HẢI
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất