24/03/2020 10:25 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Ngày 24/3, trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp... xuất hiện những hình ảnh hoạt họa sinh động để tôn vinh bánh mì Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử "người khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ thiết kế Doodle nhằm tôn vinh món ăn phổ biến này của người Việt Nam.
Sự kiện này nhằm kỷ niệm 9 năm ngày, từ "Banh mi" được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford (24/3/2011) - cuốn từ điển bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới. Oxford English Dictionary khi đó đã thêm từ "Banh mi" vào từ điển và giải nghĩa rằng đây là món ăn nổi tiếng của người Việt Nam, được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân rất phong phú gồm pate, thịt, rau củ, nước sốt, tương ớt... Theo Google, chiếc bánh mì Việt Nam đại diện cho sự hòa quyện ẩm thực tinh tế của ẩm thực Việt trên thế giới.
Nhiều tài liệu cho rằng chiếc bánh mì Việt Nam - xuất hiện lần đầu tiên ở những con phố nhỏ cuối thập niên 1950 ở Sài Gòn xưa - được lấy cảm hứng từ loại bánh mì baguette của Pháp. Nhưng việc thêm vào các thành phần, gia vị đặc trưng đã đã tạo nên chiếc bánh mì kẹp đặc sản của "Đất nước hình chữ S" ngon nức tiếng trong lòng bạn bè quốc tế.
Bánh mì Việt nhiều lần được công nhận bởi các chuyên gia ẩm thực và truyền thông quốc tế. Báo The Guardian của Anh khi xếp bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách "10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới" đã viết: “Có một bí mật ít người biết đó là, chiếc sandwich ngon nhất thế giới không phải ở Rome (Italy), Copenhagen (Đan Mạch) hay thành phố New York (Mỹ), mà là trên những đường phố Việt Nam”. Cây bút chuyên về du lịch và ẩm thực của tập đoàn truyền thông BBC David Farley cũng đã khen ngợi bánh mì là “loại sandwich ngon nhất thế giới”. Lúc sinh thời, đầu bếp Anthony Bourdain - một trong những chuyên gia ẩm thực có ảnh hưởng nhất thế giới - cũng đã dành nhiều lời khen dành cho món bánh mì trong chương trình truyền hình No Reservation của ông trên đài CNN.
Ngoài ra, bánh mì Việt Nam còn tạo nên cơn sốt khi được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, đồng thời đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố của tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler năm 2013; lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của tạp chí Huffington Post năm 2014; lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo chuyên trang du lịch Traveller năm 2017. CNN năm 2018 cũng đã ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là "Vua của các món sandwich trên thế giới".
Đầu bếp Anthony Bourdain và "bản giao hưởng bánh mì"
Đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain, người đã qua đời vài năm trước cũng là người có công rất lớn giúp cho người đam mê ẩm thực trên khắp thế giới biết tới ẩm thực Việt Nam nói chung và bánh mì Việt Nam nói riêng.
Vị đầu bếp nổi tiếng này chính là người đã cùng với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đi ăn bún chả ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam của ông vào năm 2016.
Đầu bếp Anthony đã thưởng thức và đưa ra nhận xét về rất nhiều món ăn của đất nước chúng ta, trong đó có bánh mì, một món ăn dân dã nhưng lại có sức ảnh hưởng, nổi tiếng trên toàn thế giới.
Năm 2009, vị đầu bếp có cơ hội được tới với Việt Nam lần thứ hai. Đây cũng chính là lúc ông được những người bạn Việt rỉ tai rằng nhất định phải một lần tới thử ăn bánh mì Phượng ở Hội An, Quảng Nam. Và thế là người đàn ông đã nhanh chóng tìm tới quán bánh mì nằm trên đường Phan Chu Trinh.
Người đàn ông đã liên tục thốt ra những lời khen ngợi khi nhìn thấy đôi bàn tay khéo léo cắt bánh mì, tuần tự rưới nước sốt, phết bơ, pate và kẹp vào bên trong đủ thứ thịt nướng, chả lụa thơm ngon.
Mặc dù bánh mì Phượng trước đó đã rất được người dân cũng như du khách yêu thích mỗi khi đến với Hội An, trước cả khi Anthony ghé thăm, thế nhưng chỉ với 2 phút ngắn ngủi xuất hiện trên chương trình No Reservation, bánh mì Phượng đã thực sự vượt ra khỏi biên giới quốc gia và vươn tầm ra thế giới.
Trên các trang web du lịch, người ta cứ thế nói với nhau rằng nhất định phải tới để ăn thử món "bánh mì ngon nhất thế giới" ít nhất một lần trong đời, món bánh mì đã khiến cho vị đầu bếp nổi danh cũng phải rung động và thốt lên: "Đây quả thực là một bản giao hưởng của bánh mì".
Cả người Việt Nam lẫn những du khách nước ngoài đều ùn ùn kéo tới của hàng bánh mì nhỏ xíu tại Hội An để thử và cuối cùng ai nấy đều phải tấm tắc khen ngon, thầm cảm ơn Bourdain vì đã cho mình có cơ hội được biết tới món bánh mì ngon tuyệt như vậy.
Và thế là, chỉ với thời lượng xuất hiện ngắn ngủi trong chương tình của vị đầu bếp, bánh mì - một món ăn hết sức dân dã của Việt Nam đã làm chủ được cụm từ khoá "best banh mi in Vietnam" trên trang công cụ tìm kiếm số 1 thế giới Google.
Anthony Bourdain ra đi chính là một sự hẫng hụt lớn đối với không chỉ ẩm thực Việt Nam mà với toàn những người đam mê ẩm thực quốc tế. Ông đã góp phần mang món bánh mì, một món ăn quá đỗi dân giã tại dải đất hình chữ S đến với bạn bè quốc tế, khiến nó được khoác lên mình "tấm áo": Bánh mì Việt Nam ngon nhất Thế giới.
"Lịch sử" bánh mì Việt Nam
Bánh mì Việt Nam xuất phát từ bánh mì baguette do người Pháp đem vào Nam Việt Nam. Trong quá trình cải tiến, người Sài Gòn đã chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng của Sài Gòn với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30 – 40 cm.
Ổ bánh mì chế biến thêm nhân thịt, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người dân đất Sài Gòn, được cho là có từ 150 năm trước. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau.
Bánh mì là món ăn nhanh buổi sáng, buổi tối cho giới học sinh, sinh viên và người lao động vì có giá thành phù hợp. Tuỳ từng địa phương ở Việt Nam mà bánh mì kẹp có thể được sử dụng thay thế cho bữa sáng, hoặc như một món ăn nhanh vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Sau này, Bánh mì Sài Gòn theo chân người Việt tới Pháp, Mỹ, Úc, Canada... và trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới, họ gọi chung là bánh mì.
Bánh mì Sài Gòn đi vào văn chương
Theo bài viết của nhà báo Hoàng Nhân trên Thể thao và Văn hóa Cuối tuần: "Nếu phở Hà Nội vào văn chương khá nhiều qua tác phẩm của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng hay thơ của Tú Mỡ, thì món ăn phổ biến nhất Sài Gòn là bánh mì có số phận khá… “hẩm hiu” khi ít được giới văn nhân thi sĩ đưa vào tác phẩm. Thế hệ học trò sinh sau 1975 hẳn nhiều người thuộc lòng các câu thơ của Phan Thị Vàng Anh trong sách giáo khoa tiểu học: “Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/Chỉ mang một chiếc bút chì/Và mang một mẩu bánh mì con con”. Có lẽ, với lứa tuổi học trò, bài Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh là tác phẩm duy nhất món bánh mì được xuất hiện, dù tuổi đi học nào - nhất là ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam - cũng ít nhất một lần gặm bánh mì.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhà văn Lê Văn Nghĩa mê bánh mì Sài Gòn đến độ ông đưa món ăn này vào khá nhiều cuốn sách của mình: Hạt bụi bên nhau; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và bánh mì xuất hiện nhiều nhất trong truyện dài Mùa Hè năm Petrus. Bánh mì Sài Gòn trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa không đơn giản chỉ là món ăn mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân đô thị này.
Theo Lê Văn Nghĩa, bánh mì có rất nhiều cách ăn và tên gọi từng loại bánh mì phụ thuộc vào nhân đi kèm. Ví dụ: bánh mì thịt nguội, bánh mì bò kho, bánh mì pate, bánh mì bì, bánh mì xíu mại, bánh mì chả cá, bánh mì phá lấu, bánh mì thịt nướng, bánh mì heo quay…, thậm chí là bánh mì kẹp kem mát lạnh làm nhân bên trong, bánh mì chan nước tương, bánh mì chấm cà phê hoặc sữa… Tùy túi tiền của từng người mà có cách ăn bánh mì khác nhau. Học trò nghèo ở tỉnh nhiều khi chỉ ăn bánh mì với nước tương lót dạ đến trường hoặc hai đứa chia nhau một ổ bánh mua ở lề đường. Con nhà khá giả thì vào tiệm ăn bánh mì bò kho, thịt nguội… bày trên tô, đĩa đàng hoàng.
Nếu so với các nhãn hiệu thức ăn nhanh đang mọc lên như nấm tại Sài Gòn, thì bánh mì kẹp thịt có lẽ là món ăn siêu nhanh. Để dùng thức ăn nhanh của Mỹ, Hàn, người ta phải gửi xe vào tiệm; còn ăn bánh mì kẹp thịt chỉ cần tấp vào lề đường mua một vài ổ bỏ bịch mang đi. Rất dễ nhận ra hình ảnh cha mẹ chở con đi học trên xe máy, cô/cậu nhóc ngồi yên sau gặm bánh mì; hay các công chức buổi sáng cà phê quán cóc với ổ bánh mì. Tính nhanh, gọn, cơ động của bánh mì Sài Gòn khó mà nhãn hiệu thức ăn nhanh nào khác trên thế giới này bì kịp.
Nét riêng của bánh mì Sài Gòn chính là đồ chua kẹp chung với các loại nhân, thường là thịt. Trong Mùa Hè năm Petrus, Lê Văn Nghĩa, tả: “Nó không hiểu bà Tư nói vậy là khen hay chê, tuy nhiên nó cũng chẳng cần vì nó đang cầm khúc bánh mì nóng hôi hổi. Nó cầm ổ bánh mì đưa lên mũi ngửi để tận hưởng mùi thơm đặc trưng của bánh mì. Mùi bánh mì này chỉ có những lò bánh mì than mới có chứ mấy lò bánh mì điện thì làm sao có được. Không chịu nổi cái mùi thơm lựng làm bụng nó réo sôi sùng sục, nước miếng nó bắt đầu ứa ra, nó đưa ổ bánh mì dòn tan lên miệng nhai ngốn ngấu. Đồ chua và vị mặn của tàu vị yểu làm cho vị ngọt của ổ bánh mì thêm đậm đà. Chẳng mấy chốc, nó liếm mép để tìm xem còn vụn bánh mì nào dính trên khóe miệng hay không”.
Mùa Hè năm Petrus
Mùa Hè năm Petrus như một hồi ký viết về thời học trò của Lê Văn Nghĩa ở Sài Gòn những năm 1960. Khi đó, Lê Văn Nghĩa học trường mang tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong). Nhà văn nhớ lại: “Tại góc đường Pasteur - Lê Lợi có một quầy bán bánh mì với phá lấu lòng heo. Vừa thoạt nhìn những khoanh ruột non, thố linh khoanh tròn, những miếng gan, bao tử “khìa” nằm trên một cái khay nhôm, được che bằng một tấm ny lông trắng, dầy, thằng Mai đã muốn chảy nước miếng. Thằng Dũng nói với “bà xẩm” bán hàng: “Bà cho hai khúc, mỗi khúc năm đồng. Nhớ cho nhiều đồ chua nhe… Ờ… bà cho thêm tương đen, với tương ớt...”. Mỗi thằng cầm một ổ bánh mì nóng, thơm lừng mùi bánh mì mới ra lò, đi lại xe nước mía Viễn Đông gần đó. Thằng Dũng gọi một cách sành sỏi: “Cho hai ly nước mía, bỏ ít đá thôi nha chị”. Nó quay sang thằng Mai: “bánh mì phá lấu với nước mía Viễn Đông ngon có tiếng. Hai món này cũng góp phần làm nên danh tiếng của Sài Gòn đó mày”. Câu này nó nghe một ông nhà văn, nhà báo nào nói bây giờ nó đem ra hù thằng Mai - (trang 127)”.
Bánh mì trong truyện ngắn, truyện dài của Lê Văn Nghĩa không còn là món ăn, mà đã trở thành câu chuyện hay đúng hơn là thành nhân vật. Trong truyện Bánh mì bì (tập truyện Hạt bụi bên nhau), Lê Văn Nghĩa kể về một chàng trai công chức ngày nào cũng mua bánh mì bì để đem cho đồng nghiệp, khiến một cô gái lầm tưởng là anh ta tán mình. Đến một ngày anh ta không cho bánh mì bì nữa khiến cô gái hoảng hốt, nhưng kết thúc bất ngờ là bà cụ chuyên bán bánh mì bì đã qua đời. Hỏi Lê Văn Nghĩa, ông cho biết: “Xe bánh mì bì trong truyện này có mấy chục năm, ở góc đường Điện Biên Phủ - Mai Thị Lựu, bà cụ gắn cả đời mình với xe bánh mì. Bánh mì bì ở đây ngon nhờ chan nước mắm pha với tỏi ớt. Giờ con cháu bà vẫn còn bán ở góc đường này”. Thế đấy, đâu chỉ có các món ăn khác như phở, bún bò… là có tính “gia truyền”; bánh mì Sài Gòn cũng gia truyền như nhiều món ăn khác, bởi bánh mì đã trở thành một phần không thể thiếu của người Sài Gòn.
Xin khép lại bài viết này bằng câu chuyện một chàng trai muốn tạo ấn tượng với cô gái bán bánh mì bằng cách ngày nào cũng ghé mua bánh mì thịt trong Mùa Hè năm Petrus. Chàng trai ấy mua bánh mì thịt mỗi ngày, vì theo sự tư vấn của người bạn: “Vậy thì cứ bánh mì thịt mà gặm đi… con. Như vậy con Tịnh lúc đầu không để ý đến mày nhưng khi thấy có một thằng khùng khùng hay sao mà cứ tối ngày ăn bánh mì thịt mà chịu nổi thì thằng ấy là một thằng chung thủy với món ăn, mà chung thủy với món ăn thì cũng có nghĩa là chung thủy với tình yêu”.
Nhi Thảo (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất