09/09/2015 11:59 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Điêu khắc trong không gian công cộng ở đô thị lớn như TP. HCM luôn được giới chuyên môn quan tâm. Ngoài những tượng đài danh nhân, tượng đài lịch sử, thì điêu khắc còn góp vai trò rất lớn để làm đẹp không gian đô thị. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Hôm nay 9/9, tại Trung tâm Hội nghị TP. HCM (272 Võ Thị Sáu, Q.3) diễn ra cuộc tọa đàm Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP. HCM. Đồng thời khai mạc Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế TP HCM 2015.
Thiếu tượng trang trí công viên
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM, cho biết: “Chưa bàn đến tượng đài danh nhân, tượng đài lịch sử ở TP. HCM hiện nay chưa có nhiều, cứ thử dạo quanh khu trung tâm thành phố sẽ thấy điều này. Tôi chỉ bàn đến tượng công viên, tượng ở các không gian công cộng như bến xe, nhà ga gần như không có. Điều này thể hiện sự thiếu quy hoạch ngay từ đầu. Lẽ ra khi kiến tạo một khu dân cư hay khu thương mại hoặc trung tâm hành chính các cấp, cần có quy hoạch tỉ lệ % bao nhiêu tượng dành cho không gian công cộng”.
Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh nói rõ về việc này: “Điêu khắc trong không gian công cộng ở TP. HCM quá ít, gồm: Ít về số lượng, ít về chất lượng và ít về sự quan tâm. Tượng ở công viên gần như không có, hiện chỉ có ở công viên Tao Đàn một số tượng đặt tạm thời thành một đống chứ chưa phát huy hết giá trị mỹ thuật của mình.
Không chỉ giới điêu khắc gia quan tâm đến tượng ở nơi công cộng, ông Lê Hùng Mạnh (Giám đốc công ty xây dựng Gia Hòa), nhấn mạnh: “Khi xây dựng khu đô thị nghệ thuật ở quận 9, chúng tôi đã quan tâm đến việc đưa điêu khắc làm đẹp cho không gian sống ở đây.
Cụ thể chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác tượng để chọn ra những tác phẩm nghệ thuật nhất đặt trong khu đô thị này. Tôi còn mong muốn, nếu TP. HCM cho phép, tôi có thể tài trợ sáng tác và thực hiện nhiều tượng vui đặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện có rất ít điểm để du khách chụp hình, mà tượng được tạo hình vui mắt sẽ làm điểm nhấn như vậy”.
Thiếu sự “hợp tác” từ kiến trúc
Tuy nhiên, theo nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, để điêu khắc phát huy giá trị làm đẹp cho không gian công cộng tại TP. HCM lại là việc của những nhà quy hoạch kiến trúc. Khi quy hoạch kiến trúc cần nhớ đến ngành điêu khắc, các điêu khắc gia chỉ tư vấn và thực hiện các quy hoạch này chứ không thể làm thay công việc của giới kiến trúc sư được.
Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM, đánh giá: “Theo thống kê của thành phố thì hiện nay tại 24 quận huyện của thành phố đang có 50 công trình tượng, tượng đài. Trong đó có 10 tượng đài từ trước 1975 và đang có 40 tượng đài được thành phố xây dựng từ ngày đất nước thống nhất cho đến nay. Tại TP. HCM cũng có hệ thống công viên phong phú từ khu đô thị cũ lẫn mới”.
“Theo thống kê thì các loại tượng đài có chủ đề được chia ra theo sự tương quan tỷ lệ về số lượng như sau: 76% là tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, danh nhân, sự kiện lịch sử cách mạng và 24% là tượng đài các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử các triều đại phong kiến, tôn giáo và biểu tượng. Thống kê này của nhóm nghiên cứu của trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM với đề tài Điêu khắc trong môi trường văn hóa đô thị Nam bộ do tiến sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên làm chủ nhiệm đề tài” - họa sĩ Uyên Huy cho biết.
Từ thực trạng như vậy, họa sĩ Uyên Huy kết luận: “Lâu nay, trong quy hoạch đô thị, Nhà nước luôn dành kinh phí cho việc xây dựng công viên, quảng trường tuy nhiên, chúng ta còn ít quan tâm đến việc tạo cho không gian này đẹp hơn bằng loại hình mỹ thuật công cộng: thiết kế khoảng xanh, công viên, các loại tượng trang trí”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất