08/08/2018 21:47 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Tờ Independent đã giới thiệu 10 cây cầu độc lạ “không thể tin nổi” trên thế giới, trong đó có Cầu Vàng ở Đà Nẵng. Đáng nói, Independent đã đưa Cầu Vàng của Việt Nam vào danh sách này dù nó mới được khánh thành hồi tháng 6 và còn chọn làm ảnh đại diện cho bài giới thiệu.
Những cây cầu đáng chú ý nhất thế giới này cho thấy kỹ thuật khả năng siêu việt trong thiết kế và xây dựng. Đôi khi cảm hứng sáng tạo có thể được tìm thấy ở những nơi “hiểm hóc” nhất.
Chúng ta suy nghĩ bao lâu khi đi từ một nơi này tới một nơi khác? Sự thực dụng và thiết thực là những gì hiếm khi được ghép với vẻ đẹp. Nhưng bạn có thể thấy được sự lồng ghép hiếm có ấy qua 10 cây cầu đẹp và hùng vĩ nhất thế giới.
1. Cầu Đan Dương – Côn Sơn (Trung Quốc)
Có tổng chiều dài 164,8km, Đan Dương – Côn Sơn hiện là cây cầu dài nhất thế giới. Khoảng 10.000 người đã tham gia xây dựng cây cầu này trong vòng chỉ 4 năm, với chi phí 8,5 tỷ USD.
Cầu được khởi công xây dựng hồi năm 2006, hoàn thành vào năm 2010 và mở cửa vào năm 2011. Cấu trúc đáng kinh ngạc này nối Thượng Hải với Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
2. Cầu Millau Viaduct (Pháp)
Vượt cả Tháp Eiffel hùng vĩ về chiều cao, cầu Millau Viaduct ở Pháp hiện nắm giữ kỷ lục là cây cầu cao nhất thế giới, với chiều cao 343m.
Cầu Millau Viaduct được mở cửa hồi năm 2004, nằm giữa thung lũng Tarn giữa Clermont-Ferrand, Beziers và Narbonne. Để có thể chiêm ngắm công trình kỳ vĩ này theo một cách khác, những người đam mê cầu có thể đi canoe ở bên dưới.
3. Ribblehead Viaduct, North Yorkshire (Anh)
Gồm 24 tảng đá và ở độ cao 32m trên vùng đất hoang bên dưới, cây cầu Ribblehead Viaduct là một trong những minh chứng rõ nhất về kỹ thuật xây dựng từ thời Victoria (1837-1901) ở Anh.
Được xây dựng vào năm 1870 đến năm 1874, cây cầu này được xếp hạng bảo tồn cấp 2 hồi năm 1988. Ribblehead Viaduct tạo nên một phần của tuyến đường sắt Settle-Carlisle đẹp như tranh vẽ, cây cầu này nằm giữa núi Three Peaks và trên biên giới Cumbria và Yorkshire.
4. Vasco da Gama (Bồ Đào Nha)
Vasco da Gama là cây cầu dây văng bắc qua sông Tagus ở Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha. Đây là cầu dài nhất châu Âu, với tổng chiều dài 17,2 km.
Cây cầu này nối miền Bắc và miền Nam Bồ Đào Nha. Cầu được mở cửa đón công chúng hồi năm 1998 và được đặt tên theo nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, người châu Âu đầu tiên tới Ấn Độ bằng đường biển trong thế kỷ 15.
Người ta không thể đi bộ được qua cây cầu này. Sức chịu gió của cây cầu lên tới 155mph.
5. Bắc Bàn Giang (Trung Quốc)
Cầu Bắc Bàn Giang còn được gọi là Cầu Ni Châu Hà là cây cầu dây văng dài 1.341m gần Lục Bàn Thủy ở Trung Quốc.
Tính đến năm 2016, đây là cây cầu cao nhất trên thế giới với độ cao 564m so với sông Bắc Bàn, qua mặt cầu Tứ Độ.
Cầu nằm ở ranh giới gữa 2 tỉnh Vân Nam và Quý Châu, và nằm trên thung lũng sông Bắc Bàn. Cây cầu là một phần của tuyến đường cao tốc Hàng Châu-Thụy Lệ kết nối Khúc Tĩnh và Lục Bàn Thủy với nhau.
Công trình xây dựng bắt đầu vào năm 2012 với việc xây các trụ cầu. Trụ chính phía đông cao tới 269m, phía Tây 247m. Đường xe chạy được hỗ trợ bởi cáp dây văng và có độ cao 565m trên sông. Cầu có chiều dài tổng cộng là 1.341m, nhịp chính ở giữa dài 720m.
Kinh phí tổng cộng là 1 tỷ NDT (tương đương 150 triệu USD). Cầu được thông xe hồi năm 2016.
6. Cầu Vàng (Việt Nam)
Kể từ khi được mở cửa hồi tháng 6, Cầu Vàng ở Đà Nẵng dài 150m của Việt Nam đã trở thành điểm thu hút du lịch lớn.
Nằm trên một đỉnh núi gần thành phố Đà Nẵng, trong khuôn viên khu du lịch Bà Nà Hills, cây cầu đặc biệt này có thiết kế trông như thể nó được đỡ trong đôi bàn tay khổng lồ.
Đà Nẵng cũng là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, hàng năm thu hút một lượng khách khổng lồ từ trong nước và khắp nơi trên thế giới, với những bãi biển tuyệt đẹp, hải sản ngon, con người thân thiện, nhiều danh lam thắng cảnh và di sản tuyệt vời.
7. Pont du Gard Aqueduct (Pháp)
Chắc chắn đây là cây cầu lâu đời nhất trong danh sách này. Pont du Gard Aquaduct là một công trình La Mã được xây dựng vào thế kỷ thứ 1.
Cây cầu này ban đầu được thiết kế nhằm cung cấp nước cho thành phố Nime và hệ thống dẫn nước 3 tầng này cao 50m.
Được xây dựng từ đá vôi mềm, màu vàng, cây cầu kỳ vĩ này được Chính phủ Pháp tuyên bố là công trình lịch sử hồi năm 1840.
8. Cầu Cổng Vàng (Mỹ)
Đây được xem là cây cầu nổi tiếng bậc nhất thế giới. Cầu Cổng Vàng, biểu tượng quốc tế của San Francisco, được khánh thành hồi năm 1937.
Lễ khánh thành cầu, mở cửa đón công chúng là sự kiện kéo dài 1 tuần. Cây cầu này không chỉ nổi tiếng về kỹ thuật xây dựng mà còn là nơi có nhiều người “gieo mình” tìm đến cái chết.
Kể từ năm 1937 đến nay, đã có gần 1.700 người nhảy cầu tự vẫn. Vừa tròn 2 năm hoàn thành dự án làm lưới thép treo 6m bên dưới lối đi bộ nhằm ngăn chặn tình trạng tự vẫn.
9. Hartland/New Brunswick (Canada)
Được mở cửa hồi năm 1901, cây cầu có mái che dài nhất thế giới này được tuyên bố là Di tích Lịch sử Quốc gia hồi năm 1980.
Hartland/New Brunswick, dàu 390m, còn được biết đến là “cầu hôn” khi nhiều chàng trai trẻ đã “huấn luyện” các chú ngựa của mình dừng lại giữa cầu để “đánh cắp” nụ hôn trước khi tiếp tục hành trình.
Cây cầu một chiều này được làm mái che vào năm 1921-1922 mặc dù bị người dân địa phương phản đối khi họ lo lắng việc che cầu sẽ dung túng cho giới trẻ làm những việc không hay.
Năm 1995, cây cầu này đã được tôn vinh trên một bộ tem của Canada.
10. Eshima Ohashi (Nhật Bản)
Cây cầu Eshima Ohashi trông đẹp như một bức tranh và nếu ngắm ảnh nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một đường đua ô tô bởi độ dốc gần như thẳng đứng của nó.
Cũng chính vì độ dốc ấy mà cầu Eshima Ohashi được coi là cầu nguy hiểm bậc nhất thế giới.
Nhiều người thậm chí còn không dám nhìn khi thấy những chiếc ô tô di chuyển trên cây cầu dốc này. Nhưng trên thực tế, xe ô tô lưu thông qua đoạn cầu này khá thoải mái, với độ dốc về phía Matsue là 6,1% và bên còn lại là 5,1% (độ dốc cầu bình thường cho phép là dưới 10%).
Cây cầu này bắt đầu xây dựng từ năm 1997 và chính thức đi vào hoạt động năm 2004, nối liền hai thành phố Matsue và Sakaiminato.
Tổng chiều dài cầu là 1.700m. Điểm cao nhất của cầu so với mặt biển là 45m. Cầu được xây cao như vậy là để những tầu trên 500 tấn có thể đi lại bên dưới. Nhịp chính của cây cầu dài 250m, chiều dài số 1 Nhật Bản và thứ 3 thế giới.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất