Hàng nghìn tỷ 'giải vây' cho sân bay Tân Sơn Nhất

20/09/2016 07:38 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Sân bay Tân Sơn Nhất đang đối mặt với tình trạng ùn ứ giao thông trên các tuyến đường xung quanh và ngay cổng chính vào các nhà ga; đồng thời tình trạng ngập nước trong sân đỗ tàu bay khi có mưa lớn cũng đã đe dọa tình hình an ninh sân bay.

Đứng trước tình trạng được đánh giá là khẩn cấp này, Thành phố Hồ Chí Minh đã ráo riết lên nhiều phương án để “giải vây” cho sân bay.

Kẹt, ngập bao vây

Cứ mỗi tầm giờ cao điểm, nhất là buổi chiều tối, khu vực các tuyến đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thái Sơn, Hồng Hà… đều ùn tắc, các phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một. Nếu không có lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, tình trạng ùn tắc xảy ra càng tồi tệ hơn khi các xe máy tìm cách len lỏi vào dòng ô tô.

Nhiều hành khách ra vào sân bay phàn nàn về tình trạng xe ô tô không vào được nhà ga khiến họ bị trễ chuyến bay hoặc phải rời bỏ ô tô trên đường Trường Sơn để đi bộ vào nhà ga. “Tình trạng ùn tắc này xảy ra thường xuyên từ khi mở đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Tôi nghĩ không phải ùn tắc là do xe ra vào sân bay quá nhiều mà một phần là do xe từ hướng trung tâm đổ dồn về tuyến này để đi ra Thủ Đức qua đại lộ Phạm Văn Đồng và ngược lại”, anh Nguyễn Tấn Phước nhà trên đường Trường Sơn, chia sẻ.


Ùn tắc xe trên tuyến đường Trần Quốc Hoàn từ cửa ngõ sân bay ra đường Hoàng Văn Thụ

Tuy nhiên, trong một chuyến khảo sát để tìm phương kế giải quyết bất cập cho sân bay mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng kẹt xe chủ yếu hiện nay là nút giao Lăng Cha Cả, khu vực đường Hoàng Minh Giám và nút giao Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, chứ không phải kẹt xe trên đường Trường Sơn. Còn theo ý kiến một số chuyên gia về kiến trúc, ngoài việc lưu lượng xe tăng mạnh, tình trạng ùn tắc và kẹt xe ở khu vực này có một phần là do sự xuất hiện của khá nhiều các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và các khu căn hộ… khiến gia tăng mật độ dân cư và lưu thông.

Không chỉ có tình trạng kẹt, ùn tắc xe khu vực xung quanh sân bay, có một thực tế là khi xuất hiện các cơ mưa lớn thì sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ngập ở phần sân đỗ tàu bay. Trong các cơn mưa từ đầu tháng 9 đến nay, khu vực sân đỗ của ga quốc nội đã xảy ra tình trạng ngập nước hai lần.

Theo khảo sát của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước gồm kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản và mương A41. Trong đó, hai hướng thoát nước hiện nay vẫn đảm bảo tiêu thoát tốt cho sân bay là kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản. Riêng tuyến mương A41 đang bị lấn chiếm, có nơi dòng chảy chỉ còn khoảng 0,8 m và bị bồi lắng nghiêm trọng. “Có khoảng 1/10 trong diện tích 80 ha sân đỗ của sân bay bị ngập trong các cơn mưa lớn vừa qua. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố đang kiểm tra lại các hệ thống cống thoát, chủ yếu qua kênh A41, để tiêu thoát nước cho khu vực này”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Tiến hành nhiều giải pháp

Trước thực trạng ùn tắc xảy ra liên tục trên tuyến cửa ngõ ra vào sân bay, Sở Giao thông Vận tải Thành phồ Hồ Chí Minh đã đề xuất lên UBND thành phố 5 dự án mang tính chất khẩn cấp với tổng kinh phí 1.839 tỷ đồng.

Theo đó, 5 dự án gồm: Dự án cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài thuộc quận Tân Bình với tổng mức đầu tư hơn 771 tỷ đồng; dự án cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu (quận Phú Nhuận) dài 30 m có tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng; dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) có tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng; dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (quận Tân Bình) có tổng mức đầu tư gần 143 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) dạng chữ Y theo nhánh Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng.

Để việc ưu tiên thực hiện các dự án theo lệnh khẩn cấp, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố triển khai dự án cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các bước lập dự án, khảo sát, thiết kế, chỉ định thầu bước thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố kiến nghị Bộ Quốc phòng chấp thuận bàn giao phần đất thuộc lộ giới quy hoạch đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn thuộc khuôn viên Bệnh viện 175 với diện tích khoảng 2.300 m2 (thuộc phạm vi thực hiện dự án xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm) và diện tích khoảng 1.263 m2 thuộc phần lộ giới đối với dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa.

Trong khi đó, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, để giải quyết tình trạng ngập ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài hai dự án kênh Nhật Bản và kênh Hy Vọng đang triển khai, tuyến kênh A41 cũng phải được nạo vét thì tình trạng ngập ở khu vực sân bay mới giải quyết được.

Hiện tuyến kênh A41 chưa có dự án, vì vậy ngập có thể còn tiếp diễn. Còn theo UBND quận Tân Bình, để dự án kênh A41 thực hiện được quận kiến nghị thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trong năm nay để quận có cơ sở cắm mốc ranh giới dự án. Quận đang triển khai khảo sát nhà dân để có giải pháp bồi thường, thuê tư vấn xác định các bước tiếp theo để lập dự án và triển khai xây dựng trong năm 2017 đến năm 2019 hoàn thành.

Trong chuyến khảo sát thực tế tình hình tại cơ sở vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu quận Tân Bình và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước phối hợp với các sở ngành khẩn trương triển khai dự án vạo vét kênh A41.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ dự án triển khai, trước mắt các đơn vị có biện pháp để hạn chế ngập như vận động người dân vớt rác, khai thông dòng chảy... Bên cạnh đó, theo ông Bùi Xuân Cường, để có thể giải quyết tốt tình trạng úng ngập trong sân bay, Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng đã giao quyền quản lý đối với hệ thống cống thoát nước về Trung tâm điều hành chống ngập nước thành phố để tiện điều phối, quản lý.

Theo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm