03/09/2018 00:00 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Trong định hướng xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, việc phát triển thành phố thông minh được Đà Nẵng đặt ra từ sớm. Từ năm 2012, thành phố phối hợp với Tập đoàn IBM khảo sát, xây dựng đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn”.
Tiếp nối là hàng loạt các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để phát triển thành phố thông minh. Đứng trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Đà Nẵng có nhiều cơ hội mới để xây dựng thành phố sáng tạo, lấy việc đổi mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao làm nền tảng.
Trong buổi ký kết hợp tác triển khai Đề án xây dựng “thành phố thông minh” với Tập đoàn VNPT vào tháng 8/2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, với nhận thức thế giới đang thay đổi rất nhanh, công nghệ mới được cập nhật liên tục, nếu không có một tầm nhìn chiến lược, một sự nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng thành phố thông minh theo một lộ trình với những phân kỳ phù hợp, bắt kịp xu thế thì không tránh khỏi sự tụt hậu và lãng phí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ.
Để xây dựng một thành phố thông minh, thành phố cần một cách làm thông minh, sao cho với một nguồn lực có hạn, Đà Nẵng có một lộ trình với từng phân kỳ xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất. Phương châm xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “đa đối tác - một nền tảng - một hạ tầng - một chính sách - đa ứng dụng”.
Nhiều năm qua, việc triển khai các ứng dụng CNTT là một trong những lý do góp phần xây dựng nên một Đà Nẵng hiện đại, văn minh và đáng sống. Cơ sở hạ tầng CNTT được triển khai với việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin chính quyền điện tử (egov.danang.gov.vn).
Đây là nền tảng tích hợp hàng loạt ứng dụng chính quyền điện tử cốt lõi của thành phố. Trong các ứng dụng, nổi bật là hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho các đơn vị Nhà nước.
Một ứng dụng cốt lõi khác là phần mềm một cửa điện tử dùng chung cho các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng, các sở, ngành còn sử dụng hàng trăm phần mềm chuyên ngành góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan.
Nền tảng xây dựng thành phố thông minh được đề cập từ năm 2012 khi chính quyền thành phố phối hợp với Tập đoàn IBM khảo sát, xây dựng đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn” tại Đà Nẵng.
Từ đó, triển khai thành công nhiều ứng dụng thông minh như: hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình; triển khai hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông và trung tâm quản lý và vận hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng.
Trong lĩnh vực môi trường, Đà Nẵng đã triển khai hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước... Trong lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng giao tiếp dữ liệu ngành giáo dục, liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường toàn thành phố.
Về lĩnh vực y tế, Đà Nẵng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 phần mềm: phần mềm y tế phường/xã (100% phường/xã sử dụng); phần mềm quản lý bệnh viện tại trung tâm y tế cấp quận; phần mềm hồ sơ y tế điện tử và quản lý ID bệnh nhân. Để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Đà Nẵng đã triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm qua tin nhắn, điện thoại…
CNhững năm gần đây, chính quyền thành phố rất tích cực tiếp cận với nhiều mô hình phát triển đô thị với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các bài học kinh nghiệm, các mô hình như: thành phố thông minh (Smart City), thành phố xanh (Green City), thành phố đáng sống (Livable City), thành phố sinh thái (ECO City), thành phố các-bon thấp (Low Carbon City)…
Mỗi mô hình đều có những mặt tiên tiến và cần thiết cho thành phố với những mục tiêu tiếp cận cụ thể, nhưng đều hướng đến một mục tiêu chung là phát triển bền vững. Quá trình lựa chọn những giải pháp thông minh, tích hợp một cách hiệu quả, thận trọng trong phát triển, khai thác đồng thời với giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, tạo một môi trường sống tốt cho hiện tại và tương lai.
Đề án “Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045” đã xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố biển đẳng cấp quốc tế, một thương hiệu quốc tế về điểm đến, điểm sống và làm việc; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo của Việt Nam và khu vực.
Về quan điểm phát triển đô thị, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng; phát triển khu đô thị trung tâm thành khu đô thị nén để tái thiết khu vực đô thị cũ; quy hoạch đô thị biển thành “khu đô thị biển”; xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao để phát triển, khai thác nền tảng CNTT, công nghệ cao.
Từ đây, đô thị Đà Nẵng được định hướng chiến lược phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại, đại diện cho đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 - đô thị đáng sống, đô thị thông minh, đô thị toàn cầu và đô thị khởi nghiệp - sáng tạo.
Đà Nẵng đang thay đổi theo hướng hiện đại và cần cú bật nhảy để làm thay đổi chính mình và truyền đi thông điệp mới ra thế giới về định hướng phát triển đô thị thông minh, thành phố khởi nghiệp, sáng tạo.
Nhi Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất