Giải đáp về dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới

08/01/2014 14:01 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT. Để làm rõ hơn những điểm mới này, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn PGs. Ts Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.

* Xin Cục trưởng cho biết những điểm mới trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố?

- Thực hiện nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ : cần đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá (trong đó có thi tốt nghiệp) theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh. Do vậy, Bộ Giáo dục chủ trương điều chỉnh một số điều trong quy chế về kỳ thi tốt nghiệp THTP.

Điểm nổi bật của lần đổi mới này là phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong cả quá trình học với đánh giá tại kỳ thi cuối kỳ, cuối năm học để xét công nhận tốt nghiệp. Quan điểm này thể hiện cụ thể ở những điểm sau: Thứ nhất là xét miễn thi tốt nghiệp cho những học sinh có kết quả học tập rèn luyện tốt ở bậc THTP. Thứ hai là sử dụng kết hợp kết quả học tập ở cả năm lớp 12 với điểm thi tốt nghiệp để làm căn cứ xét và công nhận tốt nghiệp. Đây là điểm rất mới so với trước đây. Thứ 3 là giảm số môn thi tốt nghiệp còn 4 môn trong đó có Toán và Ngữ Văn , những môn còn lại là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa thí sinh có thể chọn thêm 2 môn tự chọn để thành tổ hợp 4 môn. Việc này đảm bảo đánh giá được năng lực học sinh và giảm áp lực của kỳ thi, giảm tốn kém cho xã hội rất nhiều. Thứ 4 là đối với môn ngoại ngữ sẽ điều chỉnh phương thức thi, thêm cả phần bài luận.

* Cục trưởng có thể cho biết đề xuất con số 20% thí sinh được miễn thi được tính trên quy mô từng trường hay từng tỉnh?

- Nhìn chung, trong 1 tập thể thông thường 20% là những người xuất sắc nhất. Với trường hợp cụ thể này, chúng tôi đã có số lượng thống kê từ kết quả học tập rèn luyện của học sinh THPT và Giáo dục thường xuyên trong những năm gần đây. Theo đó, tỷ lệ học sinh từ khá trở lên cao hơn tỷ lệ này rất nhiều, thường ở mức 45%. Thứ hai nữa là kết quả thi tốt nghiệp, số lượng xếp loại khá trở lên cũng cao hơn 20% nên đây sẽ là những em được xếp vào tốp đầu. Con số này sẽ căn cứ trên thực tế để thay đổi trong những năm sau.

Tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi S ở G iáo dục và Đ ào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là các s ở GDĐT) tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau .

Sở GDĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ GDĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình với các nội dung sau:

- Cụ thể hóa tiêu chí miễn thi; dự kiến phương án miễn thi của đơn vị, trong đó nêu rõ tỷ lệ miễn thi cho từng cơ sở giáo dục phổ thông, GDTX thuộc phạm vi quản lý dựa trên các đánh giá của Sở về: Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; Kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh...;

- Lấy ý kiến của Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc trung tâm GDTX (gọi chung là Hiệu trưởng trường THPT) về phương án miễn thi;

- Hoàn thiện phương án và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phê duyệt;

- Công khai phương án trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT thực hiện phương án miễn thi đã được phê duyệt và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Hiệu trưởng trường THPT sẽ: Tham gia góp ý xây dựng phương án miễn thi theo yêu cầu của Giám đốc Sở GDĐT; Thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt (Hội đồng gồm: Ban Chấp hành đảng bộ/chi bộ nhà trường, Ban Giám hiệu, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh lớp 12); Công khai và xử lí các góp ý về danh sách học sinh được miễn thi do Hội đồng đề xuất; Tr ình G iám đốc Sở GDĐT duyệt danh sách học sinh được miễn thi.

* Có ý kiến băn khoăn việc giảm bớt số môn thi tốt nghiệp thì tình trạng học tủ học lệch sẽ diễn ra như trước đây cũng thi tốt nghiệp 4 môn ? Ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào?

- Thoáng nhìn là như vậy nhưng xét kỹ thì sẽ hoàn toàn yên tâm. Một trong những mục tiêu của giáo dục bậc trung học phổ thông là hướng đến việc hướng nghiệp cho học sinh. Định hướng chương trình sách giáo khoa mới là tăng cường tích hợp ở lớp dưới và phân hóa sâu ở các bậc THPT. Nguyên nhân là sau khi tốt nghiệp THPT, phần lớn các em sẽ bước vào cuộc sống ngay hoặc học tiếp lên nên phải định hướng nghề nghiệp cho các em. Việc giảm số môn thi không sợ học lệch vì quy chế xét tốt nghiệp đã tích hợp kết quả đánh giá trong quá trình, nên học sinh đã phải đạt nền kiến thức chung, trên cơ sở đó, căn cứ trên năng lực, sở trường của mình để đầu tư sâu hơn về các môn thế mạnh.

* Trong nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu với quốc tế, việc không coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc có phải đã làm thấp đi vai trò, vị trí của môn học này không, thưa Ông?

- Chúng ta cần hiểu đúng là chúng ta không bỏ thi ngoại ngữ mà có phương án khuyến khích các em thi ngoại ngữ để cộng điểm tốt nghiệp.

Tôi hoàn toàn đồng tình rằng ngoại ngữ là cần thiết trong thời đại hội nhập quốc tế. Bộ Giáo dục Đào tạo đang triển khai đề án ngoại ngữ 2020 rất căn cơ, bài bản và quyết liệt. Sau 3 năm, qua 1 đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế thì trình độ ngoại ngữ tiếng Anh của học sinh Việt Nam đã nâng 13 bậc so với trước đây.

Như vậy, chúng ta rất coi trọng việc học ngoại ngữ nhưng phải hướng tới học và đánh giá năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế, cụ thể là Bộ Giáo dục Đào tạo đang theo khung tham chiếu châu Âu 6 bậc, đánh giá cả kỹ năng nghe – nói – đọc – viết ngoại ngữ, khắc phục hạn chế trước đây thi trắc nghiệm ngoại ngữ nên chỉ đánh giá được về từ vựng và ngữ pháp.

Việc không đưa môn ngoại ngữ vào thi bắt buộc mà là môn thi khuyến khích tức là giúp những em có khả năng ngoại ngữ được khuyến khích còn những nơi chưa đủ khả năng thì sẽ tiếp tục nâng cao chất lượnghọc môn này. Thêm nữa, với việc triển khai đề án Ngoại ngữ 2020, chúng ta yên tâm rằng trình độ ngoại ngữ của các bạn trẻ sẽ nâng lên.

* Xin ông cho biết quy trình áp dụng quy chế thi tốt nghiệp mới như thế nào? Ông có lời khuyên nào cho phụ huynh và học sinh trong kỳ thi năm 2014 sắp tới đây?

- Trong dự thảo nói rất rõ, nếu được xã hội đồng tình, đặc biệt là phụ huynh và học sinh ủng hộ thì Bộ sẽ triển khai quy chế mới ngay trong kỳ thi tốt nghiệp 2014. Tất nhiên, phụ huynh và học sinh hoàn toàn có thể yên tâm là vẫn có đủ thời gian chuẩn bị.

Hiện nay chúng tôi đang tham khảo ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và sẽ có quyết định sớm để đảm bảo các em học sinh, phụ huynh hoàn toàn chủ động, không phải lo lắng. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là Bộ và Sở, nhà trường sẽ mang phần khó về mình, còn mang phần tốt nhất, thuận lợi nhất cho học sinh.

Khi áp dụng hình thức thi mới sẽ có các phần về kỹ thuật cần chủ động thực hiện mà trước hết là hoàn thiện quy chế thi. Hiện nay công việc này chúng tôi hoàn toàn chủ động thực hiện. Cùng với việc hoàn thiện quy chế, chúng tôi còn những vấn đề về kỹ thuật như chuẩn bị phần mềm, kỹ thuật coi thi và việc này chúng tôi hoàn toàn trong tầm chủ động thực hiện. Quy chế thi mới này chỉ yêu cầu cao hơn về trách nhiệm với nhà giáo và các hội đồng thi mà không làm khó cho thí sinh và phụ huynh.

* Xin cảm ơn Cục trưởng Mai Văn Trinh!

Hoàng Hoa - Ngọc Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm