18/03/2020 19:51 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Liên quan đến một số địa phương thực hiện việc khoanh vùng cách ly, khử khuẩn chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam (PHEOC) khẳng định cần thực hiện cách ly cộng đồng khoa học, đúng cách, tránh lãng phí và gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyến cáo, việc khoanh vùng cách ly tại cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ được thực hiện dựa trên cơ sở, bằng chứng khoa học.
Theo đó, virus SARS-CoV-2 chỉ lây bệnh khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm virus do người mắc bệnh thải ra. Do đó, trước khi cách ly, các cơ quan chuyên môn (cụ thể là Trung tâm Y tế dự phòng của các tỉnh, thành phố) phải tiến hành điều tra dịch tễ, xác định mức độ lây nhiễm để các lực lượng chức năng liên quan tổ chức khoanh vùng cách ly khu vực đó.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có Quyết định 904/QĐ-BYT về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn thực hiện cách ly vùng có dịch COVID-19” nêu rõ “Quy mô khoanh vùng cách ly tùy theo tình hình dịch thực tế tại địa phương có thể lựa chọn quy mô như sau: Cụm dân cư, khu phố, cơ quan, đơn vị/ Thôn, tổ, đội, ấp/ Xã, phường, thị trấn/ Quận, huyện”.
“Tuy nhiên, nếu người nghi ngờ hoặc đã nhiễm virus SARS-CoV-2 không tiếp xúc, liên hệ với những người xung quanh, nhà bên cạnh, khu vực lân cận… chỉ cần cách ly nhà của người đó hoặc cách ly, xử lý môi trường, khử trùng, khử khuẩn rộng hơn từ 1 đến 2 nhà bên cạnh,” chuyên gia Trần Đắc Phu nêu rõ.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tra dịch tễ để xác định độ lây nhiễm. Trên cơ sở điều tra dịch tễ để thực hiện công tác cách ly theo nguyên tắc “lây nhiễm đến đâu cách ly đến đó”. Công tác cách ly, khoanh vùng cách ly tại cộng đồng cần thực hiện khoa học, đúng phương pháp và linh hoạt. Việc xác định vùng dịch phải dựa trên tiền sử đi lại, tiếp xúc của người mắc COVID-19 và các yếu tố có khả năng lây nhiễm. Chỉ cách ly vùng dịch lớn hơn khi không xác định được các yếu tố như danh tính, địa chỉ lưu trú, lịch trình, tiền sử tiếp xúc của các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2…
“Trong những trường hợp cần thiết có thể quyết định cách ly ở một khu vực rộng hơn hoặc rút gọn phạm vi tùy theo việc xác định yếu tố lây lan trong dịch tễ học. Nếu phát hiện bệnh nhân di chuyển đến những địa điểm khác, ngoài khu vực sinh sống, nhưng có yếu tố lây nhiễm cao, cần tổ chức cách ly cả ở địa điểm khác,” ông Trần Đắc Phu nêu rõ.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã kịp thời phát hiện được nguồn bệnh từ bên ngoài về hoặc do lây lan từ các ca bệnh, qua đó xác định được khu vực cách ly. Tuy nhiên, những người sống ở cùng khu phố với bệnh nhân nhưng không tiếp xúc, không có nguy cơ nhiễm bệnh, đã thực hiện các biện pháp phòng hộ vệ sinh thì không được coi đó là người đến từ vùng dịch.
Cố vấn Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân cần có những hiểu biết đúng, khoa học về yếu tố “người đến từ vùng dịch” và có hành động, quan điểm đúng đắn, tránh kỳ thị những người đến từ các địa phương có ca nhiễm và nghi ngờ mắc bệnh COVID-19. Việc một số địa phương kỳ thị với “người đến từ vùng dịch” trong thời gian vừa qua là không đúng.
Diệp Trương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất