Đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine

13/09/2021 19:35 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm kéo giảm các ca mắc mới, hướng đến miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ Y tế, những loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng tiêm chủng cho người dân đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại COVID-19, do đó người dân cần nhanh chóng tiêm vaccine khi đến lượt.

Ngày 13/9 có 11.172 ca mắc Covid-19, TP HCM nhiều nhất 5.446 ca

Ngày 13/9 có 11.172 ca mắc Covid-19, TP HCM nhiều nhất 5.446 ca

Bản tin dịch COVID-19 ngày 13/9 của Bộ Y tế cho biết có 11.172 ca mắc COVID-19, trong đó TP HCM nhiều nhất với 5.446 ca, tiếp đến là Bình Dương với 3.651 ca. Trong ngày có 11.200 bệnh nhân khỏi.

 Các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng

Tính đến trưa ngày 13/9/2021, cả nước đã tiêm chủng được hơn 29,3 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 23.157.067 liều, tiêm mũi 2 là 5.056.325 liều. Trong những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tại Thủ đô Hà Nội, riêng trong ngày 12/9 đã tiêm được tổng công 573.829 liều vaccine COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số vaccine đã được tiêm lên hơn 4,48 triệu liều, đạt 89% số vaccine được cấp (tính đến 18 giờ ngày 12/9). Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có một số đơn vị cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 cho người dân như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.

 Báo cáo tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, chiều 12/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, sáng 13/9, Thành phố sẽ tiêm hết số vaccine COVID-19 được phân bổ (4,6 triệu liều vaccine Covid-19). Theo dự kiến, Bộ Y tế tiếp tục cung cấp cho Hà Nội 1,5 triệu liều vaccine để bảo đảm đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho người dân.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn Hà Nội

Tại TP Hồ Chí Minh - nơi có số ca mắc luôn cao nhất cả nước trong thời gian qua, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm tính đến hết ngày 11/9 là 7.774.789 liều, trong đó tổng số mũi 1 là 6.472.672, mũi 2 là 1.302.117, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 882.292. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tại Thành phố đã tiêm mũi 1 đạt khoảng 86%, mũi 2 là hơn 14%. 8 quận huyện của Thành phố đạt tỷ lệ 100% tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi gồm: quận 1, quận 5, quận 6, quận 7, quận 11, quận Phú Nhuận, huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam hiện đã tiếp nhận được hơn 34 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau, bao gồm: Cơ chế COVAX, viện trợ song phương giữa Chính phủ các nước và nguồn mua qua VNVC.

Theo dự kiến của Bộ Y tế, đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về nhiều trong tháng 9 (dự kiến 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Nếu lượng vaccine về Việt Nam như dự kiến thì có thể đầu năm sau chúng ta sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi có 70% dân số được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế đang đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt một triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất

Thời gian qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một số thông tin không đúng, không đầy đủ về tác dụng của vaccine phòng COVID-19... dẫn đến việc so sánh, cho rằng vaccine này tốt hơn vaccine kia; vaccine này tiêm vào sẽ không có phản ứng, vaccine kia tiêm vào có nhiều tác dụng phụ không tốt... Do đó, một số người dân đã do dự, trì hoãn việc tiêm vaccine khi có cơ hội.

Chú thích ảnh
Test Covid nhanh cho người dân

Theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, không có khái niệm vaccine nào tốt nhất, bởi khi WHO phê duyệt vào danh sách vaccine phòng COVID-19 sử dụng khẩn cấp, thì vaccine đó bắt buộc phải đạt tỷ lệ bảo vệ, an toàn, miễn dịch từ 80 đến 95% mới được cấp phép.

Hiện có hàng chục loại vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, mới có 7 loại được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. WHO đang giám sát chặt chẽ, hiệu quả của các loại vaccine này trong thực tế. Kết quả giám sát cho thấy, tất cả các vaccine này đang có hiệu quả rất tốt trong việc phòng ngừa, giảm triệu chứng nặng và tử vong.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine Việt Nam đã và đang nhập khẩu sử dụng dao động quanh mức 80 đến 95%, có nghĩa những người được tiêm vaccine sẽ giảm thiểu 80 đến 95% triệu chứng bệnh nặng phải nhập viện. Phần lớn các vaccine đều có hệ số bảo vệ 98 đến 100% đối với nguy cơ tử vong. Do vậy, những loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng tiêm chủng cho người dân đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại COVID-19.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp, các biến thể của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao. Thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh COVID-19. Vì thế, tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể có được “lá chắn” cần thiết trước virus SARS-CoV-2.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trước làn sóng COVID-19 do biến thể Delta vẫn đang tăng, các quốc gia trên thế giới tiếp tục vận động, yêu cầu người dân nhanh chóng tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, thậm chí cho triển khai mũi tiêm vaccine bổ sung (mũi thứ ba)… Điều này làm gia tăng tình trạng khan hiếm nguồn vaccine, gây khó khăn hơn cho Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine. Do đó, thời điểm này, người dân hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt, không nên chần chừ và lựa chọn vaccine. Vaccine và 5K vẫn đang là giải pháp thiết thực hiệu quả, lâu dài mang tính quyết định để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bảo vệ người dân thoát khỏi COVID-19.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm